Chăm sóc da giờ đây đã được nâng lên một tầm cao mới. Nó không chỉ là thói quen thường ngày mà đòi hỏi rất nhiều tâm huyết, trí lực và cả tiền bạc nữa. Nhưng bạn có bao giờ rơi vào trường hợp chi rất nhiều cho đồ skincare, ngày nào cũng dành hàng giờ đồng hồ để bôi trét chục bước nhưng da vẫn quá nhiều dầu, sần sùi hoặc vẫn khô bong tróc? Nếu như vậy thì có thể chu trình dưỡng da hiện tại không thích hợp với làn da của bạn.
Dấu hiệu 1: Da khô căng
Nguyên nhân: Da mất nước hoặc tẩy da chết quá nhiều.
Giải pháp: Kiểm tra bảng thành phần của những sản phẩm bạn đang dùng hoặc thử đổi sang sản phẩm khác.
Nếu bạn thấy da khô căng, nhiều khả năng là hàng rào bảo vệ tự nhiên của da đã bị suy yếu. Đây là hậu quả của việc sử dụng quá nhiều thành phần "nặng đô" như Retinol, AHA hoặc BHA và những cái tên huỷ hoại lớp dầu tự nhiên của da như xà phòng hoặc sữa rửa mặt tạo bọt.
Tra soát kĩ một lượt xem có sản phẩm nào trong nhà tắm, bàn trong điểm chứa Sodium Lauryl Sulfate không nhé. Còn một lý do nữa cũng có thể khiến da khô căng là thói quen rửa mặt bằng nước nóng. Thích thì thích thật nhưng da sẽ khóc thét cho mà xem. Nhớ nè, rửa mặt 2 lần một ngày với nước mát để da luôn trong trạng thái khoẻ mạnh nha.
Tẩy tế bào chết quá nhiều cũng có thể làm cho làn da của bạn căng rát và nhạy cảm. Vì thế một tuần chỉ nên tẩy da chết từ 1 đến 2 lần thôi. Tuy nhiên, nếu hiện tại bạn thấy da quá căng và khó chịu thì nên tạm dừng thói quen này cho đến khi da phục hồi hẳn.
Để trở về với làn da căng mọng, bạn cần củng cố lại lớp biểu bì bằng cách thêm vào chu trình hàng ngày các hoạt chất như Hyaluronic Acid và chất chống oxy hóa. Trong trường hợp này thì tẩy trang bằng dầu là một lựa chọn tuyệt vời, sau đó làm sạch thêm bằng một loại sữa rửa mặt dịu nhẹ. Thêm serum cấp ẩm và dầu dưỡng da nữa cũng là một ý hay.
Dấu hiệu 2: Da đổ nhiều dầu
Nguyên nhân: Rối loạn nội tiết tố, thay đổi thời tiết, chế độ chăm sóc da chưa phù hợp.
Giải pháp: Thay đổi một vài sản phẩm trong chu trình dưỡng da.
Sự thật phũ phàng là da dầu có thể là hệ quả của rất nhiều thứ. Buồn thay một số thì giải quyết được, một số thì không. Những trường hợp da đổ quá nhiều dầu do gen di truyền hoặc rối loạn hormone, bạn nên tới gặp chuyên gia da liễu để được tư vấn.
Tuy nhiên, da dầu cũng có thể bị gây ra bởi chế độ chăm sóc da chưa phù hợp. Điều mà nhiều người không nhận ra là da dầu thường có dấu hiệu mất nước. Mặc dù nghe có vẻ lạ đời nhưng sự thật là như thế. Khi làn da của bạn thiếu độ ẩm, nó sẽ cố gắng bù đắp bằng cách sản xuất nhiều dầu hơn. Đây là lý do tại sao việc cấp ẩm thường xuyên là tối quan trọng. Một sản phẩm dưỡng ẩm dạng gel hoặc emulsion hoặc serum có chứa Hyaluronic Acid sẽ là giải pháp lý tưởng cho các bạn da dầu vì HA có thể giữ lượng nước gấp 1.000 lần trọng lượng của nó.
