Chiến tranh thương mại và ứng phó của doanh nghiệp Việt

Bên cạnh những điểm sáng về thành tích kinh tế nửa đầu năm 2018, Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức từ những biến động địa chính trị trên thế giới, trong đó chiến tranh thương mại giữa hai trong số các nền kinh tế lớn nhất là Trung Quốc và Mỹ đang được chú ý hơn cả.

Chiến tranh thương mại và ứng phó của doanh nghiệp Việt

Phiên thảo luận "Tạo những chính sách tốt nhất để phát triển kinh doanh" (Ảnh: Forbes Việt Nam)

Ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết áp lực đầu tiên đó là gian lận thương mại, khi Trung Quốc sẽ tìm cách xuất khẩu hàng hoá Việt Nam rồi xuất khẩu sang các quốc gia khác, trong đó có Mỹ.

Trung Quốc đang là quốc gia Việt Nam nhập khẩu lớn nhất, lên tới 58 tỉ đô la Mỹ năm 2017, theo số liệu từ Tổng cục thống kê. Việc này đặt ra thách thức đối với các cơ quan quản lý Việt Nam, và với cả các doanh nghiệp trong nước. Tăng năng suất lao động và cải thiện sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ là biện pháp duy nhất trong tình hình này.

Người đứng đầu VCCI cho rằng các doanh nghiệp Việt cần thiết phải xây dựng một mô hình kinh doanh có thể thường xuyên thay đổi, một mô hình linh động, ứng phó với sự thay đổi, dự phòng mọi rủi ro trong hoạt động kinh doanh.

Cùng quan điểm về sự độc lập của các doanh nghiệp, ông Phạm Hồng Hải, tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng doanh nghiệp không nên trông chờ vào các gói hỗ trợ từ chính phủ, cũng như những chính sách phát triển các nền kinh tế mũi nhọn do các cơ quan quản lý đưa ra, mà cần nhìn vào nhu cầu thị trường để quyết định đầu tư sản xuất kinh doanh.

Mặc dù bày tỏ sự lạc quan về tình hình kinh tế cũng như sức sống của các doanh nghiệp Việt, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, tổng giám đốc VietJet Air cho rằng tinh thần chính phủ kiến tạo, trong sạch, hành động mới chỉ nằm ở cấp chính phủ mà chưa được khai thông xuống các cơ quan cấp dưới. Nữ tỉ phú đầu tiên của Việt Nam cho rằng chính phủ cần quát triệt tư tưởng mà thủ tướng đã tuyên bố là những gì tư nhân làm được hãy để tư nhân làm. Trên thực tế, nhiều việc vẫn chưa được giao tới tay tư nhân mà vẫn vướng đâu đó ở các cơ quan chức năng. Trong lĩnh vực của mình, tổng giám đốc VietJet cho biết chỉ việc mở phòng khách hạng thương gia cho hãng tại sân bay, hãng phải mất vài ba năm. “Hơn ai hết, tư nhân cần một cơ chế thực sự, chính sách cụ thể để tạo hành lang” - bà Thảo nhấn mạnh.

Cùng một cách tiếp cận, ông Nguyễn Xuân Thành, giám đốc phát triển đại học Fulbright Việt Nam cho rằng cần đảm bảo cạnh tranh trong khu vực tư nhân. Trong giai đoạn bất ổn hiện nay, điều tích cực là sẽ tạo sức ép đối thoại lên chính phủ và các cơ quan quản lý. Chiến tranh thương mại Trung - Mỹ trước mắt sẽ tạo cơ hội xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang Mỹ, đặc biệt là nông sản và thuỷ sản.

Hiện nay, Mỹ đang là quốc gia xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 41,6 tỉ đô la Mỹ.