Thị trường bất động sản công nghiệp phía Bắc: thiếu nguồn cung
Ở thị trường Hà Nội trong quý II/2018, nhân tố tích cực như tỷ lệ tăng trưởng CPI được kiểm soát tốt, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ổn định, mức độ hội nhập kinh tế, môi trường kinh doanh được cải thiện… tiếp tục đóng vai trò quan trọng giúp nền kinh tế tăng trưởng.
Việc ký kết CPTPP được kỳ vọng mang đến lợi thế to lớn cho kinh tế Việt Nam với việc thúc đẩy đầu tư và gia tăng xuất khẩu. Sự hình thành các đặc khu kinh tế với các chính sách nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư vẫn đang gây nhiều tranh cãi, sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế.
Tuy vậy, thị trường bất động sản công nghiệp Hà Nội không có nguồn cung mới trong quý II/2018. Tổng tồn kho diện tích bất động sản khu công nghiệp ở Hà Nội hơn 1,800 ha, không đổi so với quý trước và tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiệu suất thị trường tiếp tục tăng nhẹ với tỷ lệ lấp đầy tăng 2,6% so với quý trước và tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái, nâng tổng diện tích cho thuê được xấp xỉ 50 ha, phần lớn đến từ các khu công nghiệp: KCN cao Hoà Lạc, Nội Bài giai đoạn 3, trong khi các dự án khác đều đã cho thuê hết hoặc không còn nhiều diện tích trống.
Tại thị trường Hà Nội, vẫn có những dự án đang xây dựng tiêu biểu như Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn với 340 ha và sẽ hoàn thành năm 2020, Khu công nghiệp Đông Anh với 300 ha đang xây dựng và hoàn thành năm 2020, tiếp đó là Khu công nghiệp Quang Minh 2 với 266 ha và hoàn thành năm 2020, Khu công nghiệp Phụng Hiệp tại huyện Chương Mỹ đang xây dựng 175 ha và hoàn thành năm 2020…
Tuy nhiên, giá chào thuê trung bình vẫn trong xu thế tăng, cụ thể tăng 2% so với quý I/2018 và tăng 4,1% so với quý 2 năm 2017 do giá thuê cao ở các dự án mới đưa vào hoạt động cũng như giá thuê tăng ở các diện tích trống ít ỏi còn lại ở các KCN hiện hữu. Giá thuê bình quân ở Hà Nội vẫn ở mức cao nhất trong số các tỉnh phía Bắc.
Thị trường bất động sản công nghiệp TP.HCM: thu hút vốn đầu tư
Đối với thị trường bất động sản công nghiệp TP.HCM, nền kinh tế tăng trưởng ổn định, các nhân tố tích cực như tỷ lệ tăng trưởng CPI được kiểm soát tốt, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ổn định, môi trường kinh doanh được cải thiện, mức độ hội nhập kinh tế…tiếp tục đóng vai trò quan trọng giúp nền kinh tế tăng trưởng.
Trong đó, tổng nguồn cung cho thị trường bất động sản khu công nghiệp không thay đổi so với quý trước cũng như so với cùng kỳ năm ngoái, với tổng diện tích cho thuê là 2.480 ha đến từ 19 khu công nghiệp đang hoạt động. Hiệu suất thị trường được cải thiện với tỷ lệ lấp đầy tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 70,2%. Năm 2018, HEPZA tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp phụ trợ bằng cách tập trung vào cải cách thủ tục hành chính.
Trong đó quận 7 hiện đang tồn kho 195 ha và tỷ lệ trống 2.7% và không có dự án nào đang xây dựng. Huyện Nhà Bè đang tồn kho 506ha, tỷ lệ trống là 37.6% và đang xây dựng thêm 500 ha, huyện Bình Chánh đang tồn kho 409 ha và tỷ lệ trống là 55.3% và đang xây dựng 1,517 ha….
Trong đó, các dự án đang xây dựng tại TP.HCM như Hòa Phú giai đoạn 2 tại huyện Củ chi với diện tích 72 ha và hoàn thành năm 2018, Tây bắc Củ Chi giai đoạn 2 rộng 173 ha và hoàn thành năm 2020, Hiệp Phước giai đoạn 3 tại huyện Nhà Bè với diện tích 500 ha đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng và dự kiến hoàn thành năm 2020, Vĩnh Lộc 1 giai đoạn 3 huyện Bình Chánh với 200 ha đang trong gia đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng và dự kiến hoàn thành năm 2020.
Giá chào thuê bình quân ở các khu công nghiệp tăng nhẹ 1% so với quý trước và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái. ở mức 3.072.000 đồng/m2/kỳ hạn thuê, xấp xỉ 135 USD/m2/kỳ hạn thuê. Giá thuê bình quân ở các khu công nghiệp khu vực TP.HCM vẫn đang trong xu thế tăng kéo dài 5 năm qua, nhích nhẹ 1,6% chủ yếu do vốn đầu tư vào khu vực này tăng.
MuaBanNhaDat theo TBKD