Không phải ai cũng đủ đam mê và lòng dũng cảm gác lại công việc hiện tại để theo đuổi thứ mình thích. Phạm Xuân Quý lại khác, anh từ bỏ vị trí quản lý rạp phim ở Biên Hoà (Đồng Nai), xách balo một mình lên đường xuyên Việt. Đây là lần thứ 7 anh đến với vùng núi phía Bắc.
Hành trình khám phá và “săn” nụ cười trẻ em:
Chuyến hành trình lần này của anh kéo dài 45 ngày, đi qua những nơi như: Mộc Châu (Sơn La), Mù Cang Chải (Yên Bái), Y Tý (Lào Cai), Bắc Hà (Lào Cai) và Đồng Văn (Hà Giang). Khi đặt chân đến vùng núi phía Bắc, khung cảnh núi rừng, thiên nhiên tươi đẹp nơi đây đã thu hút anh Quý. Anh ví von: “Dù là người miền Nam nhưng anh lại cảm thấy được là chính mình khi đến với vùng cao phía Bắc”.
Anh Quý quả thực đã đem lòng yêu sâu sắc cảnh sắc thiên nhiên và con người nơi đây. Trong suốt hành trình, anh lưu giữ nhiều khoảnh khắc về đời sống, công việc và nụ cười của người dân vùng cao trên chiếc máy ảnh cầm tay. Đi đến đâu, anh cũng gửi tặng tấm hình cho bà con như những món quà nhỏ. Anh chia sẻ với TravelMag:
“Những chuyến đi trước mình chỉ chụp ảnh đồng bào và quay lại tặng họ vào dịp tiếp theo mình quay lại, nhưng lần này mình muốn in ra ngay tại chỗ để tặng cho bà con luôn. Họ rất vui từ trẻ em cho tới thanh niên, người lớn và người già. Nhìn những khuôn mặt hào hứng, những nụ cười hạnh phúc của đồng bào mình khi cầm tấm ảnh của họ ngay vào lúc đó làm mình cảm thấy rất vui và hạnh phúc theo họ. Đấy, hạnh phúc chỉ là những điều thật đơn giản như vậy thôi”.
Đôi khi chỉ cần món quà nhỏ xuất phát từ tấm lòng có thể đổi lấy nụ cười của mọi người. Đó là nụ cười ngây thơ của các em nhỏ, là niềm vui khi nhận được bức hình ghi lại khoảnh khắc làm việc chăm chỉ của bà con.
Đăng tải những bức hình lên các hội nhóm, anh Quý nhận về nhiều sự quan tâm bởi khung cảnh núi rừng miền Bắc và ở sự bình dị, thân thuộc của con người nơi đây. Anh mong muốn sẽ giúp mọi người tìm đến vùng cao thật nhiều để khám phá và giúp đỡ phần nào cuộc sống bà con.
Một mình trên chiếc xe máy thực hiện chuyến hành trình, chắc hẳn anh Xuân Quý đối mặt với không ít khó khăn. Khi được hỏi về những nguy hiểm từng trải qua, anh chia sẻ: “Khó khăn thì cũng có nhưng do mình đã đi nhiều lần nên cũng quen dần và mình xem những khó khăn đó như là gia vị của vùng cao, chỉ làm cho chuyến hành trình của mình thêm phần đậm đà và hấp dẫn hơn thôi. Hầu hết là thời tiết thay đổi liên tục, hỏng xe, ngã xe, đường sình lầy sạt lở, sương mù dày đặc....”.
Có lần, khi đang lái xe tới Bản Mù (huyện Yên Bái) do đường hẹp, nhiều bùn, sỏi đá và tình trạng mưa lớn khiến anh Quý mất lái, trôi xuống vực. Anh được 3 người phụ nữ đi rừng cứu lên, vô cùng biết ơn Anh Quý muốn gửi tặng hết số tiền mặt nhưng họ đều không nhận. Chính lòng tốt của con người nơi đây đã khiến anh cảm động và nhớ mãi.
Chia sẻ về cảm xúc sau chuyến hành trình, anh Phạm Xuân Quý nói: “Đó là những nụ cười của trẻ con, của các cụ già và sự thân thiện, quá đỗi thật thà của họ. Có lẽ cuộc sống vùng cao còn thiếu thốn rất nhiều thứ, nhưng hạnh phúc và bình yên thì ở đây không hề thiếu. Mỗi nơi mình tới đều có những nét đặc trưng riêng nhưng nhìn chung đều toát lên được vẻ đẹp của con người, vẻ đẹp của đồi núi của ruộng bậc thang, của cuộc sống hàng ngày...rất là nhẹ nhàng và xinh đẹp bình yên một cách lạ lùng”.
Phải chăng những hình ảnh xinh đẹp của ruộng bậc thang bạt ngàn, từ ngọn núi cao lớn đến ruộng lúa xanh rì hay ánh nhìn thơ ngây của trẻ em dân tộc đều được anh cất lại không chỉ trong máy ảnh mà trong chính tâm hồn.
Dự định kế tiếp của chuyến hành trình:
Anh sẽ thăm lại nơi đây khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Được quay về với vùng cao, với đồng bào, bản làng chính là mong muốn lớn nhất trong anh lúc này.
“Lần này quay lại mình sẽ mang tới thật nhiều hơn những món quà nhỏ, những tấm ảnh và kể lại cho bọn trẻ con nghe mọi người dưới xuôi ai cũng mến cũng thích những tấm ảnh mình đã chụp cho bọn trẻ con, ai cũng khen các bé xinh xắn, đáng yêu.
Mình sẽ dành thời gian nhiều hơn để khám phá những bản làng ở khu vực Lai Châu, Điện Biên...và mình cũng sẽ quay lại những nơi mình đã đi qua để gặp mọi người”. Anh tâm sự về kế hoạch sắp tới.
Hiện tại, anh Quý vẫn tiếp tục chinh phục hành trình của mình. Khi hoàn thành xong chuyến đi tới, anh sẽ về quê nhà ở Biên Hoà, tìm một công việc nhỏ để làm. Anh chia sẻ: “Vì mình còn mẹ già và một người dì nữa, mình phải chăm sóc cho họ”.
Quyết định nghỉ việc để theo đuổi đam mê là lựa chọn của chính anh Quý. Anh không chia sẻ với gia đình, một mình trên chiếc xe máy đi đến vùng cao khám phá không phải ai cũng làm được như anh.
Với tình yêu thiên nhiên, con người vùng núi phía Bắc, đứng trước câu hỏi của TravelMag về việc muốn được sinh sống ở đó, anh Xuân Quý trả lời:
“Nếu có cơ hội mình muốn sống nửa phần đời còn lại ở Hà Giang. Hà Giang là một cái gì đó rất đặc biệt với mình, toàn bộ tâm tư, tình cảm mình dành cho Hà Giang rất nhiều.
Sau này có mất đi mình cũng mong muốn sẽ được yên nghỉ ở Hà Giang, để được là một phần nhỏ của mảnh đất địa đầu Tổ Quốc đầy bình yên và diệu kỳ này, được hòa vào sông Nho Quế, được ngày ngày ngắm đèo Mã Pí Lèng hùng vĩ, được nghe tiếng khèn vào những dịp lễ hội, được lặng lẽ nhìn đồng bào và mảnh đất biên cương thân thương này ngày càng phát triển và hạnh phúc”.
Bài liên quan Hà Giang: Tạm dừng đón khách du lịch và người từ vùng dịch Hà Giang: Đặc sắc lễ hội khèn Mông trên cao nguyên đá Đồng Văn