Đông Nam Á đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt giữa các hãng cung cấp ứng dụng gọi xe, đồng thời cũng nổi lên là thị trường thu hút khoản tiền lớn từ các nhà đầu tư trên toàn cầu.
Logo của Grab đặt trước trung tâm thương mại Takashimaya (Singapore) - Ảnh: Minh Tâm
Toyota, một trong những nhà sản xuất xe ô tô lớn nhất trên thế giới đến từ Nhật Bản sẽ đầu tư một tỉ đô la Mỹ vào Grab, nền tảng cung cấp dịch vụ gọi xe số một tại Đông Nam Á, theo các thông báo từ cả hai công ty phát đi hôm nay 13.06.
Làn sóng thu hút đầu tư vào lĩnh vực gọi xe tại Đông Nam Á đang diễn ra sôi động tại Đông Nam Á, khu vực có dân số khoảng 650 triệu người cùng với sự phát triển bùng nổ của smartphone và internet.
Trước khoản đầu tư này của Toyota cho Grab, thị trường ứng dụng gọi xe đã chứng kiến nhiều thương vụ M&A và đầu tư quy mô lớn, chẳng hạn như Uber nhường lại thị trường Đông Nam Á cho Grab để đổi lại 27,5% cổ phần. Gần đây, công ty bảo hiểm Đức Allianz công bố đầu tư vào Go-Jek. Ứng dụng gọi xe lớn nhất tại Indonesia ngay sau đó đã tuyên bố sẽ dùng khoản tiền 500 triệu đô để mở rộng các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Singapore và Việt nam trong những tháng sắp tới.
Một người chơi đá bóng trong chương trình Grab Rewards - Ảnh: Minh Tâm
Đây không phải vòng đầu tư đầu tiên của Toyota cho Grab. Hồi tháng 1.2018, Toyota cùng với các nhà đầu tư khác như Huyndai, mà dẫn đầu là Softbank và Didi Chuxing đã hoàn tất khoản đầu tư 2,5 tỉ đô la Mỹ vào Grab.
Với số tiền một tỉ đô la Mỹ, Toyota trở thành nhà đầu tư chính trong vòng gọi vốn đợt này của Grab. Mặc dù không tiết lộ phần trăm sở hữu nhưng Toyota sẽ thương thảo để đưa một thành viên cấp cao của Toyota sẽ tham gia vào hội đồng quản trị của Grab trong thời gian tới. Một thành viên khác phụ trách về chuyên môn của Toyota sẽ đảm nhiệm vị trí giám đốc điều hành tại Grab. Toyota cũng sẽ cân nhắc để đưa thêm nhân viên của mình vào Grab trong thời gian tới.
“Cùng với Grab, chúng tôi sẽ xây dựng các dịch vụ mới có tính thu hút, an toàn và đảm bảo hơn cho các khách hàng của chúng tôi tại khu vực Đông Nam Á,” ông Shigeki Tomoyama, phó giám đốc điều hành của Toyota nói.
Ming Maa, chủ tịch của Grab cho biết, khoản đầu tư từ Toyota sẽ giúp Grab mở rộng thị trường và phát triển các dịch vụ thương mại từ online đến offline (O2O - Online to Offline Ecomerce). Ngoài ứng dụng kết nối xe, Grab đang cung cấp các dịch vụ khác như giao hàng, giao thức ăn, thanh toán di động và các dịch vụ tài chính khác.
Ngoài việc giúp Grab có thêm tiềm lực mở rộng thị trường, trong đợt đầu tư này, Grab và Toyota sẽ đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ trên nền tảng độc quyền Mobility Service Platform - MSPF do Toyota cung cấp. Qua đó, hai công ty sẽ khai thác các dịch vụ như bảo hiểm, dịch vụ bảo trì, dự đoán bảo trì dịch vụ và dịch vụ tài chính cho lái xe.
Grab hiện có mặt tại 217 thành phố trong khu vực Đông Nam Á. Ông Ming cũng cho biết doanh thu của Grab đã chạm mốc một tỉ đô la Mỹ và số lượng người cài đặt ứng dụng đã lên tới 100 triệu người với 6,6 triệu tài xế và đối tác. Grab cũng cho biết tham vọng trong việc khai thác những khách hàng chưa tiếp cận các dịch vụ tài chính của ngân hàng.