Đảo Lại Sơn. (Ảnh: Huỳnh Lãnh)
Giữa vùng biển mênh mông, quanh năm biêng biếc màu xanh ngọc bích, thỉnh thoảng nhô lên hòn đảo với hình thù kỳ thú như hòn non bộ được lão nghệ nhân thiên nhiên bày trí cầu kỳ, giàu tính nghệ thuật tạo hình, nên vừa mang đậm chất hùng vĩ của trời nước bao la, nhưng cũng hết sức thi vị, tinh tế trong từng đường nét... Rồi trong thấp thoáng mây cuối trời, tiếng sóng ngàn năm vỗ bờ tạo ra những viền sóng bạc đầu quanh vách đá, trông bàng bạc như tiên cảnh. Đến Kiên Hải, lữ khách không chỉ lạc trôi trước lãng đãng sương khói bồng bềnh màu nhớ mà còn được chạm tay đến “kỳ tích” thời hiện đại: Hồ trên núi.
“Hạ Long” đất phương Nam
Nếu Hà Tiên được xem như “Việt Nam thu nhỏ”, trăm năm lưu dấu những mảnh hồn thi sĩ tài hoa của “Tao Đàn Chiêu Anh Các” với tuyệt phẩm “Thập khúc cảnh vịnh”, thì Kiên Hải (huyện đảo của tỉnh Kiên Giang) được xưng tụng là “Hạ Long” của vùng đất phương Nam. Được hình thành bởi hàng chục đảo lớn nhỏ trong vùng biển tận cùng phía Tây Tổ quốc, Kiên Hải quanh năm biêng biếc màu ngọc bích của nước biển giao kết với ánh mặt trời, riêng một góc trời biển Tây Tổ quốc, bốn mùa ngân vang khúc nhạc “tiếng lá non gọi gió”.
Khi mặt trời vừa thức giấc trên mặt biển, từ cảng Rạch Giá - trung tâm hành chính của Kiên Giang - chúng tôi đi về hướng đại dương mênh mông, trong loang loáng sương mờ, Hòn Tre - trung tâm của huyện đảo Kiên Hải - dần hiện ra như cụ rùa khổng lồ ngàn năm tuổi thả mình giữa bồng bềnh sóng nước. Chả thế mà Hòn Tre còn có tên là Hòn Rùa. Càng đến gần, Hòn Rùa càng phô diễn những nét quyến rũ. Lữ khách như lạc bước vào thế giới cổ tích ngày xưa ngoại kể khi đặt chân tới Bãi Chén. Nơi đây, thiên nhiên đã thật sự hào phóng khi chồng xếp những hòn đá khổng lồ hình tròn gối đầu lên nhau như kệ chén của người khổng lồ thưở hồng hoang... Rồi lòng chợt chùng xuống với nỗi niềm hoài cổ khi đặt chân đến “Động Dừa”. Chưa cần chạm đến những lưu dấu thời cha ông đi mở đất, chỉ mỗi tên gọi địa danh này thôi cũng đủ quyến rũ du khách thích khám phá... Hồn lữ khách chợt bồng bềnh rồi lãng đãng trong không gian đậm màu kỳ bí và huyền hoặc khi bước đến “Dốc Lầu Chuông” với ngân vang tiếng đá như chuông đồng khi được gõ vào nhau...
Lữ khách sẽ như lên đồng trước buổi tiệc thiên nhiên tuyệt bích khi đặt chân lên hòn Sơn Rái (hòn Sơn, Lại Sơn) khi nhìn mùa thu xỏa những vệt nắng cuối mùa lên Bãi Bàng, Bãi Thiên Tuế... Rồi sẽ tiếp tục choáng ngợp trước khối màu ma mị của buổi nắng quái buổi chiều hôm ngã lưng lên những rặng dừa cổ thụ trên đỉnh “Ma Thiên Lãnh” khiến cho đỉnh núi chót vót này trở nên hùng vĩ, linh thiêng với truyền thuyết cổ xưa.
Biển hát lời tình ca
Nằm ở tận cùng hướng Nam huyện Kiên Hải, quần đảo Nam Du gồm 21 hòn lớn - nhỏ, có hòn chỉ rộng khoảng 200m2 (Hòn Lò), nhưng tất cả đảo ở đây đều có tên - một điều mà nhiều trong số hơn 100 hòn đảo trong vùng biển Kiên Giang chưa có được. Và cũng như nhiều địa phương vùng Nam Bộ, phần lớn tên đảo ở Nam Du dễ nhớ, dễ hiểu vì được “khai sinh” từ hình dáng, đặc thù, như: Hòn Lớn, hay còn gọi là hòn Củ Tron (hòn rộng lớn, cao nhất trong quần đảo với diện tích 9km2, cao 328m); hòn Ngang (vì nằm ở vị trí chắn ngang hòn Lớn), hoặc hòn Dầu, hòn Mấu (vì bên trên có nhiều cây Dầu, cây Mấu mọc tự nhiên)... nhưng cũng có tên đảo mà đến nay vẫn thách thức các nhà ngôn ngữ khám phá, như: Hòn Đô Nai, hòn Dâm... Nhưng dù thế nào, thì lữ khách cũng xao xuyến không tan khi toàn bộ danh xưng của từng hòn đảo đều được “nhạc điệu hóa” dưới dạng “dân ca địa danh” của nhiều thế hệ “nghệ sĩ nhân dân”. Chính sự kỳ công của nhiều người đã rèn giũa những tên tộc nôm na của từng hòn đảo nơi đây có vần, có điệu của sự hòa quyện giữa âm nhạc và thơ ca...:
“Hòn Mấu đâm thấu Đô Nai
Đô Nai quay sang Bờ Đập
Bờ Đập tấp lại Hòn Lò
Hòn Lò mò đến Hòn Ngang
Hòn Ngang tạt sang Hòn Đụng
Hòn Đụng cụng vào Hòn Dầu
Hòn Dầu nằm chầu Bỏ Áo
Bỏ Áo tháo ngược Hòn Ông
Hòn Ông dông đến Hòn Dâm
Hòn Dâm đâm thẳng Hòn Tre
Hòn Tre te đến Hòn Mốc
Hòn Mốc xóc lại Hòn Nhàn
Hòn Nhàn tràn thẳng Hòn Hàn
Hòn Hàn quàng cổ ba Hòn Nồm
Hòn Nồm chồm đại lên Hòn Khô
Hòn Khô vô Bãi Chệt
Bãi Chệt lết lên Hòn Lớn”.
