Theo số liệu công bố gần đây nhất của World Bank, Ấn Độ đã vượt qua Pháp để trở thành nền kinh tế lớn thứ sáu trên thế giới.
Khu quần thể đền Taj Mahal, Ấn Độ - Ảnh: Nguyễn Hải Vinh
Ấn Độ, quốc gia Nam Á, có số dân đông thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng đều qua các năm, dần vươn lên các vị trí của Anh hay Pháp.
Với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở mức 2.597 tỉ đô la Mỹ, Ấn Độ có tốc độ tăng trưởng kinh tế lên tới 14% so với năm 2016, theo số liệu cập nhật gần đây nhất của Ngân hàng thế giới (World Bank).
Quy mô nền kinh tế của Ấn Độ (đỏ) có xu hướng tăng trong khi các nước khác trong tốp 10 lại có xu hướng tăng trưởng chậm lại. (Nguồn: WorldBank cập nhật ngày 28.6.2018)
Mặc dù GDP Ấn Độ năm 2017 không quá nhiều cách biệt so với con số 2.582 tỉ đô la Mỹ của nền kinh tế Pháp, tuy nhiên, tổng dân số của Ấn Độ tính đến năm 2017 là 1,339 tỉ người, gấp 20 lần so với Pháp và chỉ đứng sau Trung Quốc, theo World Bank. Như vậy, thu nhập bình quân đầu người tại Ấn Độ đang ở mức 1.939 đô la Mỹ/người trong năm 2017.
Theo số liệu từ Tổng cục thống kê Ấn Độ, xét theo tổng giá trị gia tăng của nền kinh tế (GVA), sản xuất chế tạo, bất động sản, nông nghiệp là ba ngành có tỉ trọng lớn nhất, chiếm gần 50% trong tổng giá trị gia tăng của nền kinh tế nước này giai đoạn 2016-2017.
Cơ cấu các ngành tại Ấn Độ theo chỉ số GVA - Nguồn: Tổng cục Thống kê Ấn Độ
Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Anh lần lượt là năm nước có quy mô lớn nhất trên thế giới. 20 nước dẫn đầu chiếm khoảng 80% GDP toàn cầu, theo số liệu của World Bank.