Cảnh sát PCCC kiểm tra thiết bị chữa cháy tại một cao ốc.
Chuông báo cháy vang lên, các cư dân cao ốc hớt hải bỏ chạy xuống tầng trệt, nhưng lại nghe loa thông báo là báo cháy giả. Nhiều lần như vậy, người dân cảm thấy bất an và có không ít người lơ là, không quan tâm khi nghe chuông báo cháy.
Nghe chuông là chạy
Nút báo khẩn là hộp vuông được lắp đặt tại các tầng lầu và nối tín hiệu thông báo khẩn cấp về trung tâm bảo vệ. Đây là một trong những thiết bị không thể thiếu trong các tòa nhà cao tầng. Với tính năng dùng để thông báo khẩn cấp, khi phát hiện hay nghi ngờ có sự cố cháy nổ, cư dân trong các tòa nhà cao tầng chỉ cần bấm nút báo khẩn là chuông reo inh ỏi. Thế nhưng nhiều khi chỉ là báo cháy giả.
Cũng như các cao ốc khác, chung cư Viên Ngọc Phương Nam (đường Âu Dương Lân, phường 2, quận 8, TPHCM) có phòng bảo vệ trang bị hàng chục màn hình để theo dõi mọi diễn biến về tình hình an ninh trật tự. Cách đây không lâu, một vụ cháy đã xảy ra tại căn hộ ở lầu 12. Tuy nhiên, nhiều cư dân lại không hề nghe chuông báo cháy. Tin báo cháy chỉ được cư dân lan truyền từ tầng này sang tầng khác. Sự cố đã được khống chế kịp thời, nhưng nhiều cư dân vẫn bức xúc vì không được ban quản lý thông báo nguyên nhân cháy và giải pháp khắc phục, phòng chống tái diễn. Trước đó, vào năm 2017, một vụ cháy khác đã được phát hiện ở tầng 15, cũng tương tự vậy, ban quản lý không thông báo nguyên nhân.
Chuông báo cháy không hoạt động là điều đáng lo, nhưng hoạt động quá nhạy đến mức thường báo cháy giả như ở cao ốc Sky 9 (đường Liên Phường, phường Phú Hữu, quận 9, TPHCM) cũng làm khổ cư dân. Cô T.H. (ở tầng 6) cho biết: “Dù cao ốc này xa cơ quan làm việc, vợ chồng tôi chọn mua căn hộ ở cao ốc này bởi giá bán hợp lý, diện tích rộng rãi, môi trường trong lành, thoáng mát. Tuy nhiên, lúc mới nhận nhà, chồng đi công tác xa, tôi ở nhà cứ phải sống trong sợ hãi vì ngày nào cũng vài lần nghe chuông báo cháy. Ban ngày sợ ít, ban đêm còn sợ nhiều hơn. Cứ nghe chuông báo động là tung chăn, chạy ào ra khỏi căn hộ. Chạy chưa đến cầu thang bộ thì nghe tiếng loa thông báo đã khắc phục xong sự cố. May là vài tuần nay việc báo cháy giả đã được khắc phục. Hóa ra chuông báo cháy là do mắt thần của hệ thống báo cháy bị bám bụi, sau khi làm sạch mắt thần, mới hết tình trạng báo cháy giả”.
Tại các tòa cao ốc chung cư, cao ốc văn phòng, thỉnh thoảng cũng xảy ra việc báo cháy giả, bởi hệ thống báo cháy (gồm đầu báo khói, báo gas, báo nhiệt gia tăng…) khá nhạy, khi phát hiện sự cố, tín hiệu lập tức truyền về trung tâm, chuông báo động. Ban quản lý Tòa nhà VVA (đường Lý Tự Trọng, quận 1, TPHCM) cho biết: “Tòa nhà VVA có 10 tầng lầu và 2 tầng hầm. Chúng tôi luôn ý thức vấn đề phòng cháy thật hiệu quả. Dù đã lắp đặt thiết bị báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy vách tường, nhưng chúng tôi vẫn lắp đặt sử dụng dịch vụ báo cháy nhanh. Sau một tháng lắp đặt thiết bị báo cháy, có lần chúng tôi nhận được tin báo có sự cố ở khu vực phòng để thức ăn ở tầng 7. Chúng tôi liền tổ chức kiểm tra, rất may, đó chỉ là do khói tụ quá nhiều do một nhân viên đang hâm đồ ăn”.
Không lạm dụng chuông báo khẩn
Gần đây, cư dân ở cao ốc chung cư Giai Việt (đường Tạ Quang Bửu, phường 5, quận 8, TPHCM) cũng đã thót tim vì tiếng chuông báo cháy. Bà T.T. (cư dân ở lầu 15) cho hay: “Nửa đêm, nghe chuông báo khẩn dồn dập, ai cũng hoảng hốt tông cửa, chạy ra khu vực cầu thang thoát hiểm. Dù ngay sau đó Ban quản lý phát loa yêu cầu cư dân bình tĩnh, chưa phát hiện sự cố cháy nổ, nhưng không thể an lòng, tôi cũng phải xuống sân xem việc gì. Thì ra là do có người chưa biết nên đã nhiều lần tự tiện bấm nút báo khẩn. Bà N.H. (cư dân ở lầu 22) kể: “Thương nhất là thằng cháu ngoại 5 tuổi. Nghe chuông báo khẩn dồn dập là nó run sợ, giục cả nhà chạy. Khi biết không có cháy, nó vẫn còn bàng hoàng, mặt mày xanh lè! Không thể lạm dụng chuông báo khẩn như vậy được”.
Nút nhấn chuông báo khẩn được bố trí ở mỗi tầng lầu để nhấn khi cần thông báo khẩn sự cố về cháy nổ để huy động cư dân chữa cháy và khẩn trương thoát nạn. Thiết bị này không dành cho việc tập hợp mọi người vì việc gì khác. Do vậy, việc nhấn nút báo cháy giả là hành vi sai phạm, gây hoảng loạn, ảnh hưởng trực tiếp đến sự bình yên của cư dân. Tại các cao ốc, hình ảnh người bấm nút báo khẩn đều được camera bảo vệ ghi nhận, do vậy, không khó xác định thủ phạm nhấn nút báo cháy giả để xử phạt. Điều 40 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi báo cháy giả. Người nước ngoài có hành vi vi phạm tương tự, tùy theo mức độ vi phạm có thể áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.