Ông James DeLuca, CEO của VinFast, từng giữ vị trí Phó chủ tịch tại General Motors - Ảnh: Vingroup cung cấp
Nhà máy nhận chuyển nhượng từ GM, theo thỏa thuận sẽ được sử dụng để sản xuất ô tô cỡ nhỏ mà VinFast mua bản quyền từ GM và bán dưới thương hiệu VinFast, thông cáo báo chí từ GM cho biết. VinFast có quyền sử dụng hệ thống phân phối có quy mô 22 đại lý mà GM đã xây dựng ở cả ba miền tại Việt Nam. VinFast cũng trở thành nhà phân phối độc quyền dòng xe Chevrolet của GM tại Việt Nam.
Đọc thêm: Bước tiến quan trọng của VinFast
Chuỗi cung ứng giản lược của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu - Nguồn: Ủy ban kinh tế xã hội châu Á - Thái Bình Dương Liên Hợp Quốc
Chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp ô tô hiện đã đạt đến tính thương mại hoá cao, với sự hiện diện của các công ty hoạt động trong từng lĩnh vực như thiết kế, chế tạo, lắp ráp, marketing, bán hàng hay dịch vụ tài chính. Nên rất khó có công ty nào muốn bước vào ngành mà đi làm từ đầu.
VinFast đã hợp tác cùng Ital Design, One One Lab, Pininfarina, Torino Design để cho ra các mẫu thiết kế của xe. Về sản xuất và lắp ráp, Bosch, Siemens, Magna Steyr, BMW, AVL là những tên tuổi được Vinfast lựa chọn.
Là một công ty mới tinh trong lĩnh vực sản xuất ô tô, VinFast tập trung tuyển dụng nhân sự cấp cao uy tín, có nhiều kinh nghiệm trong ngành. Ông James DeLuca, CEO hiện tại của VinFast, từng giữ vị trí Phó chủ tịch điều hành hoạt động sản xuất toàn cầu của chính GM.
"VinFast hướng tới xây dựng một hệ sinh thái sản xuất ô tô, bao gồm các nhà máy lắp ráp, nhà cung cấp và đại lý ô tô địa phương, cùng một chuỗi các ngành công nghiệp hỗ trợ," ông James DeLuca phát biểu nhận định về thoả thuận mua lại GM Việt Nam.
Hơn 300 nhà cung cấp thiết bị linh kiệt ô tô tham dự Suppliers Workshop do VinFast vừa tổ chức trong tháng 6.2018 tại thành phố Frankfurt, Đức - Ảnh: Vingroup cung cấp
Nhiều khả năng VinFast thông qua việc mua GM Việt Nam để mở rộng sản xuất sang phân khúc xe giá rẻ, như chuyên gia Nguyễn Thanh Hải (Hải Kar) nhận định. Hệ thống gầm bệ và động cơ dựa theo BMW sẽ không thể làm ra xe có giá thấp. Theo một nguồn tin từ nội bộ cũng xác nhận, nhà máy mua lại của GM Việt Nam tại Hà Nội cũng là nhà máy chuyên sản xuất xe gầm thấp với kích thước nhỏ.
Bằng việc thỏa thuận mua lại General Motors, VinFast một lần nữa cho thấy sự am hiểu cách thức chơi trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi tham gia vào chuỗi một cách nhanh nhất bằng những thương vụ mua lại.
VinFast đã chọn đúng thời điểm tốt nhất để có được thỏa thuận mua lại GM. Thỏa thuận này diễn ra chỉ hai tháng sau khi công ty con của GM vừa đứng bên bờ vực phá sản tại Hàn Quốc. Tính thời điểm giúp cho thoả thuận diễn ra thành công giữa một bên là một công ty mới gia nhập ngành đang cần hoàn thiện hoạt động, và bên kia là một đơn vị thuộc tập đoàn GM đang liên tiếp thực hiện chiến lược thoái lui đầu tư ở các thị trường quốc tế, nhằm đơn giản hoá và tinh giản bộ máy.
