Tết Đoan Ngọ là một trong những ngày Tết truyền thống của người dân Việt Nam ta. Trẻ em thường rất thích ngày Tết này bởi vì sẽ có rất nhiều trái cây, chè trôi nước và bánh tro để ăn. Vào ngày này, người dân thường chuẩn bị một mâm cúng đơn giản để dâng cúng ông bà tổ tiên, đặc biệt với mong muốn tiêu diệt sâu bọ gây hại cho cây trồng. Chính vì thế, Tết Đoan Ngọ cúng gì luôn là chủ đề nhận được nhiều quan tâm.
Tết Đoan Ngọ là ngày nào? Cúng Tết Đoan Ngọ vào giờ nào?
Ca dao Việt Nam có câu: “Tháng tư đong đậu nấu chè/Ăn Tết Đoan Ngọ trở về tháng năm.” Từ câu ca dao trên ta có thể thấy, cứ vào đầu tháng năm ta lại ăn Tết Đoan Ngọ. Ở mỗi quốc gia Đông Á, Tết Đoan Ngọ được tổ chức vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hằng năm gắn liền với nhiều truyền thuyết và sự tích khác nhau. Vào ngày này, người dân thường cầu mong có một vụ mùa tươi tốt, mùa màng bội thu, không bị sâu bệnh gây hại, quấy phá cây trồng, cầu mong mưa thuận gió hòa, nhà nhà vui vẻ, sức khỏe dồi dào.
Ngày lễ Tết Đoan Ngọ cũng vô cùng quan trọng đối với người dân Việt Nam không kém gì ngày Tết Nguyên Đán cổ truyền. Tuy nhiên, còn khá nhiều người thắc mắc về việc mùng 5 tháng 5 cúng gì và Tết Đoan Ngọ cúng vào giờ nào thì chính xác nhất? “Đoan” có nghĩa là sự khởi đầu, “Ngọ” tức ý chỉ khoảng thời gian từ 11 giờ sáng đến 1 giờ chiều, vì vậy cúng Tết Đoan Ngọ có phải là cúng vào khoảng thời gian giữa trưa này hay không? Theo những nhà nghiên cứu văn hóa thì đây chính xác là thời điểm để cúng Tết Đoan Ngọ.
Tết Đoan Ngọ cúng gì?
Tết Đoan Ngọ cúng gì hay cúng mùng 5 tháng 5 như thế nào? cũng không được quy định rõ ràng. Đặc trưng của ngày Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam là hướng về cội nguồn tổ tiên, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, chính vì thế đồ thờ cúng cũng được chuẩn bị đơn giản nhưng vẫn rất tươm tất, chu đáo. Thông thường trong mâm cúng gồm có món cơm nếp, hoa quả và trái cây. Tuy vậy, mỗi vùng miền tùy theo từng quan niệm văn hóa, phong tục tập quán sẽ có những đặc trưng và cách cúng khác nhau.
-
Cúng mùng 5 tháng 5 gồm những gì ở miền Bắc
Để giải đáp thắc mắc mùng 5 tháng 5 cúng gì ở miền Bắc thì chúng ta nên điểm qua những thứ sau đây:
- Hoa cúng, hương, vàng mã.
- Xôi và chè.
- Rượu nếp, nếp cẩm: Theo quan niệm dân gian, nhiều người tin rằng vị nồng và chát của rượu nếp có thể tiêu diệt được các loài ký sinh trùng tồn tại trong cơ thể con người.
- Hoa quả, trái cây: Là những thứ không thể thiếu trong mâm cúng Tết Đoan Ngọ. Với mong muốn sức khỏe luôn dồi dào, các loại ký sinh có thể bị tiêu diệt, người ta thường chọn những loại quả có vị chua, chát, mặn. Đối với người miền Bắc, người dân hay chọn lựa những quả có tính nóng, tươi ngon, mùi vị thơm nức như mận, dưa hấu, xoài, chôm chôm,..
- Bánh tro: Bánh ú tro hay còn được gọi là bánh nẳng, là một loại bánh được làm từ gạo nếp, ngâm qua nước tro và gói trong lá rồi đem luộc chín. Bánh có màu vàng đậm, mùi vị rất ngon miệng.
-
Cúng mùng 5 tháng 5 gồm những gì ở miền Trung
Mâm cúng ở miền Trung có khác đôi chút so với miền Bắc. Ngoài trái cây và một số lễ vật thì đối với người miền Trung, món cơm rượu nếp trong ngày Tết Đoan Ngọ được sử dụng là nếp trắng và nén thành từng khối chứ không để rời rạc như ở miền Bắc.
Ngoài ra, một nét đặc sắc trong mâm cúng của người miền Trung đó chính là món chè khê thơm ngon, bổ dưỡng. Món chè khê này thường được ăn kèm với bánh tráng mè. Bánh tráng giòn giòn kết hợp cùng vị chè thơm mát rất thích hợp trong những ngày hè tháng 5 oi bức.
-
Cúng mùng 5 tháng 5 gồm những gì ở miền Nam
Cũng giống như hai miền còn lại của đất nước, miền Nam cúng Tết Đoan Ngọ bao gồm những loại trái cây hè tính nóng tươi mát, có vị chua, chát, mặn, ngon ngọt và thơm nức mũi. Trong số đó, món rượu nếp vẫn là một món không thể thiếu trong ngày Tết diệt sâu bọ này ở miền Nam. Thay vì nắn thành khối như miền Trung, hay để rời như miền Bắc, miền Nam lại chọn cách vo tròn viên gạo nếp. Giống như miền Trung, miền Nam sử dụng nếp trắng để chế biến cơm rượu.
Nếu như miền Bắc thường ăn bánh tro, miền Trung ăn chè khê thì miền Nam lại có món chè trôi nước để cúng Tết Đoan Ngọ. Từng viên bánh trôi to tròn, hương vị của món bánh này ở miền Nam khác biệt hẳn so với hai miền còn lại.
Những điều cần lưu ý khi cúng Tết Đoan Ngọ
Bên cạnh việc biết cách cúng mùng 5 tháng 5 như thế nào? bạn cũng nên lưu ý thêm những điều sau đây để cầu mong ngày Tết Đoan Ngọ bình an và may mắn cho gia chủ:
- Ta nên tiến hành cúng vào giờ Ngọ (khoảng thời gian từ 11 giờ sáng tới 1 giờ chiều).
- Tránh để mất hay rơi tiền vào ngày Tết Đoan Ngọ, bởi như thế bạn sẽ đánh mất tài lộc.
- Tránh mua những vật phẩm có hình thù kỳ lạ để rước tà khí vào người.
- Tránh dừng chân ở những nơi âm u, bạn sẽ dễ bị nhiễm tà khí.
Tết Đoan Ngọ cúng gì luôn là vấn đề trăn trở của nhiều nàng dâu khi mới bước chân về nhà chồng. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn có thêm nhiều kiến thức về ngày tết này ở Việt Nam.