Chung cư Sài Gòn và những bí mật lạ đời - Kỳ 1: Tuy chật mà vui

Xây dựng trước giải phóng năm 1975, đến nay, chung cư Ngô Gia Tự (Quận 10) đã xuống cấp trầm trọng. Những câu chuyện, cuộc đời được chia sẻ tại đây mang đến nhiều thông điệp cuộc sống.
Chung cư Sài Gòn và những bí mật lạ đời - Kỳ 1: Tuy chật mà vui
Chung cư Sài Gòn và những bí mật lạ đời - Kỳ 1: Tuy chật mà vui


Ký ức gắn bó với chung cư Sài Gòn lâu dời

Ở tầng hai lô K, bà Võ Thị Tới (79 tuổi), một trong những cư dân lớn tuổi và đầu tiên dọn đến sống ở đây kể lại, vào năm 1968, tình hình đất nước loạn lạc, ngày nào cũng có đạn lạc ở chỗ này chỗ kia. Lúc đó, nhà bà ở gần nơi bị rơi trúng bom đạn nên cháy rụi hoàn toàn. Bà may mắn thoát chết, cùng nhiều người khác sống ẩn dật khắp nơi. Mãi đến năm 1971, được tổ chức bốc thăm và cấp lại một phòng chung cư tại tầng hai lô K, bà sống ở đó đến tận bây giờ.

Bà Tới nhớ lại: “Lúc nhà cháy rụi, tôi ẵm thằng con trai chạy thoát, sống trong những ngày vật vờ. Giấc ngủ là cảnh màn trời chiếu đất trên các vỉa hè Sài Gòn. Khổ lắm! Giờ nhớ lại khoảng thời gian đó thiệt kinh khủng, cũng không biết sao lúc đó mình lại mạnh mẽ đến vậy. Sau này được nhận được nhà chung cư, tôi mừng rơi nước mắt…”.


Trong hơn 40 năm qua, bà Tới đã chứng kiến biết bao sự thay đổi ở chung cư Ngô Gia Tự, một trong những chung cư Sài Gòn có tuổi đời lâu nhất hiện nay. Từ một nơi vắng vẻ, giờ xung quanh đây trở thành nơi buôn bán sầm uất, hiện đại, tấp nập người qua kẻ lại. Tuy vậy, bà vẫn giữ lại những ký ức xa xưa trong chính ngôi nhà của mình. Đó là chiếc máy may luôn đặt cạnh cửa sổ, là chiếc tủ treo quần áo nằm bên phải chưa hề di chuyển lần nào. Chỉ duy nhất có cánh cửa là bà đã cho thay đi vì phải sửa lại nhà.

Ngoài ra, bà Tới còn giữ luôn thói quen sinh hoạt từ xưa: “Tôi chưa bao giờ rời ngôi nhà này mà ngủ ở bên ngoài, có đi đâu thì đi, tối phải về nhà này ngủ, như vậy cũng đã 49 năm rồi”. Bà chia sẻ thêm, nếu chung cư này quá xuống cấp, buộc phải di dời, thì bà cũng đành chấp nhận. Tuy nhiên, thật tâm bà không bao giờ muốn rời khỏi nơi này bởi bà đã gắn bó với nó gần như suốt cuộc đời.

“Lệ làng” của chung cư Sài Gòn

Anh Sơn, tổ trưởng tổ dân phố tầng 3 lô F, chung cư Ngô Gia Tự chia sẻ: “Tại đây, mỗi tầng đều có một tổ trưởng tổ dân phố, do chính cư dân bầu ra. Những người này có trách nhiệm trông coi, quản lý và kết nối cư dân với chính quyền địa phương. Có khi tổ trưởng đảm nhiệm luôn việc tuần tra ban đêm để giữ gìn an ninh, trật tự khu vực mình”.

Anh Sơn kể, do ở các chung cư Sài Gòn ngày xưa không có bảo vệ hay quản lý, nên nhiều người vô ý thức vứt rác bừa bãi, làm cho không gian sinh hoạt chung bị ô nhiễm. Do đó, tổ đặt ra quy định những ai... chụp hình được người xả rác sẽ được thưởng 100.000 đồng. Người bị ghi hình sẽ phải đóng phạt và đưa tiền thưởng cho người ghi hình. Thế là từ đó người dân không ai vi phạm nữa.


