Dự án bất động sản du lịch: Tiềm năng đan xen thách thức

Các dự án bất động sản du lịch đang có nhiều tiềm năng tăng trường, nhưng để đảm bảo quyền lợi cũng như trách nhiệm của nhà đầu tư, cần phải có hành lang pháp lý chuẩn để điều chỉnh lĩnh vực này.
Dự án bất động sản du lịch: Tiềm năng đan xen thách thức
Dự án bất động sản du lịch: Tiềm năng đan xen thách thức


Tiềm năng cho các dự án bất động sản du lịch

Trong 2 năm trở lại đây, phân khúc bất động sản du lịch đã phát triển nổi trội. Bất động sản du lịch không chỉ phát triển ở 28 tỉnh, thành phố có biển, mà còn ở rất nhiều địa phương khác không có biển. Không chỉ phát triển mô hình kinh doanh khách sạn, mà còn nhiều loại hình kết hợp khác như condotel, shophouse, resort…

Thống kê của Bộ Xây dựng cho biết, theo thẩm quyền được phân giao lên Bộ Xây dựng thẩm định, thiết kế, từ 2015 đến nay, Bộ đã thẩm định sơ bộ 25.000 dự án bất động sản du lịch gồm các căn condotel, officetel, chưa kể hàng chục nghìn căn do địa phương thẩm định.

Các dự án bất động sản du lịch này chủ yếu tập trung tại Hà Nội, TP.HCM, các tỉnh ven biển như Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Ninh...

Lợi nhuận kinh doanh đầu tư mới với bất động sản du lịch nhiều hơn, cơ hội lớn hơn các phân khúc khác, nên thu hút nhiều nhà đầu tư rót tiền vào kênh đầu tư này.

Với lượng khách du lịch cả trong nước và quốc tế tăng đáng kể, tiềm năng cho phân khúc bất động sản du lịch, đặc biệt là du lịch biển phát triển còn rất lớn.

Riêng năm 2017, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 13 triệu lượt, tăng hơn 29% so với năm 2016. Ngoài ra, khách du lịch nội địa đạt 73,2%, tăng 18,1% so với năm 2016. 7 tháng đầu năm nay, cả nước đã thu hút được trên 9 triệu lượt khách quốc tế, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Đây là tiền đề khả quan cho việc phát triển các dự án bất động sản du lịch.


Tiềm năng đi kèm thách thức

Có một vấn đề là trái ngược với sự khởi sắc của lượng khách du lịch, 6 tháng đầu năm 2018, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng lại sụt giảm mạnh cả nguồn cung và thanh khoản, đặc biệt là trong quý II/2018, giao dịch condotel rất ít.

Một trong vấn đề đang gây trở ngại với sự phát triển của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng là các chính sách liên quan đến bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.

Tính đến thời điểm hiện tại, việc sở hữu condotel đã được doanh nghiệp kiến nghị rất nhiều và Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng đã nhiều lần đề xuất, nhưng kết quả vẫn chưa có sự cải thiện.

Mỗi một dự án có chính sách riêng, không theo một quy định chung nào. Vì vậy, để bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm của chủ đầu tư, cần có sự hướng dẫn của Nhà nước, như vấn đề đầu tư phải như thế nào và các hợp đồng mua bán ủy quyền cũng phải được hướng dẫn trong các quy định tối thiểu cần phải có.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho rằng, xu hướng thị trường hiện nay là theo quy luật cung cầu.

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng thời gian vừa qua đã có dấu hiệu chậm lại là sự điều chỉnh, thanh lọc cần thiết, nhưng cũng là cảnh bảo để các nhà đầu tư nên cẩn trọng hơn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, không thể phủ nhận có những khúc mắc nhất định trong việc huy động vốn cho việc phát triển các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.

Hiện tại Nhà nước đã có công cụ điều tiết về thuế, về tín dụng, về luật pháp, để tránh tình trạng bong bóng như những năm trước. Tuy nhiên, với phân khúc các dự án bất động sản du lịch, thì sẽ tiếp tục xây dựng cơ chế riêng để việc vận hành và quản lý các dự án du lịch rõ ràng hơn, đảm bảo quyền lợi, cũng như trách nhiệm của các nhà đầu tư, đơn vị vận hành.

"Chúng ta tạo cơ chế để thu hút các nhà đầu tư, và các nhà đầu tư hiện cũng rất quan tâm tới động thái từ phía cơ quan quản lý. Hiện nay, địa phương đã tạm dừng cho đầu tư vào condotel để chờ cơ sở pháp lý. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ sớm trình các quy định để đầu tư vào bất động sản du lịch rõ ràng hơn. Cá nhân tôi cho rằng, thị trường này vẫn còn rất nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn." ông Khởi nhấn mạnh.

MuaBanNhaDat theo TBKD