Cứ tháng 8 hàng năm, sa mạc hoang vắng ở Nevada (Mỹ) lại diễn ra Burning Man, sự kiện văn hóa có hơn 70.000 người tham gia.
Burning Man – thế giới của những con người lập dị nhấtCác hoạt động kỳ lạ: Đằng sau cánh cửa của Burning Man là những trò chơi điên rồ nhất bạn có thể tưởng tượng như lớp học đánh nhau, các bữa tiệc khỏa thân trong bọt xà phòng… Tuy nhiên, sự kiện nổi bật nhất của lễ hội chính là đêm thứ bảy cuối cùng – lễ đốt hình nộm khổng lồ “The Man”.
Công trình bằng gỗ này có hình dạng khác nhau theo từng năm. Khán giả sẽ tụ tập xung quanh để chứng kiến ngọn lửa dần nuốt chửng tất cả, đúng với tinh thần “không để lại dấu vết” như một lời nhắc nhở về bảo vệ môi trường.
Sự kiện ngoạn mục này hoàn toàn xứng đáng với quy mô và ý nghĩa của lễ hội, biến Burning Man trở thành một trong những điều phải trải nghiệm trước khi qua đời của rất nhiều người trên thế giới.
Những phương tiện đầy tính nghệ thuật: Cưỡi trên một con ốc sên máy khổng lồ hay một con ngựa sừng trong truyền thuyết? Bạn chỉ cần mỉm cười và đề nghị được đi nhờ. Những chiếc xe như vậy là một trong những phần lý thú nhất của Burning Man. Hàng nghìn phương tiện rực rỡ đôi khi có phần kỳ dị sẽ đổ về đây, dạo quanh sa mạc và chào đón bất cứ người lạ nào hứng thú. Thậm chí, họ còn cung cấp cả đồ uống miễn phí cùng dàn âm thanh cỡ lớn.
Lễ hội hóa trang: Burning Man là nơi con người được thỏa sức sáng tạo với những bộ cánh độc đáo. Nơi đây có những nhân vật và biệt ngữ riêng mà chỉ những người hay theo dõi các tờ báo địa phương mới hiểu hết. Bạn có thể thấy một “chú ngựa Sparkle” với dải bờm bảy sắc cầu vồng, hay những anh chàng chỉ mặc độc một chiếc áo sơ mi. Những người từ California (Mỹ) với biệt danh “những chú thỏ Yoga” khỏa thân dễ dàng gây sự chú ý với làn da rám nắng và cơ thể săn chắc thực hiện những động tác yoga tại khu làng chính.
Những công trình sáng tạo: Lễ hội này thu hút hàng nghìn nghệ sĩ sẵn sàng dành hàng tháng ngoài sa mạc để tạo nên những công trình kiến trúc lạ mắt. Những tác phẩm này sẽ chỉ tồn tại trong vòng một tuần lễ diễn ra lễ hội.
Tất cả sẽ cùng dọn dẹp sau khi lễ hội kết thúc để không ảnh hưởng đến môi trường. Từ những chiếc tàu cướp biển cho đến con linh cẩu máy khổng lồ, du khách sẽ không thể nào rời mắt khỏi những công trình đồ sộ và đầy sức sáng tạo của Burning Man.
Đến đây mỗi người phải tự mang nước uống, đồ ăn, quần áo và vật dụng cần thiết như một chuyến phiêu lưu sinh tồn. Tiền bị cấm sử dụng tại lễ hội, không có quảng cáo, tài trợ, các nhãn hiệu, cũng không có quầy hàng rong để bạn có thể mua sắm.
Burning Man là nơi để người ta cho đi. Những người lạ có thể cho bạn đồ ăn, một gã mặc quần áo phi công đưa cho bạn một lon bia lạnh, hay một cô gái trẻ dành tặng bạn bài thơ vừa sáng tác. Văn hóa trao tặng đã trở thành một “tôn giáo” ngay từ những ngày đầu của lễ hội, như để rũ bỏ thế giới vật chất đầy thực dụng ở ngoài kia.
Burning Man 2018 sẽ bắt đầu từ ngày 26/8 tại sa mạc Black Rock ở bang Nevada, Mỹ với chủ đề là “I, Robot”. Theo: Guardian
Theo Anh Minh/Vnexpress