Tết Đoan Ngọ nên ăn gì để diệt sâu bọ?

Tết Đoan Ngọ năm 2021 rơi vào ngày 14/6 dương lịch (Thứ Hai). “Đoan” có nghĩa là bắt đầu, “Ngọ” tức giờ ngọ, (từ 11-13h) là khoảng thời gian nóng nhất trong ngày Đoan Ngọ có thể hiểu là “ngày mở đầu chuỗi ngày nóng nhất trong năm”. Người xưa tin rằng, đây là giai đoạn giao mùa nên dịch bệnh, sâu bọ dễ phát sinh. Nếu không diệt chúng bằng cách cúng Tết Đoan Ngọ thì mùa màng sẽ thất bát.

Bánh tro

Bánh tro (hay bánh ú tro, bánh gio, bánh âm... ) là món bánh truyền thống của người Việt Nam thường xuất hiện vào dịp Tết Đoan Ngọ.

Bánh được làm từ gạo nếp ngâm với nước lá tro (chứ không phải tro bếp), sau đó gói trong lá chuối rồi đem hấp. Bánh tro thường có nhân mặn, ngọt hoặc có loại không nhân để ăn kèm đường, mật.

Cơm rượu nếp

Cơm rượu nếp là món ăn không thể thiếu vào dịp Tết Đoan Ngọ của nhiều gia đình. Theo quan niệm của người Việt, cơm nếp cùng men rượu cay sẽ có tác dụng tiêu diệt ký sinh trùng trong cơ thể.

Cơm rượu là một loại đồ uống/đồ ăn có cồn không qua chưng cất, thường được nấu từ nếp trắng hoặc nếp cẩm như ảnh. Trước tiên, người ta lấy nếp nấu thành xôi, để nguội rồi rắc men lên, đem đi ủ khoảng 3-5 ngày.

Chè kê – món diệt sâu bọ ở Huế

Tết Đoan Ngọ cũng là lúc kê vào mùa, vì vậy mà người Huế thường nấu chè kê để dâng lên ông bà, tổ tiên.

Chè kê được làm từ hạt kê xay tróc vỏ rồi ngâm. Sau khi ngâm, hạt kê được nấu đến khi nở, mềm và sệt. Kế tiếp, người nấu cho thêm ít đường và nước gừng. Chè kê rất thơm và có màu vàng đặc trưng.

Tết Đoan Ngọ nên ăn gì để diệt sâu bọ?

Chè trôi nước – món ăn miền Nam quen thuộc vào ngày diệt sâu bọ

Nếu hỏi một người miền Nam rằng Tết Đoan Ngọ nên ăn gì, hẳn câu trả lời sẽ không thể thiếu món chè trôi nước. Theo quan niệm dân gian, những món ăn làm từ nếp đều có tác dụng diệt sâu bọ đường ruột, và món chè trôi nước được làm từ gạo nếp cũng không ngoại lệ.

Cái thú ăn chè trôi nước nằm ở sự thỏa mãn vị giác, xúc giác và thính giác. Viên chè vừa dẻo quánh, vừa ngọt lẫn mằn mặn nhờ lớp nhân đậu xanh hòa với nước đường, lại thơm mùi gừng, mè.

Bánh bá trạng (bánh lá trạng)

Nếu Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam, người ta ăn bánh lá gio thì người Hoa chuộng bánh bá trạng. Bánh bá trạng có hình dáng, kết cấu tương tự như bánh ú nhân mặn của Việt Nam nhưng to và đậm đà hơn.

Cụ thể, phần nhân sẽ gồm nhiều nguyên liệu hơn như: thịt heo, hột vịt muối, nấm đông cô (hay nấm mèo), lạp xưởng, tôm khô, đậu phộng... Bánh thơm mùi thảo dược đặc biệt nên khi ăn vào sẽ thấy khác hẳn với bánh chưng, bánh ú của người Việt.

Đến đây, bạn đã biết được ngày Tết Đoan Ngọ nên ăn gì chưa? Nếu không thể thu vén đủ các món trên, nên chọn ra một món mình ưng nhất để thưởng thức cùng gia đình, người thân và hòa vào không khí một Tết Đoan Ngọ thật khác của năm 2021.

Bài liên quan
Quy Nhơn: Hàng nghìn người đổ xô tắm biển xả xui ngày Tết Đoan Ngọ
Tết Đoan Ngọ - nét truyền thống mang phong vị Á Đông
Truyền thống ăn Tết Đoan ngọ ở các vùng khác nhau như thế nào?