Thương vụ giữa Uber và Grab tiếp tục bị cáo buộc vi phạm luật cạnh tranh tại Singapore

Sau Việt Nam, đến lượt Singapore đưa ra thông báo cho rằng thương vụ giữa Grab và Uber tại Đông Nam Á vi phạm quy định của Luật cạnh tranh.

Thương vụ giữa Uber và Grab tiếp tục bị cáo buộc vi phạm luật cạnh tranh tại Singapore

Grab đang đối mặt các cáo buộc vi phạm quy định của Luật cạnh tranh tại Việt Nam và Singapore, sau khi sáp nhập hoạt động của Uber Đông Nam Á. Ảnh: Trường Bùi

Trong quyết định đưa ra hôm 5.7 sau cuộc điều tra, Cơ quan cạnh tranh và người tiêu dùng Singapore (CCCS) tạm thời phát hiện rằng thương vụ sáp nhập này đã làm giảm yếu tố cạnh tranh trên thị trường cung cấp dịch vụ nền tảng đặt xe tại Singapore.

Grab và Uber trước khi sáp nhập là hai đối thủ của nhau trên thị trường Đông Nam Á nhưng có cùng nhà đầu tư là SoftBank.

Kết quả cuộc điều tra được đưa ra sau ba tháng Grab thông báo tiến hành sáp nhập Uber tại thị trường Đông Nam Á. Đổi lại, Uber nắm giữ 27,5% cổ phần tại Grab.

Hồi giữa tháng 5.2018, sau cuộc điều tra kéo dài một tháng, Bộ công thương của Việt Nam cũng ra kết luận cho rằng thương vụ sáp nhập này có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh.

Thương vụ sáp nhập giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam có thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%. Điều đó đồng nghĩa vụ việc này có dấu hiệu vi phạm quy định tại Luật Cạnh tranh 2004 về việc cấm các thỏa thuận trong đó các bên tham gia có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên, trừ các trường hợp thỏa thuận nhằm mục đích hạ giá thành, có lợi cho người tiêu dùng.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng đã quyết định điều tra chính thức thương vụ Grab và Uber tại Việt Nam, theo đúng quy trình xử lý.

Doanh nghiệp sau sáp nhập có khả năng làm tăng giá dịch vụ và thực tế đã tăng giá sau khi tiến hành sáp nhập, CCCS cho biết trong kết luận đăng trên website.

CCCS cho biết đã nhận nhiều đơn khiếu nại từ người dùng và người lái xe liên quan đến việc tăng giá sau thương vụ sáp nhập (giảm khuyến mãi cho người dùng và giảm ưu đãi cho tài xế).

Cơ quan thi hành luật cạnh tranh của Singapore đề xuất áp dụng hình phạt tài chính cho cả Grab và Uber vì cả hai vẫn thực hiện thương vụ sáp nhập dù biết trước có thể xảy ra lo ngại về vấn đề giảm cạnh tranh trên thị trường Singapore.

CCCS có thể yêu cầu hai bên khôi phục lại tình trạng trước sáp nhập, tùy thuộc vào việc giải quyết thành công các biện pháp khắc phục hay không, nhưng cũng cho rằng việc sáp nhập có thể không khả thi.

Trong phản hồi với Forbes Việt Nam sau khi có quyết định của CCCS, Grab tuyên bố đã tiến hành mua lại Uber hợp pháp và tuân thủ đầy đủ các luật cạnh tranh hiện hành của Singapore.

Grab không đồng ý với các phân tích của CCCS và sẽ kháng nghị quyết định này, đại diện truyền thông Grab cho biết trong một thông báo.

Sau sự rút lui của Uber, nhiều công ty công nghệ tuyên bố tham gia vào thị trường cung cấp nền tảng dịch vụ gọi xe qua ứng dụng. Trong đó nổi bật là Go-Jek. Công ty công nghệ này tuyên bố sẽ mở rộng ra khỏi Indonesia tới bốn thị trường Đông Nam Á. Gần đây, Go-Jek thông báo sắp ra mắt tại Việt Nam và Thái Lan.