Tưởng nhớ Kofi Annan, người cha của phong trào doanh nghiệp phát triển bền vững

Kofi Annan, tổng thư kí da màu đầu tiên của Liên Hiệp Quốc đã ra qua đời, nhưng những di sản mà ông để lại sẽ vẫn tiếp tục tồn tại và trở thành kim chỉ nam cho giới doanh nghiệp và toàn nhân loại.

Tưởng nhớ Kofi Annan, người cha của phong trào doanh nghiệp phát triển bền vững

Ảnh: Joel Saget/AFP/Getty Images

Kofi Annan, người con vĩ đại của châu Phi và nhà lãnh đạo toàn cầu đích thực, đã qua đời. Ông đã giữ chức vụ Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc từ năm 1997 đến 2006 và là đồng chủ nhân của giải Nobel Hòa bình năm 2001 cùng Liên Hiệp Quốc. Cả thế giới đều đang tiếc thương và tưởng nhớ đến ông.

Kofi Annan là người truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên khắp các nền văn hóa, tôn giáo và lãnh thổ để thực hiện mục tiêu: hòa bình, nhân quyền và phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc. Những ai từng làm việc cùng ông sẽ mãi nhớ đến khả năng lãnh đạo độc đáo, sự khiêm nhường, lòng từ bi và tính cách hài hước. Với vai trò là nhà cải cách vĩ đại của Liên Hiệp Quốc, ông đã hiện đại hóa bộ máy tổ chức trong các lĩnh vực quan trọng, bao gồm nâng cao vị thế phụ nữ và đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe toàn cầu.

Kofi Annan chủ yếu được nhớ đến với vai trò trên vũ đài chính trị và các sự kiện quan trọng trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, đặc biệt là cuộc xâm lược Iraq. Ông đã không ngại ngần nói lên sự thật. Kofi đã phải âm thầm chịu đựng chiến dịch bôi nhọ cá nhân, cáo buộc ông tội tham nhũng và bị những người xung quanh bỏ rơi. Ngay cả trong những ngày tháng đen tối này, ông vẫn không từ bỏ niềm tin vào lý tưởng của Liên Hiệp Quốc.

Kofi Annan là một trong những nhà ngoại giao vĩ đại nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, di sản của ông còn trải rộng ở nhiều lĩnh vực khác. Với vai trò là một người theo chủ nghĩa thực dụng và nhà cải cách, Kofi Annan đã không ngừng phấn đấu vượt qua ý thức hệ cũ. Trước khi ông được bổ nhiệm làm Tổng thư ký vào năm 1997, nhóm ngành tư nhân luôn là thế hệ thù địch với Liên Hiệp Quốc. Kofi chính là người đã chấp nhận ý tưởng Liên Hiệp Quốc là tổ chức hướng tới nhân dân, xã hội dân sự và các nhóm ngành tư nhân.

Chiều 29.01.1999 tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos (Thụy Sĩ), Kofi Annan đã thuyết phục hàng trăm giám đốc điều hành doanh nghiệp: “Tôi đề nghị bạn, các lãnh đạo doanh nghiệp, cùng Liên Hiệp Quốc khởi xướng các giá trị và nguyên tắc cho Hiệp ước toàn cầu Liên Hiệp Quốc, nhằm mang lại sự thân thiện cho thị trường toàn cầu.”

Từng lời của bài phát biểu đã khắc sâu vào tâm trí của người nghe. Bằng bài diễn thuyết này, Kofi Annan đã gieo hạt giống cho phong trào phát triển bền vững của các doanh nghiệp hiện đại. Toàn thế giới đã hưởng ứng lời kêu gọi này. Trong những năm tiếp theo, các lãnh đạo doanh nghiệp và xã hội dân sự khắp các khu vực đã hình thành “mạng lưới địa phương”, với các nguyên tắc phổ quát nhằm thay đổi thực tiễn kinh doanh. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, chẳng hạn như Sir Mark Moody Stuart, đã dành nhiều năm hoàn thiện Hiệp ước toàn cầu Liên Hiệp Quốc, một sáng kiến thúc đẩy sự phát triển bền vững cho các doanh nghiệp với quy mô rộng khắp.

