Starbucks lên kế hoạch cứ 15 giờ mở mới một cửa hàng tại Trung Quốc

Starbucks sẽ dồn sức cho thị trường Trung Quốc, nơi tầng lớp trung lưu phát triền mạnh và còn nhiều dư địa tăng trưởng. Trung Quốc là nơi Starbucks đang đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu ấn tượng, nhưng mới chỉ đóng góp phần nhỏ trong cơ cấu doanh thu so với các cửa hàng ở Mỹ.

Starbucks đặt kế hoạch cứ 15 giờ sẽ khai trương một cửa hàng tại Trung Quốc - Ảnh: Bích Dâng

Starbucks vừa thông báo kế hoạch sẽ tăng gấp đôi số lượng cửa hàng tại Trung Quốc, lên thành 6.000 cửa hàng đến năm 2022.

Trung bình Starbucks sẽ mở khoảng 600 cửa hàng mỗi năm và tương đương 15 giờ sẽ có một cửa hàng mở mới, công ty cho biết trong một thông cáo báo chí ngày 15.05.

Cùng với kế hoạch mở rộng cửa hàng, Starbucks đặt mục tiêu đạt doanh thu tăng gấp ba lần và gấp đôi số lượng cửa hàng tại hơn 400 thành phố lớn của Trung Quốc.

Tuy nhiên, hàng loạt thách thức mới đang đặt ra đối với thương hiệu cà phê này tại quê hương Mỹ. Trong báo cáo mới nhất về kết quả kinh doanh quý 2 năm tài chính 2018, thị trường Mỹ chiếm tới 66% trong tổng doanh thu của Starbucks, nhưng chỉ đạt mức tăng trưởng 8% so với quý trước. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc có mức tăng trưởng tới 54%, tuy nhiên mới chiếm gần 20% tổng doanh thu của Starbucks.

“Sức mạnh về thương hiệu và tài chính là những yếu tố giúp chúng tôi tự tin có thể phát triển mạnh tại thị trường năng động”, Kevin Johnson, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Starbucks cho biết qua thông cáo báo chí. “Không có công ty phương Tây hay thương hiệu nào có một vị thế phát triển tốt hơn với sự mở rộng của tầng lớp trung lưu Trung Quốc và chúng tôi tiếp tục phát triển văn hóa cà phê tại Trung Quốc, nơi mà kết quả sẽ phát triển bền vững, lâu dài trong những thập kỉ tới. Chúng tôi cam kết sẽ đầu tư lâu dài tại thị trường Trung Quốc”, Kevin Johnson nhấn mạnh.

Hiện Starbucks có khoảng 3.300 cửa hàng tại 141 thành phố tại Trung Quốc và 45.000 nhân viên.

Gần đây, Starbucks cũng quyết định bán quyền kinh doanh sản phẩm cho Nestlé.

Đọc thêm: Nestlé chi 7 tỉ đô la Mỹ mua quyền kinh doanh sản phẩm của Starbucks

Sau thương vụ hợp tác với Nestlé, Starbucks tập trung đẩy mạnh kênh “at home” – phân phối sản phẩm đến tận nhà của khách hàng, bên cạnh kênh “out of home” – khách hàng phải đến tận quán mới mua được sản phẩm như thường lệ.