Các yếu tố môi trường cũng làm da tăng tiết dầu. Trời quá nóng hoặc ngồi điều hoà nhiều giờ đồng hồ liền cũng có thể biến gương mặt chúng mình thành chảo dầu di động ngay lập tức. Vì thế hãy thường xuyên quan sát lượng dầu nhờn trên da để thay đổi chế độ chăm sóc phù hợp bạn nhé.
Dấu hiệu 3: Da sần sùi, thô ráp.
Nguyên nhân: Tích tụ da chết quá nhiều.
Giải pháp: Tẩy tế bào chết thường xuyên hơn hoặc sử dụng toner chứa AHA.
Da không đều màu, thô ráp hoặc mụn ẩn đầy rẫy là kết quả của việc tế bào chết tích tụ quá nhiều. Để giải quyết tình trạng này, hãy bắt đầu tẩy tế bào chết một hoặc hai lần một tuần và sử dụng sản phẩm tẩy da chết hoá học.
Tuy nhiên, đừng sa đà vào việc tẩy da chết vô tội vạ vì sẽ làm bao mòn da và phá hỏng hàng rào bảo vệ tự nhiên quý giá. Ngoài ra, sau khi tẩy da chết, hãy chăm chỉ bôi kem chống nắng đều đặn và đủ lượng mỗi ngày nếu không muốn bị bắt nắng nhé.
Dấu hiệu 4: Da xuất hiện những nốt sưng tấy màu đỏ
Nguyên nhân: Da đang trong giai đoạn đẩy mụn.
Giải pháp: Ngưng sản phẩm gây mụn ngay lập tức.
Nếu một ngày thức dậy thấy da nổi đầy những nốt đỏ như mụn trứng cá thì bạn có thể đang bước vào giai đoạn đẩy mụn (purging). Tình trạng này thường xảy ra khi bạn bắt đầu sử dụng một sản phẩm mới có thành phần gây kích ứng.
Một nguyên nhân phổ biến khác của hiện tượng đẩy mụn là dụng cụ rửa mặt bạn dùng bào mòn da quá mức. Thật là bực nếu vừa mua một món "đồ chơi dưỡng da" mới mà phải ngưng lại nhưng da cần có thời gian để phục hồi. Khi làn da đã ổn định, bạn có thể bắt đầu dùng lại dần dần. Một đến hai lần một tuần và nếu da quen rồi có thể tăng tần suất lên. Còn nếu mụn vẫn ồ ạt kéo tới thì hãy ngậm ngùi nói lời chia tay thôi bạn ơi. Vì "chúng ta không thuộc về nhau" thật rồi.
Dấu hiệu 5: Da đỏ hoặc nhạy cảm quá mức
Nguyên nhân: Các tác nhân bên ngoài, tẩy tế bào chết quá mức và sử dụng các thành phần trị liệu mạnh.
Giải pháp: Đổi sang các sản phẩm có thành phần nhẹ dịu hơn.
Da nhạy cảm là do các đầu dây thần kinh ở lớp trên cùng của da (lớp biểu bì) bị kích thích. Các đầu dây thần kinh này trở nên đặc biệt nhạy cảm vì hàng rào tự nhiên của da yếu khiến nó dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài như phơi nắng, thời tiết lạnh, nước nóng, căng thẳng, thay đổi nội tiết tố hoặc thiếu ngủ.
Nếu da bạn không phải tuýp nhạy cảm mà khi chạm vào cảm thấy đau, đỏ ửng hoặc có dấu hiệu viêm thì có thể do bạn đang tẩy da chết quá đà đó. Mặc dù ai cũng công nhận cảm giác sau khi tẩy tế bào chết rất sảng khoái và gây nghiện nhưng việc lạm dụng sẽ khiến da suy yếu, dễ nhiễm khuẩn và lên mụn. Nếu thấy da cứ đỏ như quả cà chua mãi không thôi, tốt nhất là dẹp Retinol, tẩy da chết vật lý và hóa học đi một vài tuần và chọn lựa những sản phẩm dưỡng ẩm nhẹ nhàng thay thế nhé.