Ngành ô tô Bắc Mỹ đứng trước thay đổi sau hiệp định NAFTA mới

NAFTA cải tổ sẽ mở ra nhiều cơ hội mới, nhưng các doanh nghiệp ô tô Bắc Mỹ vẫn canh cánh nhiều lo âu.

Ngành ô tô Bắc Mỹ đứng trước thay đổi sau hiệp định NAFTA mới

Khi hiệp ước mới chính thức có hiệu lực, ô tô Canada xuất khẩu sang Mỹ sẽ không còn chịu gánh nặng về thuế. Ảnh: Autotrader.

Sau nhiều lần thương thảo, tối 30.9, Mỹ và Canada đã kí kết phiên bản sửa đổi Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Hiệp ước mới, với tên gọi Thỏa thuận Mỹ, Canada và Mexico (USCMA), bao gồm những thay đổi liên quan đến ngành sản xuất ô tô, nông nghiệp, sở hữu trí tuệ và các khía cạnh khác của thương mại ba nước. Quốc hội Mỹ sẽ phê chuẩn thỏa thuận mới vào năm 2019.

Những thay đổi trong ngành ô tô

Hiệp ước tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp sản xuất ô tô và phụ tùng xe hơi tại Canada và Mexico, cụ thể USCMA sẽ loại bỏ thuế quan chính quyền Trump áp lên hai quốc gia này, khuyến khích sản xuất, từ đó nâng cao thu nhập cho công nhân.

Mức thuế hiện tại đã tăng giá một chiếc xe từ Canada và Mexico lên trung bình 2.220 đô la Mỹ, theo Trung tâm nguyên cứu ô tô tại Michigan. Cụ thể, hãng Toyota cho biết khi chịu mức thuế 25%, mẫu xe sedan Camry cần phải tăng 1.800 đô la Mỹ nữa.

Hiệp ước sẽ miễn thuế cho khoảng 2,6 triệu chiếc xe Mỹ nhập khẩu từ Canada và Mexico, bảo vệ sản lượng ô tô hiện tại, theo dự thảo trên website của Nhà Trắng. Phụ tùng ô tô của Canada và Mexico cũng sẽ được miễn thuế với giới hạn nhất định, với điều kiện lương công nhân làm việc tại các nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô cho thị trường Mỹ tăng lên ít nhất 16 đô la Mỹ mỗi giờ. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải chuyển việc làm ra khỏi Mexico, quốc gia có mức lương thấp hơn, hoặc tăng lương cho công nhân Mexico.

Thỏa thuận cũng yêu cầu 75% phụ tùng xe hơi phải được sản xuất ở khu vực NAFTA, tăng lên so với mức hiện tại là 62,5%. Như vậy các doanh nghiệp sản xuất phụ tùng xe tại các quốc gia trả lương lao động thấp như Trung Quốc hay các nước đang phát triển sẽ cần phải chuyển về khu vực Bắc Mỹ. Đồng thời các doanh nghiệp Nhật và Đức thường lắp ráp xe tại Bắc Mỹ nay cũng phải chuyển các nhà máy sản xuất phụ tùng của mình về khu vực ba nước NAFTA.

Giới chính trị hào hứng

Trong một tuyên bố chung, Canada và Mỹ cho rằng thỏa thuận mới sẽ "tạo ra thị trường tự do, thương mại công bằng hơn và thúc đẩy sự phát triển kinh tế khu vực."

Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói với báo giới: "Đây là một ngày đẹp với Canada," khi thị trường tài chính toàn cầu khởi sắc trước thông tin NAFTA mới đã đạt được sự đồng thuận của ba bên, cụ thể chỉ số Dow Jones tăng 0,75% trong phiên giao dịch giữa ngày.

Ông Trump gọi NAFTA đã cải tổ là một “thỏa thuận tuyệt vời” và bày tỏ trên Twitter rằng nó “giải quyết được nhiều thiếu sót và sai lầm trong NAFTA cũ, mở cửa thị trường […]cho nhà sản xuất Mỹ, giảm hàng rào thương mại và tập hợp sức mạnh của cả ba quốc gia trong cuộc đua cạnh tranh với phần còn lại của thế giới.” Tổng thống Mỹ phát biểu thêm tại Nhà Trắng: "Chúng tôi sẽ sản xuất nhiều xe hơn nữa tại Mỹ."

Cố vấn thương mại của tổng thống Trump, ông Peter Navarro nhận định: "Đây là một chiến thắng lớn cho các công ty nhỏ, Wall Street và mọi doanh nghiệp."

Doanh nghiệp vẫn còn trăn trở

Các tập đoàn xe hơi đều ủng hộ NAFTA mới, tuy vậy họ vẫn tỏ ra quan ngại trước nền thương mại không ổn định. "Bất ổn là kẻ thù của mọi doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ," Cody Lusk, chủ tịch và CEO của Hiệp hội đại lý ô tô Mỹ (AIADA) nhận định. "Thỏa thuận giữa ba bên đã mang lại cho toàn bộ ngành công nghiệp ô tô, từ các nhà sản xuất đến các đại lý kinh doanh, một cơ hội nữa để lên kế hoạch cho tương lai...Tuy nhiên chúng tôi vẫn quan ngại sâu sắc đến cuộc điều tra Mục 232 (đây là một quy định của Đạo luật mở rộng thương mại về việc Tổng thống Mỹ có thể áp dụng biện pháp hạn chế hàng nhập khẩu vì lý do an ninh quốc gia) vẫn đang được bộ Thương mại tiến hành. Bên cạnh đó, mối đe dọa thuế quan mới áp lên ô tô và linh kiện nhập khẩu [từ bên ngoài ba nước NAFTA] cũng là một mối lo. Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc giục chính quyền Trump và Quốc hội theo đuổi các chính sách thương mại tích cực để ngành công nghiệp ô tô Mỹ luôn rộng mở, năng động và đủ sức cạnh tranh với các quốc gia khác."

Giám đốc điều hành của Ford mong chờ hiệp định NAFTA mới sẽ ổn định những rủi ro rình rập ngành công nghiệp trong vài tháng qua. Joe Hinrichs, phó chủ tịch điều hành kiêm chủ tịch hoạt động toàn cầu của Ford, cho biết: “Lợi thế quy mô và phạm vi tiếp cận toàn cầu sẽ giúp tăng sản lượng và hỗ trợ sản xuất. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác để đảm bảo thỏa thuận được phê chuẩn ở cả ba thị trường, bởi nó sẽ hỗ trợ xây dựng một ngành ô tô Bắc Mỹ nhất quán và đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới."