Chiếc máy bay của Qatar Airways đang hạ dần độ cao để hạ cánh xuống sân bay quốc tế Al Hamad. Trải rộng mênh mông dưới sải cánh máy bay, Qatar hiện ra trước mắt du khách với chỉ hai gam màu chủ đạo, xanh và trắng. Màu trắng bạt ngàn, trắng đến nhức mắt của những đụn cát nối tiếp nhau, trải dài tít tắp. Và sắc xanh thẫm của đại dương bao la, làm nên đường viền mềm mại ôm ấp miền sa mạc bỏng rẫy, khô khát đặc trưng.
Với hầu hết diện tích lãnh thổ là địa hình đồng bằng thấp và khô cằn bị cát nóng bao phủ, Qatar là một quốc gia Trung Đông khá thiệt thòi, khi chẳng được bà mẹ thiên nhiên ban phát cho bất cứ tài nguyên thiên nhiên gì. Núi - không. Rừng - không. Hệ thống sông ngòi - không. Và vì thế, màu xanh cây lá cùng sự đa dạng sinh học - cũng không nốt.
Trữ lượng dầu mỏ ước tính lên tới 15 tỷ thùng cùng các mỏ khí đốt chiếm tới 13% trữ lượng toàn cầu đã mang lại cho xứ sở này rất nhiều bạc tiền cùng vị thế sang giàu nhất nhì thế giới. Nhưng màu xanh dịu mát của cỏ cây và hoa trái, vốn ngập tràn và thừa thãi như một phần tất yếu của cuộc sống ở phẩn lớn quốc gia khác lại trở thành giấc mơ rất đỗi xa vời, với mọi cư dân Qatar.
Nhìn từ trên cao, thủ đô Doha là một thành phố hiện đại, được quy hoạch mẫu mực khi đan xen, điểm xuyết những mảng xanh kiên cường giữa những kiến trúc cao tầng và khu phố cổ. Trên chặng đường 25km từ sân bay về trung tâm thành phố, màu xanh cây lá và sắc biếc đại dương là điều kỳ diệu mà chúng tôi được thưởng lãm, từ cả hai phía. Đa dạng chủng loại cây cối, được nhập khẩu từ nhiều vùng đất, đáp ứng được hai yêu cầu cơ bản là sức chịu nóng cao và tiêu thụ thật ít nước. Những hàng chà là cao vút dọc theo hai bên đường. Những giàn dây leo với rực rỡ sắc hoa phủ quanh tường nhà, làm mềm những vòm cổng. Công sở, các công trình công cộng đều xanh mát, đều ẩn hiện giữa không gian thiên nhiên rực rỡ như thể đang hiện diện giữa môi trường nhiệt đới với đặc trưng nóng ẩm, mưa nhiều chứ không phải trên miền sa mạc phải nâng niu từng giọt nước.
Trên đường đi, tôi cũng bắt gặp khá nhiều công viên, với không chỉ thảm cỏ xanh mướt, rực rỡ sắc hoa mà còn sở hữu khá nhiều cây cổ thụ, với tán lá khổng lồ. Lịch trình di chuyển ngắn ngày, với dày đặc điểm đến không cho phép chúng tôi có thời gian thong dong tản bộ dưới bóng rợp hiền hoà, nơi những lá phổi xanh mang lại bầu không khí trong lành, tươi mát cho thành phố. Nhưng cô hướng dẫn viên Philippines, người đã gắn bó với xứ sở này khá nhiều năm thì có cả một kho thông tin để cung cấp cho du khách về công cuộc xanh hoá Doha đầy gian nan và tốn kém này.
Đất trồng trong công viên đều phải mua và chuyên chở về từ nước ngoài. Hàng triệu khối đất đã đổ xuống, để phủ kín công viên rộng cả chục hec - ta, với độ dày cả mét. Những tàng cây cổ thụ thuộc loại quý hiếm cũng tề tựu về đây, từ nhiều miền đất xa xôi. Chúng đều được chăm sóc kỹ lưỡng, với chế độ đặc biệt nhằm đảm bảo phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng bản địa nơi sinh ra. Mỗi cây đều được lập một hồ sơ theo dõi riêng, được chăm sóc theo chế độ riêng để đảm bảo có thể sống khoẻ, sống tươi tốt suốt hai mùa, mát và nóng. Ngay dưới mỗi gốc cây có tới ba hệ thống bao tưới khoa học (tưới nước thông thường, bón phân vô cơ và phun thuốc) được điều khiển tự động từ các trung tâm nhằm điều chỉnh theo sự biến thiên của điều kiện thời tiết cụ thể. Thảm cỏ cũng được tưới tắm kỹ lưỡng, theo lịch trình đã được cài đặt tự động. Ước tính có tới hơn 30 nghìn người nước ngoài, thuộc đủ màu da, từ chuyên gia sinh học – thổ nhưỡng tới những thợ làm vườn lành nghề đã được thành phố Doha tuyển dụng, chỉ với duy nhất một công việc: bảo dưỡng hệ sinh thái xanh. Người Việt sang đây lao động thường gọi đùa nghề này là “ô sin vườn”.
Không chỉ phủ xanh mọi không gian công cộng, Qatar còn lấn biển xây đảo nhân tạo, như cái cách láng giềng Dubai đã thực hiện rất thành công. Đảo Ngọc (Pearl Island) đẹp lung linh khi về đêm, với vài trăm du thuyền hạng sang neo đậu là nơi giới siêu giàu Qatar cùng những nhà đầu tư nước ngoài “nặng ví” cư ngụ. Hòn đảo nhân tạo phô bày vẻ hào nhoáng, sang chảnh này cũng là một điểm đến ngút ngàn màu xanh cây lá, chẳng khác gì thiên đường bên bờ vịnh.
Qatar cũng sở hữu một hòn đảo tự nhiên, nơi chuyên chở tham vọng biến thành Maldives vùng Trung Đông phục vụ những tín đồ đam mê nghỉ dưỡng. Đảo Chuối (Banana Island - ảnh trên) nhưng không hề có một cây chuối. Đảo Chuối, chỉ vì hình dạng bên ngoài rất giống quả chuối đã trở thành điểm đến thật dự thú vị, trên hành trình khám phá Qatar cũng nhờ vào sắc xanh tươi mát cùng bầu không khí trong lành mà nó đang sở hữu. Để đến với hòn đảo xinh đẹp này, du khách sẽ có cơ hội lên tàu cao tốc, thưởng thức món mứt chà là truyền thống ngon tuyệt và thả tầm mắt theo sắc xanh đại dương quyến rũ của vịnh Ba Tư.
Hiếm quốc gia nào định vị thương hiệu du lịch hoàn toàn dựa trên khối óc và bàn tay con người như Qatar. Cũng hiếm quốc gia nào có khả năng tiềm tàng để biến những thiệt thòi cùng khiếm khuyết, thiếu hụt của nguồn tài nguyên thiên nhiên và hệ thống danh lam thắng cảnh thành điểm mạnh thu hút du khách mê khám phá, như Qatar.
Và từ những trải nghiệm thú vị gặt hái trên suốt chặng hành trình, tôi thật sự nể phục xứ sở này, vì khả năng “biến không thành có” đó.
Hai thập niên trước, môi trường thiên nhiên khắc nghiệt cùng trọng tâm nền kinh tế trông cậy vào sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp nặng đã đẩy đất nước nhỏ bé này trở thành nơi có lượng phát thải CO2 bình quân cao nhất thế giới (với 49,1 tấn/người vào năm 2008). Người dân Qatar cũng chiếm luôn ngôi vị quán quân, trong tiêu thụ bình quân nước sạch (với 400 lít nước mỗi ngày). Sớm nhìn thấy những hiểm hoạ tiềm ẩn phía sau tốc độ tăng trưởng kinh tế phi mã, chính phủ Qatar đã phát động chương trình Tầm nhìn quốc gia 2030, trong đó nhấn mạnh phát triển môi trường là một trong bốn mục tiêu hàng đầu. Lựa chọn thay thế bền vững cho năng lượng dựa trên dầu mỏ nhằm cải thiện, tái tạo và bảo vệ môi trường cho chính Qatar và rộng hơn, cho mái nhà chung trái đất, xứ sở này đã đạt được kỳ tích xanh hoá thật sự khó tin. Dù cái giá của những kỳ tích ấy cực kỳ đắt đỏ, dù màu xanh của Doha được định giá bằng những khoản chi phí với quá nhiều số không thì nỗ lực của Chính phủ và người dân nơi đây vẫn đã và đang khiến bè bạn quốc tế thực sự thán phục.
Theo Nhandan