Với nhiều lợi thế về văn hóa cộng đồng, tài nguyên thiên nhiên, du lịch sinh thái, trải nghiệm đời sống văn hóa, sinh hoạt với người dân được xem là sản phẩm độc đáo, giàu tiềm năng của tỉnh Quảng Nam. Đây cũng là xu hướng chủ đạo của địa phương trong xây dựng chiến lược phát triển du lịch xanh và bền vững. Tuy nhiên, do chưa có định hướng phát triển rõ ràng đối với hoạt động du lịch sinh thái dẫn đến tình trạng “mạnh ai nấy làm”, chạy theo số lượng.
Trong khi đó, chất lượng sản phẩm chưa được các làng nghề, doanh nghiệp lữ hành, địa phương quan tâm đúng mức cho nên thiếu sức hấp dẫn để “níu chân” du khách quay trở lại. Để phát huy được thế mạnh của tỉnh, từng làng nghề phải biết giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa riêng của mình, biết lựa chọn những ngành nghề độc đáo, nơi khác không có để xây dựng thành sản phẩm hàng hóa làng nghề có giá trị phục vụ du khách. Thay vì đơn lẻ phát triển, các làng nghề, điểm du lịch cần có sự kết nối với nhau, kết nối với các công ty lữ hành trong việc tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, đáp ứng yêu cầu của du khách.
Quảng Nam hiện có hơn 100 làng nghề truyền thống. Để làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân, trong giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh đầu tư hơn 85 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển 16 làng nghề có tiềm năng ở các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Phú Ninh... và nhất là TP Hội An, Tam Kỳ. Đây là những làng nghề truyền thống có tiềm năng phát triển gắn với các điểm, tuyến du lịch trải dài từ vùng đồng bằng ven biển đến vùng sâu trong đất liền tỉnh Quảng Nam. Du lịch phát triển là điều kiện thuận lợi để làm sống dậy các làng nghề. Mặt khác, đa dạng hóa các sản phẩm làng nghề có chọn lọc sẽ góp phần nâng cao thương hiệu du lịch Quảng Nam theo mục tiêu phát triển bền vững.
* Tỉnh Gia Lai định hướng người dân mạnh dạn chuyển đổi các diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả cho thu nhập cao để cải thiện cuộc sống. Hiện, toàn tỉnh đã phát triển được hơn 7.200 ha cây ăn quả các loại, tăng gần 1.200 ha so với năm 2016; trong đó chủ yếu tập trung vào các loại cây như: chuối (hơn 1.700 ha), xoài (hơn 1.000 ha), sầu riêng (560 ha), thanh long (hơn 350 ha), bơ (gần 300 ha)… mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Mục tiêu đến năm 2020, tỉnh Gia Lai ổn định diện tích 10.000 ha cây ăn quả; trong đó tập trung phát triển mạnh một số loại cây như chuối, sầu riêng, cam, bơ gắn với chỉ dẫn địa lý và truy suất nguồn gốc.
Tỉnh Gia Lai phấn đấu đến năm 2020 tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ nông nghiệp, năng lượng sạch - tái tạo, du lịch, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và đẩy mạnh liên kết trong nước và ngoài nước để đưa nền kinh tế phát triển bền vững trong tương lai.
PV/TTXVN