Go-Jek, ứng dụng gọi xe của Indonesia vừa phát ra thông cáo báo chí cho biết sẽ đầu tư 500 triệu đô la vào các thị trường Việt Nam, Singapores, Thái Lan và Philippines. Khoảng trống mà ứng dụng gọi xe Uber để lại khi rút khỏi Đông Nam Á đã bắt đầu có những tay chơi lớn muốn lấp vào.
Sau khi Uber rút đi, hình ảnh ứng dụng Grab trở nên phổ biến trên đường phố Việt Nam (Ảnh: Minh Thư)
Cuối tháng Ba vừa rồi Uber đã đột ngột thông báo sẽ rút khỏi thị trường Đông Nam Á, chuyển giao hệ thống dịch vụ tại thị trường này cho dối thủ chính là ứng dụng gọi xe Grab.
Nhưng trong khi Grab vẫn còn loay hoay trong việc tiếp nhận hệ thống và thị trường Uber để lại thì các ứng dụng gọi xe khác trong khu vực cũng không ngồi yên.
Hồi tháng Hai vừa qua, ứng dụng Go-Jek đã gọi thành công 1,5 tỉ đô la Mỹ từ những tên tuổi toàn cầu như Google, JD, Tencent, Temasek… vượt mức kỳ vọng ban đầu là 1,2 tỉ đô la Mỹ.
Đương nhiên, thị trường các ứng dụng gọi xe hiện nay đã khác rất nhiều so với năm năm trước. Người tiêu dùng và các tài xế đã dần quen với sự tiện lợi mà các ứng dụng gọi xe mang lại, nhưng cạnh tranh đã trở nên mạnh mẽ hơn khi thị trường dường như đã bắt đầu bão hoà.
Người tiêu dùng và các tài xế có thể nhìn thấy tương đối rõ rệt khi các hình thức khuyến mại cho cả hai đối tượng này đã được cắt giảm đáng kể so với cách đây năm năm. Một trong những lái xe đầu tiên của ứng dụng Grab nói với chúng tôi, cách đây bốn năm, vào năm 2014, anh có thể chạy xe thoải mái, tương đối “nhàn” với thu nhập khoảng 50-60 triệu đồng/tháng. Hiện tại, nhờ kinh nghiệm và những ưu đãi trong nhận các cuốc xe (dành cho lái xe lâu năm), thu nhập của anh vẫn ở mức cao so với các đồng nghiệp mới, nhưng đã giảm xuống một nửa, đồng thời phải làm việc vất vả hơn.
So với Grab, Go-Jek có nhiều dịch vụ hơn hẳn. Bên cạnh gọi xe (bằng xe ô tô lẫn xe máy), ứng dụng này còn có các dịch vụ như Go Food (mua đồ ăn), Go Mark (đi mua sắm), Go Send (gửi giấy tờ, tài liệu), Go Box (vận chuyển hàng hoá), Go Tix (bán vé xem phim, vé sự kiện)… Tuy nhiên, Go-Jek cho biết họ sẽ bắt đầu tại các thị trường mới bằng hình thức gọi xe trước khi mở rộng các dịch vụ khác.
Tuyên bố thâu tóm Uber tại thị trường Đông Nam Á từ cuối tháng 3.2018, Grab gặp không ít khó khăn khi cơ quan quản lý cạnh tranh các quốc gia trong khu vực liên tục lên tiếng về việc điều tra thương vụ thâu tóm này trên khía cạnh độc quyền kinh doanh. Tại Việt Nam, cục quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công thương cũng vừa tuyên bố sẽ điều tra sơ bộ thương vụ này khi thị phần của Uber và Grab tại Việt Nam có dấu hiệu vượt quá 50%, vi phạm luật cạnh tranh.
Tại các thị trường, không chỉ gặp rắc rối về mặt pháp lý, Grab còn phải cạnh tranh với các ứng dụng tương tự từ địa phương, đã tranh thủ việc Uber rút đi để thâm nhập thị trường.
Khoảng trống mà ứng dụng gọi xe lớn nhất để lại Việt Nam nói riêng, Đông Nam Á nói chung khi rút đi đang là cơ hội của các ứng dụng gọi xe, và Grab không thể một mình lấp đầy.