Về Thiên Cầm nghe “cung đàn trời”


Về Thiên Cầm nghe “cung đàn trời”

Một góc biển Thiên Cầm. Ảnh: KHÁNH HÒA

Từ ngàn xưa, tiếng sóng biển, tiếng gió dội vào vách núi, tiếng hàng thông xanh lao xao, hòa quyện để tạo nên “cung đàn trời” Thiên Cầm bất tận giữa biển cả bao la. Tận hưởng bản nhạc kỳ vỹ của thiên nhiên, cùng những cơn gió lộng, trong trẻo từ khơi xa, ngắm phong cảnh sơn thủy hữu tình khiến ai đã một lần đến đây đều cảm thấy nao lòng, quyến luyến.

Chúng tôi đến biển Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) khi ánh chiều vừa buông xuống. Biển dịu dàng ôm nét ưu tư. Nắng mơn man trên từng con sóng nhỏ. Xa xa, những con thuyền nhỏ thong dong thả lưới. Những áng mây đỏ vàng vắt mình lưng chừng đỉnh núi. Tiếng gió biển nhẹ nhàng lướt qua kè đá vi vút. Người dân địa phương bảo, thời khắc đẹp nhất ở đây là khi bình minh ló rạng, hoặc khi chiều tà, khi tiếng huyên náo bên bờ biển lắng xuống, khúc nhạc từ biển cả cất lên. Biển Thiên Cầm lãng mạn từ chính tên gọi. Tương truyền, vào đời Vua Hùng thứ 13, trong một lần vua đi tuần thú phương nam, có ghé qua một vùng biển non nước hữu tình. Cảnh trí hoang sơ, đẹp đẽ, đã khiến vua hạ lệnh dựng trại để nghỉ chân. Đêm đến, vua nghe tiếng gió, tiếng sóng, tiếng lá thông reo dội vào vách núi tạo thành một bản nhạc du dương. Nhà vua ngỡ có vị tiên hạ phàm, đang gảy đàn quanh đây. Vua cùng quân lính đi tìm chung quanh, rồi leo lên đỉnh núi cao nhất mà không gặp được vị tiên. Nhìn xuống chân núi, thấy bãi biển có dáng hình một chiếc đàn tỳ bà. Vua Hùng liền đặt tên cho vùng biển này là “Thiên Cầm” - có nghĩa là đàn trời.

Câu chuyện đó đã trở thành xa vãng, nhưng ngày nay, qua hàng thế kỷ, Thiên Cầm vẫn hiện lên trong cảm nhận của du khách đúng như tên gọi của “cung đàn biển” ngày nào. Bãi biển hình cánh cung, trải dài gần 3 km. Núi Thiên Cầm, núi Đầu Voi, kết hợp cùng núi Cùm Nậy, núi Cùm Con tạo thành những phím đàn. Nước biển trong xanh, mát dịu, bãi tắm thoai thoải, những cơn sóng vuốt ve bãi cát dài, mịn màng như một dải lụa đào. Nhận thấy tiềm năng của biển Thiên Cầm, từ khoảng đầu thế kỷ 20, người Pháp đã xây dựng ở đây một khu nghỉ mát. Nhưng do chiến tranh, các công trình đó đã bị phá hủy. Sau này, vùng biển Thiên Cầm nguyên sơ được tỉnh Hà Tĩnh quy hoạch thành khu du lịch biển, thu hút rất đông du khách đến tham quan, tắm biển. Hòa cùng đoàn người đang dạo chơi, tắm biển, chị Nguyễn Bích Ngọc, du khách đến từ Hà Nội cho biết, gia đình chị cũng chỉ định chọn biển Thiên Cầm là một địa điểm ghé chân một buổi chiều trên hành trình du lịch từ Hà Nội vào Đà Nẵng. Thế nhưng, đến đây rồi, tận hưởng bầu không khí mát dịu, cảnh đẹp nên thơ, gia đình chị đã quyết định nghỉ lại một đêm, để tận hưởng “cung đàn trời”.

Người dân ở đây tự hào bởi dường như thiên nhiên đã ban tặng cho Thiên Cầm tất cả. Ngoài vẻ đẹp sơn thủy hữu tình, những ngọn núi điệp trùng, nếu đứng trên các đỉnh núi, nhìn ra xa, có thể thấy các đảo Hòn Én, Hòn Bớc như những cánh phao nhấp nhô, dập dềnh trên mặt biển trắng xóa. Theo dân vạn chài ở đây, Hòn Én là một tảng đá lớn, mọc lên từ lòng biển, có hình đôi bàn tay che chở những con thuyền ra khơi, vào lộng. Có lẽ cũng vì được Hòn Én che chở, những con thuyền thường trở về bình yên với những mẻ lưới đầy. Vào những ngày biển động, vùng biển Thiên Cầm trở thành sự lựa chọn cho ngư dân khắp nơi neo đậu, tránh trú.

Trong câu chuyện làm quà, người dân vẫn kể cho du khách rằng, thuở xưa tiên xuống trần đánh đàn và chơi cờ nơi đây. Cũng chính vì thế mà trên núi có một tảng đá bằng phẳng, vẽ hình các ô bàn cờ, được gọi là bàn cờ tiên. Ngay dưới chân núi là hang đá thông ra biển. Cách chân núi một bãi cát là chùa Yên Lạc, ngôi chùa được xây dựng từ thế kỷ 13, nổi tiếng với bộ tranh “Thập điện Diêm Vương”. Từ thuở đầu xây dựng, người dân đã đặt niềm tin và mong ước về cuộc sống yên ấm, thanh bình, muôn đời hạnh phúc cho nên đặt tên cho ngôi chùa là chùa Yên Lạc. Núi non, biển cả và những sự tích kỳ bí đã tạo cho nơi đây sự bí ẩn đầy mê hoặc cùng những nét hùng vĩ thanh tao ở miền đất yên bình.

