Skin fasting nở rộ như một trào lưu chăm sóc da thu hút được nhiều sự quan tâm từ cộng đồng làm đẹp. Bằng phương pháp này, bạn sẽ tiết chế lại lượng sản phẩm sử dụng trong chu trình dưỡng da hằng ngày của mình giúp làn da tránh khỏi tình trạng “ngộp” và “bội thực” do sử dụng quá nhiều mỹ phẩm. Tuy nhiên, đây là phương pháp sẽ không dành cho tất cả mọi người vì một số lý do sau đây, cùng Đẹp 365 khám phá xem đối tượng nào nên và không nên skin fasting nhé!
Skin Fasting là gì?
Những xu hướng chăm sóc da ngày nay ngày càng được đổi mới liên tục với tốc độ chóng mặt. Mỗi một xu hướng làm đẹp “đang lên” luôn thu hút được sự quan tâm cũng như hưởng ứng từ cộng đồng làm đẹp và skin fasting cũng là một trong số đó.
Bạn có thể đã biết đến cụm từ “Fasting” – có nghĩa là nhịn ăn, thông qua các chế độ giảm cân nhịn ăn gián đoạn trong ngày như Intermittent Fasting, Water Fasting. Tương tự, skin fasting ra đời như một liệu pháp “ăn kiêng” dành cho da, giúp làn da được thư giãn và tránh khỏi tình trạng “bội thực” khi được nạp quá nhiều dưỡng chất thông qua các bước skincare hằng ngày. Chính xác hơn, đây là phương pháp “cai mỹ phẩm” và không sử dụng mỹ phẩm chăm sóc da trong một khoản thời gian ngắn. Skin Fasting trái ngược với các nguyên tắc/ phương pháp chăm sóc da hiện tại – skincare chuẩn chỉnh 10 bước, 11 bước,….
Chúng ta luôn được mách phải chú trọng đến việc bổ sung thật nhiều dưỡng chất cho làn da để giúp làn da được căng đầy và khoẻ mạnh. Tuy nhiên, việc bổ sung quá nhiều dưỡng chất lại vô tình khiến cho làn da của bạn bị “lờn” hoặc biểu tình. Từ đó khiến cho chu trình dưỡng da hằng ngày của bạn bị vô hiệu hoá hoặc kích ứng làn da. Thế nên, sự xuất hiện của liệu pháp này như một phương pháp giúp làn da được “thở”, thư giãn và phục hồi da.
Đâu là thời điểm làn da của bạn cần đến Skin Fasting và cách thực hiện đúng chuẩn?
Thời điểm vàng để skin fasting chính là khoảng thời gian giãn cách tại nhà. Lúc ấy, làn da của bạn không tiếp xúc quá nhiều với môi trường bên ngoài – ánh nắng mặt trời, không khí ô nhiễm,… gây hại cho làn da.
Khi thực hiện liệu pháp “ăn kiêng” cho làn da, bạn buộc tạm ngưng hoặc giảm tần suất sử dụng tất tần tật các loại mỹ phẩm từ dưỡng ẩm, serum, kem chống nắng, toner,… . Skin fasting sẽ được duy trì trong khoảng 1 -2 tuần để làn da tự điều chỉnh độ ẩm. Hoặc bạn cũng có thể skin fasting cách ngày trong tuần để giúp làn da được thư giãn và phục hồi. Ngoài ra, bạn cũng nên bổ sung cho cơ thể 2 – 3 lít mỗi ngày để cung cấp độ ẩm cho da từ sâu bên trong.
Cụ thể hơn, khi thực hiện skin fasting, bạn nên nhở những nguyên tắc sau:
- Bạn không nên “bỏ đói” làn da một cách đột ngột. Thay vào đó, bạn hãy loại bỏ từ từ các sản phẩm mà mình đang tử dụng để đạt được hiệu quả cao nhất.
- Giảm tần suất sử dụng các sản phẩm có chứa hoạt chất.
- Đối với các làn da đang gặp phải các vấn đề viêm mụn và thâm nám, bạn không nên kiêng kem chống nắng khi ra ngoài, vì điều này rất khiến da dễ gặp phải tổn thương
- Trước ngày bạn quyết định thực hiện liệu trình skin fasting, bạn hãy làm sạch da giúp lỗ chân lông của da được “thở”.
- Hạn chế ra ngoài khi đang skin fasting
Tác dụng phụ của quá trình cho làn da “ăn kiêng”
Việc bỏ qua bước dưỡng ẩm, cân bằng độ pH cho da đã vô tình khiến cho lớp hàng rào da yếu dần theo thời gian, khiến cho làn da trở nên thô ráp và xuất hiện tình trạng bong tróc, đặc biệt là da khô. Mặt khác, trong thời gian skin fasting, làn da của bạn không được sử dụng kem chống nắng. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tổng hợp sắc tố da melanin gây nám, đồi mồi và xỉn màu da. Và đây cũng chính là lý do mà bạn không nên ra ngoài khi đang thực hiện skin fasting và bổ sung lượng nước cần thiết cho cơ thể.
“Skin Fasting không phải là một quá trình thải độc làn da như bạn vẫn thường nghĩ”
Có rất nhiều người hiểu sai về tác dụng của skin fasting rằng đây là một liệu pháp giúp thải độc làn da. Trên thực tế, để thải độc làn da, bạn sẽ cần đến sự kết hợp của nhiều phương pháp khác nhau và khá phức tạp. Thế nên, chỉ với việc “ăn kiêng” cho làn da đơn thuần cũng không thể nào giúp bạn thải độc làn da được một cách hiệu quả.
Vì vậy, Đẹp 365 khuyên bạn hãy phân biệt rõ về khái niệm Skin Fasting với các hình thức Detox thải độc cho da để chăm sóc làn da tốt hơn.
Skin Fasting không dành làn da nào?
Phương pháp này sẽ không thích hợp với những làn da đang phải đối mặt với quá nhiều vấn đề về da đang cần giải quyết. Điển hình là mụn, thâm nám, đồi mồi,… Việc ngưng các sản phẩm chăm sóc da sẽ khiến quá trình điều trị làn da không đạt được hiệu quả như mong đợi, mà chúng còn giảm đi hiệu quả điều trị của bạn.
Thay vào đó, Skin fasting lại rất thích hợp với những làn da đang có triệu chứng kích ứng, dư ẩm và tiết dầu nhiều do mỹ phẩm, thời tiết và các nhân tố khác. Việc ngưng sử dụng mỹ phẩm sẽ giúp làn da được “thở”, phục hồi da và hạn chế tiếp xúc với mỹ phẩm khiến tình trạng da trở nên nghiêm trọng. Và liệu pháp này cũng có thể được áp dụng để giúp bạn nhận biết được đâu là các sản phẩm chăm sóc da phù hợp với làn da của mình, để nhanh chóng điều chỉnh và tìm kiếm sản phẩm thích hợp khác.
Hy vọng rằng thông qua bài viết này, bạn sẽ có cái nhìn đúng hơn về trào lưu “ăn kiêng” dành cho da và nắm được các nguyên tắc khi thực hiện để đạt được hiệu quả cao như mong đợi. Hãy theo dõi thêm các bài viết khác của Đẹp 365 ngay tại website hoặc theo dõi kênh Đẹp 365 trên ZALO để đón đọc thêm những thông tin làm đẹp mỗi ngày nhé!