Lời kêu gọi hành động của Kofi Annan từ hai thập kỷ trước đến nay vẫn còn nguyên giá trị: “Sự lan rộng của thị trường vượt xa khả năng quản lý và định hướng của các xã hội và hệ thống chính trị. Lịch sử đã cho thấy sự mất cân đối giữa kinh tế, xã hội và chính trị không bao giờ có thể duy trì được lâu. Nền kinh tế toàn cầu sẽ bị tổn thương trước các “chủ nghĩa” của thời đại: chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa cuồng tín và chủ nghĩa khủng bố ”. Hàng ngàn công ty trên khắp thế giới đã chấp nhận mười nguyên tắc phổ quát của Hiệp ước toàn cầu của Liên Hiệp Quốc trong lĩnh vực nhân quyền, lao động, môi trường và chống tham nhũng. Các doanh nghiệp này nay có cơ hội kế thừa và giữ gìn di sản của Kofi Annan.

Kofi Annan không chỉ can đảm kêu gọi các CEO đưa các giá trị phổ quát của nhân loại vào chiến lược và thực tiễn công ty, ông còn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra phong trào đầu tư bền vững hiện đại. Trong những giờ khắc đen tối nhất, khi chiến dịch bôi nhọ cá nhân ông được đẩy mạnh bởi những người có ảnh hưởng, đồng thời "kẻ thù ngay trong tổ chức" đang cố gắng ngăn chặn những hành động thúc đẩy thực hiện mục tiêu của Liên Hiệp Quốc, Kofi Annan đã mời các CEO của những công ty lớn nhất thế giới, yêu cầu họ tích hợp của các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) khi đưa ra quyết định trong doanh nghiệp. Đi ngược lại lời khuyên của vài người thân tín, ông đã cùng các CEO này khởi động Các nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm (PRI) do Liên Hiệp Quốc hỗ trợ tại Sở giao dịch chứng khoán New York vào tháng 04.2006. Bằng việc bổ nhiệm giáo sư John Ruggie làm đặc sứ Liên Hiệp Quốc về vấn đề nhân quyền và doanh nghiệp, Kofi Annan đã mở đường cho Bộ Nguyên tắc hướng dẫn của Liên hợp quốc về Kinh doanh và Nhân quyền. Bộ nguyên tắc đã trở thành tiêu chuẩn vàng cho lĩnh vực kinh doanh toàn cầu.

Ngày nay, Hiệp ước toàn cầu Liên Hiệp Quốc và PRI đang phát triển mạnh mẽ, nhiều sáng kiến khác trên thế giới cũng đã bắt đầu bén rễ. Trên nền tảng này, mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), được thông qua vào năm 2015, đã được xây dựng và có được lộ trình hành động rõ ràng. Các nguyên tắc của Hiệp ước toàn cầu Liên Hiệp Quốc đã trở thành một phần của phân tích dữ liệu lớn và các thuật toán thông minh. Di sản của Kofi Annan đang nằm ngay điểm giao thoa giữa trách nhiệm doanh nghiệp và tài chính bền vững, và có thể trở thành kim chỉ nam quan trọng nhất cho tương lai nhân loại.

Kofi Annan đã đóng góp rất lớn vào kho tàng của nhân loại. Ông đã cho chúng ta thấy hành động và ý nghĩa của một lãnh đạo đích thực. Sự đứng đắn, khiêm nhường và đức tính giàu trách nhiệm của ông đã chạm đến trái tim và tâm trí tất cả chúng ta.

Tác giả Georg Kell là giám đốc sáng lập của Hiệp ước toàn cầu Liên Hiệp Quốc, sáng kiến tự nguyện thu hút được sự tham gia của hơn 9.000 doanh nghiệp trên hơn 160 quốc gia.