Thành, một người dân ở Thiên Cầm bảo, muốn trải nghiệm hết vùng đất này, phải bắt đầu từ buổi sớm tinh mơ, khi mặt trời thức dậy trên mặt biển. 5 giờ sáng, điểm đến đầu tiên chúng tôi khám phá là làng chài Cửa Nhượng. Đây là lúc những đoàn thuyền cập bờ sau một đêm dài chài lưới. Để kịp cho mẻ cá sớm mai, từng đoàn thuyền phải xuất phát từ chiều ngày hôm trước, ra đến ngư trường cũng là lúc đêm vừa kịp buông. Vừa đến làng cá, cảm nhận đầu tiên của tôi là vị mặn phảng vào trong từng cơn gió. Thành bảo, nghề chài lưới, anh đã đi qua nhiều vùng biển, nhưng chưa thấy nước biển ở đâu mặn bằng biển quê anh. Có lẽ, cũng nhờ vị mặn mòi đặc trưng đó mà hải sản ở nơi đây có nhiều loại tươi ngon và từ lâu đã trở thành nguồn sống dồi dào cho người dân.

Tờ mờ sáng, từng đoàn thuyền trở về từ khơi xa. Sau một đêm dài lênh đênh trên biển, nhưng đám bạn thuyền vẫn tỏ ra vô cùng sung sức. Họ hò hét, í ới gọi nhau, ra hiệu lệnh để những con thuyền nặng trĩu cá tôm nhẹ nhàng cập bến. Cá, mực, tôm, ghẹ… lần lượt được chuyển vào bờ cho các tiểu thương đã đợi sẵn từ lâu. Trời chưa rõ mặt người. Từng ánh đèn pin leo lét. Không khí xen lẫn mùi tanh nồng của cá tôm. Tiếng người khuân, bê nhộn nhịp. Từng đoàn xe thùng đến thu mua hải sản. Người dân quen gọi là chợ hải sản, nhưng ở đây, không hề thấy bóng dáng của hàng quán, ki-ốt. Chợ đơn giản chỉ là một bãi đất rộng trên bờ kè. Từng con cá, con tôm, con mực… tươi rói nhảy tanh tách trong những chiếc thúng được ngư dân quẩy lên bờ. Trời sáng hẳn, làng chài vãn dần. Những khuôn mặt của người dân chài lưới đen sạm vì mệt mỏi, nhưng trong ánh mắt đỏ hoe vì thiếu ngủ vẫn ánh lên niềm vui khôn tả với những mẻ lưới đầy lộc biển. Khi những ngư dân về nhà nghỉ ngơi để chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới thì cũng là lúc những người vợ, người mẹ tất bật trao đổi, buôn bán từng mớ cá, mớ tôm. Tầm 7 - 8 giờ, trời sáng hẳn, phiên chợ cũng đã vãn. Dọc đường đê, từng nhóm người tay xách nách mang trở về. Từng đoàn thuyền mệt mỏi nghỉ ngơi cùng tiếng sóng, tiếng gió yên bình.

Vào những ngày hè, bỏ lại đằng sau cái nắng oi ả của dải đất miền trung nắng gió, du khách nườm nượp đến với biển Thiên Cầm. Nói như một vị lãnh đạo UBND thị trấn Thiên Cầm, mùa hè, để đặt phòng ngủ tại đây là điều không dễ dàng. Các khách sạn, nhà nghỉ hoạt động hết công suất cũng không thể phục vụ đủ nhu cầu của du khách. Đời sống của người dân ngày một khấm khá. Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND thị trấn Thiên Cầm, dường như địa phương vẫn chưa tận dụng hết tiềm năng mà biển cả mang lại. Nguồn thu ngân sách từ các hoạt động du lịch chưa cao. Du lịch chưa thật sự phát triển đột phá. Trưởng Ban quản lý Khu du lịch Thiên Cầm Hoàng Văn Hướng chia sẻ, các loại hình dịch vụ chưa phát triển tương xứng với tầm vóc. Vì thế, làm sao để thu hút những nhà đầu tư, tạo diện mạo mới cho biển Thiên Cầm vẫn là niềm trăn trở của lãnh đạo huyện Cẩm Xuyên và tỉnh Hà Tĩnh.

Chia tay Thiên Cầm, khi những tiếng đàn trời vẫn vi vút, du dương. Chợt ước, sau này, những nhà nghỉ, khách sạn cũ kỹ sẽ được thay thế bằng những khách sạn, khu nghỉ dưỡng khang trang, đẹp đẽ hơn, du lịch biển Thiên Cầm sẽ thật sự cất cánh. Biển dần lui về phía sau, mấy câu thơ của một nhà thơ xứ biển viết về mảnh đất này chợt vang lên đâu đó: Đàn trời gẩy một nét thơ/ Nửa miên man cát, nửa mơ mộng ghềnh/ Sóng rạo rực, gió xông xênh/ Thương nhau xin nhớ bồng bềnh cõi tiên.

Hoàng Đức Nhã/Nhandan