Còn các vấn đề dân sinh như đám cưới, đám ma, dường như cư dân cũng tự hiểu và sắp xếp rất trật tự. Những cổng hoa cưới hỏi đặt trước cửa nhà từng rất chật chội và chiếm lối đi, thế là mọi người trong khu mách bảo nhau đặt ngay cầu thang tầng mình, để khách vừa dễ tìm tới nhà, mà cũng vừa giúp lối đi rộng rãi hơn. “Đặt như vậy coi như cả dãy hành lang nhà nào cũng có chuyện vui mừng”, anh Sơn cười.

Không hiếm "tứ đại đồng đường" ở chung cư Sài Gòn cũ xưa

Căn nhà chỉ vỏn vẹn 40 m2, nhưng đăng ký hộ khẩu có đến 19 người, gồm “tứ đại đồng đường” đã từng trú ngụ, trong đó hiện đang có hai gia đình sinh sống cùng nhau. Đó là hộ ông Trần Thế Sơn (57 tuổi) ở tầng 3, lô K, chung cư Ngô Gia Tự. Ông Sơn sống ở chung cư này từ cuối năm 1971. Ban đầu, cả nhà chỉ có vài người sống chung với nhau. Về sau con cháu lập gia đình, sinh con, nên nhân khẩu trong nhà mỗi lúc một tăng.

Nhà ông Sơn hiện nay bao gồm gia đình ông và một người chị ruột. Mỗi gia đình đều có con cái và cháu cùng sống chung. Nhà nhỏ đông người nên việc sắp xếp trật tự là điều nan giải nhất. Bên trong nhà được chia thành 3 phòng ngủ, 1 phòng khách, 1 khoảng bếp nhỏ và 1 nhà vệ sinh chung.


Để cuộc sống thoải mái hơn, ông Sơn cho xây thêm gác lửng, dùng vách gỗ ngăn thành phòng diện tích khoảng 6 m2, đủ để 2-3 người ngả lưng cùng lúc. Phòng khách thì vừa làm chỗ ngủ, vừa làm nơi sinh hoạt chung của đại gia đình. Còn gian bếp nhỏ thì được sắp xếp mỗi khu vực là của một gia đình để thuận tiện nấu nướng. “Vì nhiều người dùng chung một nhà vệ sinh, nên mỗi thành viên cũng sắp xếp theo thời gian nhất định. Do có quá nhiều người ở nên những ai lập gia đình buộc lòng phải ra ngoài thuê nhà riêng chứ không ở chung. Đôi khi tôi cảm thấy rất chật chội, bức bối, phiền hà nhưng đã sống quen từ đời ông bà rồi”, ông Sơn chia sẻ.

Sau lưng lô K là lô L, có hộ nhà bà Lâm Ngọc (77 tuổi) nằm ở tầng 3. Diện tích nhà bà Ngọc chỉ đúng có 8m2, với 6 nhân khẩu trú ngụ. Điểm đặc biệt là nhà không hề có phòng bếp và nhà vệ sinh. Việc tắm giặt và vệ sinh của gia đình phải… đi nhờ nhà hàng xóm hoặc vào nhà vệ sinh trong chợ, đến nay cũng được suốt hơn 40 năm ở chung cư.


Để 6 người vào ngủ chung là việc rất khó khăn. Từ khi con trai lớn lấy vợ và sinh con, bà cùng 2 đứa con sau nhường hẳn căn nhà nhỏ và ra hành lang ngủ. Mỗi người chọn cho mình một góc hành lang trong chung cư để ngủ mỗi đêm. Tính đến nay, “thâm niên” ngủ hành lang chung cư của bà cũng gần 30 năm.

“Tui ngủ bên ngoài cũng quen rồi, chỉ cần mang ghế bố ra rồi nằm ngủ thôi. Ngủ bên ngoài trời mát, không khí dễ chịu, nếu trời mưa gió thì dọn, tìm chỗ nào không dột nước nằm tiếp. Giờ tui không thể vào trong phòng ngủ được vì quá ngột ngạt, chật chội. Nhiều người bạn kêu tui qua nhà ở mà tui không chịu đó”, bà Ngọc nói.

MuaBanNhaDat theo TBKD