General Motors bán lại toàn bộ hoạt động tại Việt Nam cho VinFast trong bối cảnh tập đoàn sản xuất Mỹ đang thực hiện chiến lược thoái lui trên toàn cầu nhằm tập trung cho hai thị trường chính ở Bắc Mỹ và Trung Quốc - Ảnh: Đại lý uỷ quyền Chevrolet của General Motors tại Phú Mỹ Hưng, TP.HCM/ Minh Tâm
GM hiện đang trong quá trình tái "cơ cấu cần thiết" như ban lãnh đạo tập đoàn tự nhận định trong báo cáo thường niên. GM Hàn Quốc vừa tránh khỏi kịch bản phá sản hồi tháng 4 vừa qua sau 11 giờ đàm phán thành công, để nhận thoả thuận cứu trợ từ GM mẹ, Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc và Chính phủ nước này. Trước khi lâm vào tình cảnh trên, GM Hàn Quốc đã chịu khoản lỗ ròng 1,1 tỉ đô la Mỹ trong năm 2017. Cho nên, ngay từ đầu năm nay, công ty đã công bố kế hoạch bán và đóng cửa nhà máy tại thành phố Gunsan, do chỉ sử dụng khoảng 20% công suất thiết kế trong suốt ba năm qua. Không cạnh tranh được với hãng xe nội địa Kia và Huyndai của Hàn Quốc, là nguyên nhân chính khiến GM tại Hàn Quốc đứng trước bờ vực phá sản, sau nhiều năm liên tiếp chỉ biết đến thua lỗ.
Bằng thoả thuận chuyển nhượng toàn bộ nhà máy và hệ thống phân phối Chevrolet tại Việt Nam, nhà sản xuất xe hơi Mỹ đã quyết định rút khỏi thị trường, ngay cả khi công ty vừa thiết lập doanh số kỷ lục về doanh số bán xe trong năm ngoái kể từ khi có mặt tại Việt Nam. Dù vậy, thị phần của GM tại Việt Nam chỉ đạt vỏn vẹn 3,9% theo số liệu gần nhất tính đến tháng 5 năm nay, thấp nhất trong số các hãng xe nước ngoài khác tại Việt Nam như Toyota, Ford, Honda và các thương hiệu xe được phân phối bởi Thaco, theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam.
Cũng trong năm ngoái, GM buộc phải tuyên bố ngừng sản xuất và bán thương hiệu Chevrolet tại Nam Phi cho đối thủ Isuzu, sau hơn 90 năm hoạt động. Kịch bản tương tự diễn ra tại thị trường Ấn Độ, GM tuyên bố ngừng bán xe tại thị trường này do khó cạnh tranh với các hãng xe đến từ Nhật bản và Hàn Quốc. Thậm chí, GM sẽ rút hai thương hiệu Opel và Chevrolet khỏi thị trường Nga, đồng thời đóng cửa nhà máy tại St Petersbrurg vào cuối năm nay.
Đọc thêm: General Motors nhỏ gọn hơn, để tạo lợi nhuận tốt hơn
Đối với thị trường Việt Nam, hai cái tên khả thi nhất để GM chọn làm đối tác để bán lại là Thaco - công ty tiên phong trong ngành công nghiệp ô tô Việt Nam từ năm 1997 và VinFast - công ty khởi nghiệp về sản xuất ô tô vừa thành lập trong năm ngoái.
Tuy nhiên, Thaco vốn đã sở hữu quyền phân phối nhiều thương hiệu ô tô như Kia, Mazda, Peugeot, BMW và hệ thống đại lý phân phối gồm 93 showroom và 59 đại lý trải dài trên toàn quốc. Hơn nữa, hệ thống sản xuất và lắp ráp ô tô của Thaco cũng đã khá hoàn chỉnh. Đây là công ty duy nhất tại Việt Nam sản xuất và lắp ráp đủ cả ba dòng xe du lịch, xe tải và xe bus.
Ngược lại, VinFast, công ty mới gia nhập ngành đang thực hiện nhiều bước đi táo bạo để hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Một tuần ngay trước khi ký thoả thuận mua lại GM Việt Nam, VinFast đã tổ chức một hội thảo tại Đức quy tụ hơn 300 nhà cung cấp linh kiện và phụ tùng trên thế giới.
Một sự kiện khác, tuy ít ồn ào hơn, nhưng cũng nằm trong nỗ lực tận dụng chuỗi cung ứng toàn cầu để làm nên một thương hiệu xe ô tô Việt. Trong tháng 6, VinFast đã ký biên bản ghi nhớ với AAPICO đến từ Thái Lan, để thành lập nhà máy liên doanh sản xuất thân vỏ xe. AAPICO là nhà cung cấp phụ tùng liên quan đến vỏ xe cho các hãng nổi tiếng như Ford, Honda hay Nissan,...
"Đây sẽ là hướng đi quan trọng trong việc tạo lập một hệ sinh thái đầy đủ và đồng bộ cho ngành công nghiệp sản xuất ô tô thương hiệu Việt," ông Nguyễn Việt Quang, phó chủ tịch kiêm tổng giám đốc tập đoàn Vingroup nhận định.