Tuyết rơi ở Sa Pa cuối năm 2021
Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa do đó dù có mùa đông lạnh thì việc có tuyết rơi ở Việt Nam là điều khá hiếm hoi. Ngay cả ở các địa phương cao hơn mặt nước biển trung bình đến 1.600m như Sa Pa hay đỉnh Fansipan với chiều cao 3147m, việc có tuyết vẫn là sự kiện đáng trông đợi.
Chính bởi thế, mỗi lần dự báo thời tiết báo sẽ có tuyết ở Fansipan, dân tình đều rất háo hức lên kế hoạch đi săn tuyết. Chính vì thế ngày 26/12 vừa qua, khi không khí lạnh tăng cường nhiều du khách trên đường du lịch Fansipan đã thích thú khi chứng kiến cảnh tuyết rơi trên đỉnh Fansipan.
Ngay lập tức, những thông tin và bức ảnh tuyết rơi ở Sa Pa xuất hiện khắp cõi mạng. Những bức ảnh tuyết rơi dày và phủ trắng nhiều nơi ở Sa Pa khiến nhiều người lập tức lên đường đến Lào Cai, thậm chí có không ít du khách ở miền Trung, miền Nam cũng tranh thủ đi với mong muốn được chứng kiến những sự kiện hiếm có này.
Nhưng đáng buồn thay, khi đến du khách chỉ thấy một Sa Pa/ Fansipan không tuyết. Bởi đợt tuyết rơi ngày 26/12 chỉ rơi khoảng 10 phút, không đủ để tạo lớp tuyết dày như ảnh và dĩ nhiên không đủ để “thoả mãn” mong muốn được trải nghiệm cảnh tuyết rơi như trời Âu.
Sau những lời than vãn của những du khách đi săn tuyết chỉ nhận được cái lạnh, rất nhiều người mới chưng hửng là những hình ảnh tuyết lung linh trên mạng thực chất là ảnh đợt tuyết từ Tết Nguyên Đán 2021. Nhiều hội nhóm, cá nhân đã sử dụng những hình ảnh này để quảng cáo cho các combo hay tour du lịch Sa Pa và khiến nhiều người hiểu nhầm.
Con đường phong lá đỏ ở khu Bắc Từ Liêm
Ngoài “cú quay xe” mang tên tuyết rơi Sa Pa thì cộng đồng mạng còn một phen hụt hẫng khi rủ nhau check-in tại con đường phong lá đỏ ở Ngoại giao đoàn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Vốn được mệnh danh là “con đường Hàn Quốc” giữa lòng Hà Nội, nơi đây nổi bật với khoảng 100 gốc cây sau sau (còn được gọi là sau trắng, phong hương), một loại đây có hình dáng khá giống phong lá đỏ và được trồng nhiều ở khu vực miền núi phía Bắc. Rất nhiều người đã đến đây sau khi xem những bức ảnh sống ảo lung linh không kém Hàn Quốc.
Tuy nhiên khi tận mắt nhìn thấy hàng cây dọc hai bên đường tại đây, nhiều người đã sững người với những tán cây có phần xơ xác, lá cây chỉ hơi ngả vàng chứ không được đỏ và đẹp như trong các bộ ảnh trên mạng xã hội. Thì ra những bức ảnh được truyền tay trong thời gian vừa qua chỉ là sản phẩm đã qua chỉnh sửa.
Bên cạnh đó, thời điểm chụp của bộ ảnh này cũng cách thời điểm hiện tại khá xa, từ đó tạo hiểu nhầm cho người xem. Trước đó vào khoảng 1/2021, trên mạng xã hội cũng xuất hiện một bộ ảnh được chỉnh màu tương tự và khiến nhiều người săn “hụt” khi đến con đường này.