Ngôi chùa kiến trúc Khmer đầu tiên ở Sài Gòn

Chùa Chantarangsay được xây dựng năm 1946, mang đường nét kiến trúc của nền văn hóa Khmer miền Tây Nam bộ.

Chùa Chantarangsay, ngôi chùa kiến trúc Khmer đầu tiên ở Sài Gòn

Ngôi chùa kiến trúc Khmer đầu tiên ở Sài Gòn

Chùa Chantarangsay nằm bên bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (quận 3, TP HCM) được xây dựng hơn 70 năm trước. Chùa còn được gọi là Candaransi (có nghĩa là Ánh Trăng) và là ngôi chùa Khmer đầu tiên trên đất Sài Gòn. Chùa có diện tích 4.500 m2, từ khi hoạt động đã trải qua bảy lần trùng tu. Giữa sân chùa là hồ nước nhỏ, tháp thờ Phật, nhà tăng… với màu vàng đặc trưng của chùa chiền Khmer.

Đây là chốn tu hành của các nhà sư theo trường phái Nam Tông, nơi sinh hoạt văn hóa của đa số bà con dân tộc Khmer Nam bộ ở Sài Gòn.

Ngôi chánh điện gồm hai tầng, có bốn cổng ở hai mặt trước và sau, mặt hướng Đông.

Trên đỉnh chánh điện là ba ngọn tháp lộng lẫy, có thể quan sát được từ xa, như một điểm nhấn kiến trúc của ngôi chùa.

Lối vào chánh điện có những bức phù điêu Đức Phật Thích Ca với các kiểu dáng khác nhau được chạm trổ tinh xảo.

Mang đặc điểm của Phật giáo Nam tông nên trong chánh điện chỉ thờ duy nhất Phật Thích Ca, không thờ Bồ tát và các vị thần linh. Quanh bốn góc tường, trên trần mái là những bức tranh lớn kể lại câu chuyện về quá trình tu đạo của Đức Phật.

Trên các góc, tường, mái, cột của chùa có trang trí hình chim thần Garuda, rắn thần Naga, tượng Cầy No, tượng Phật Thích ca…

Trong năm, chùa tiến hành các ngày lễ lớn theo truyền thống Phật giáo của người Khmer như lễ tết Chol Chnam Thmay, Phật Đản, lễ Ok Om Bok… Chùa Chantarangsay còn là điểm cư trú cho nhiều tu sĩ Khmer khi đến tham quan thành phố hay học tập.