Sáu tháng sau thương vụ sáp nhập giữa Uber và Grab tại Đông Nam Á, hai công ty này lại tiếp tục đối mặt với các cáo buộc vi phạm liên quan đến cạnh tranh tại các quốc gia trong khu vực.
Mức phạt mà CCCS đưa ra cho cáo buộc vi phạm Luật chống độc quyền áp cho Uber và Grab lần lượt là 4,8 triệu đô la Mỹ và 4,7 triệu đô la Mỹ.
CCCS cho biết sau khi sáp nhập, Grab nắm trên 80% thị phần gọi xe trực tuyến tại Singapore. Theo CCCS, thị phần mà Grab đang nắm giữ khiến các doanh nghiệp nhỏ tại Singapore gặp khó khăn trong việc thâm gia và mở rộng thị trường.
Sau khi Uber rút khỏi Đông Nam Á, giá cước các dịch vụ của Grab đã tăng từ 10%-15%, theo đánh giá của CCCS. Riêng tại Việt Nam các dịch vụ của Grab cũng tăng giá cho đến khi có sự tham gia của Go-Việt, startup đang nhận được sự hậu thuẫn về công nghệ và tài chính từ Go-Jek, đối thủ chính của Grab tại Indonesia.
Trước đó, Uber đồng ý rút khỏi thị trường Đông Nam Á để đổi lấy 27,5% cổ phần tại Grab. Thỏa thuận chính thức hoàn thành hồi cuối tháng 3.2018. Chỉ một ngày sau đó, CCCS đã chính thức tiến hành điều tra thương vụ sáp nhập giữa Grab và Uber vì có dấu hiệu làm giảm sự cạnh tranh của dịch vụ gọi xe trực tuyến tại Singapore. CCCS cũng cho rằng, Grab đã dùng sự độc quyền của mình để ngăn tài xế tham gia vào các nền tảng gọi xe khác.
Không chỉ tại Singapore, Grab cũng đang chịu cáo buộc vi phạm luật cạnh tranh tại các quốc gia khác như Việt Nam và Philippines.
Đầu tháng 8.2018, Ủy ban cạnh tranh của Philippines công bố cam kết tự nguyện mà Grab kí với chính quyền nước này liên quan đến giá cả và chất lượng dịch vụ. Cơ quan này cho rằng Grab đang nắm giữ vị thế độc quyền dịch vụ gọi xe trực tuyến tại nước Phillipines. Giữa tháng 5.2018, Bộ Công thương Việt Nam cũng ra thông báo thương vụ của Grab và Uber có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh 2004.