Trong số 336 cột đá cẩm thạch lớn trên diện tích gần 1 ha của bể chứa nước ngầm lớn nhất Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), một vài cột có tượng đầu quỷ Medusa lộn ngược, gây cảm giác mạnh.
Ở Istanbul, hàng trăm hồ chứa tối tăm thời Byzantine vẫn được giữ nguyên từ những ngày xa xưa của thành phố cổ Constantinople. Không hồ chứa nào trong số này rộng lớn hay nổi tiếng hơn Basilica Cistern. Vào một ngày mùa hè nóng bức, “Cung điện bị đắm” này là nơi tuyệt vời để nghỉ ngơi mát mẻ.
Basilica Cistern được gọi với nhiều tên như Cung điện nước, Cung điện bị đắm. Thực chất đây là hệ thống bể chứa nước ngầm cung cấp nước sạch cho sinh hoạt của người dân và dọn dẹp vệ sinh tại các giáo đường, đền đài.
Với chiều dài 143 m, ngang 70 m, chứa khoảng 80.000 m3 nước, Basilica Cistern là bể ngầm trữ nước lớn nhất thành phố Istanbul.
Trần của Basilica Cistern được chống đỡ bằng 336 cột đá cẩm thạch lớn trong không gian gần 1 ha…
… tạo nên những mái vòm đẹp mắt như trong các giáo đường Châu Âu.
Hình ảnh mắt quỷ trên những cây cột tại bể chứa nước ngầm. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, du khách có thể gặp những chiếc mắt quỷ này ở bất cứ đâu như trên vòng tay, hoa tai, vòng cổ của phụ nữ; treo trong những ngôi nhà của người dân địa phương, văn phòng và cả ôtô; quần áo. Mắt quỷ thường có màu xanh đại dương với nhiều kích cỡ khác nhau, chủ yếu là hình tròn. Theo truyền thuyết, bùa mắt quỷ bảo vệ con người khỏi các thế lực quỷ dữ.
Trong số những cây cột này, một vài cột có tượng đầu quỷ Medusa lộn ngược, nằm ở phía tây bắc. Nhiều du khách không khỏi rùng mình khi nhìn thấy bức tượng này.
Thỉnh thoảng, nơi đây là sân khấu của những buổi hòa nhạc cổ điển. Trong khu vực tham quan có nhạc du dương, ánh sáng chỉ chiếu le lói ở khu vực đi lại.
Để có đường cho khách tham quan, một hệ thống bục gỗ đã được lắp đặt vào năm 1990 trên một phần diện tích nước để giúp du khách có tầm nhìn rõ hơn xuống khoảng sâu tối tăm bên dưới.
Basilica Cistern được xây dựng vào năm 532, dưới thời Hoàng đế Justinian I của Byzantine. Thời điểm đó, Basilica Cistern được dùng lưu trữ nước cho Đại Điện. Sau khi thủ đô Constantinople rơi vào tay đế chế Ottoman năm 1453, hệ thống hầm chứa nước này đã bị lãng quên.
Đến năm 1545, trong cuộc đi tìm những tàn tích của đế chế Byzantine, nhà khảo cổ người Pháp Petrus Gyllius được nghe người dân địa phương kể rằng họ chỉ cần thả gầu xuống dưới tầng hầm nhà họ là đã có nước mát và trong, Basilica Cistern tình cờ được phát hiện.
Sau khi được người dân địa phương sử dụng làm nơi vứt rác và thậm chí cả xác chết, hồ chứa đã có nhiệm vụ mới, làm nguồn cung cấp nước cho Cung điện Topkapi.