Nam Du không chỉ sở hữu vẻ đẹp của thiên nhiên hoang sơ, kỳ thú với trùng điệp khối đá được sóng biển ngàn đời bào, đục, chạm khắc nên những hình khối lạ mắt, sống động... mà còn phảng phất cả chất “huyền sử” của “Bài ca đất phương Nam”. Nhà văn Anh Động - nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ Kiên Giang, người dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu về văn hóa biển Tây - trong lần trò chuyện, đã “bật mí”rằng, trong số trên 100 đảo lớn nhỏ ở Kiên Giang, Nam Du là vùng đất đậm chất huyền sử nhất... Ngoài thuyết cho rằng, Nam Du là do đọc theo kiểu ghi lại tên Hán – Việt (Nam Dự - đảo phía Nam) không có dấu của người Pháp. Cũng có thuyết cho rằng, do liên quan đến sự kiện Nguyễn Ánh - Gia Long từng đến hòn đảo phía Nam này. Trong những ngày bôn tẩu, chúa Nguyễn Ánh đã từng đến đây mà bằng chứng là nhiều địa danh mang dấu ấn “vua” như bãi Ngự, Giếng Ngự... Tương truyền, khi đến hòn Lớn đóng bản doanh, thấy binh sĩ đào nhiều giếng mà vẫn không tìm được nguồn nước ngọt, chúa bèn khấn trời đất rồi dùng gươm đâm xuống núi... Kỳ lạ thay, theo lưỡi gươm, dòng nước ngọt phụt lên. Thấy vậy chúa lệnh cho binh sĩ đào mở rộng thành giếng. Người đời sau gọi giếng nước là Giếng Ngự. Nay Giếng Ngự vẫn còn trên triền Tây - Bắc của hòn Lớn (nay là trung tâm hành chính của xã An Sơn, nhưng lại khoác lên mình chiếc áo huyền thoại mới: Ngay những năm nắng hạn gay gắt nhất, hầu hết các giếng nước trong quần đảo trơ đáy, nơi đây vẫn có nước. Nơi chúa đóng quân khi xưa được gọi là Bãi Ngự. Còn tên gọi hòn Củ Tron lại có sự tích ra đời khá thú vị. Sau khi lên ngôi vua (1802), nhớ công lao của người dân đảo Nam Du đã đào củ “nầng” (củ cây mọc tự nhiên trên đảo, có hình dáng tròn tròn) nấu chín dâng lên cho mình đỡ đói, Gia Long “ban” cho hòn đảo tên Củ Tròn. Nhưng do vị quan Hành Khiển là người xứ Quảng nên khi truyền “khẩu lệnh” đã biến âm thành Củ Tron. Dân nào dám “kháng chỉ” nên Hòn Lớn có thêm tên mới: hòn Củ Tron... Nam Du là vậy đó, mỗi tên hòn, đảo nơi đây đều có sự tích, mà sự tích nào cũng đẹp, cũng lấp lánh huyền sử.
Đến những năm cuối thế kỷ XX, Nam Du lại khoác lên mình huyền thoại thời hiện đại. Sau cơn bão số 5 (năm 1997), Chủ tịch Nước Trần Đức Lương có chuyến thị sát đến xã Nam Du. Tận mắt chứng kiến cảnh thiếu nước ngọt sinh hoạt của quân – dân trên đảo, Chủ tịch Nước quyết định xây tặng xã đảo hồ chứa nước quy mô 30.000m3 tại Hòn Lớn (tức ngay hòn đảo mà theo truyền thuyết xa xưa, chúa Nguyễn Ánh đã từng khám phá ra mạch nước, tạo nên Giếng Ngự ngày nay). Đây được xem là “kỳ tích” giữa đời thường khi lần đầu tiên cả vùng biển Tây có được nguồn nước ngọt quy mô lớn sử dụng quanh năm, nhưng không do đấng siêu nhân ban phát mà do chính vị Chủ tịch Nước đứng ra phát lệnh xẻ núi xây hồ. Ngày nay, ngoài việc phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt trong mùa khô, hồ còn là điểm đến cho nhiều bước chân thích “xê dịch”... Nằm giữa thung lũng núi, mặt hướng ra biển, đến đây, không chỉ được thấy, được nghe kể về “kỳ tích” về xây dựng, lữ khách có dịp xa lánh bụi trần để hồn lạc trôi theo sóng nước, mây trời lồng lộng... Vì thế, mà người dân quần đảo Nam Du trân quý đến mức gọi đó là “Hồ nước Chủ tịch Nước”.
Hãy một lần đến Nam Du để cảnh vật thiên nhiên hoang sơ, kỳ thú nơi đây kể lại và những câu chuyện ngày xửa, ngày xưa, lúc cha ông đi mở cõi và cả câu chuyện kỳ tích ngày hôm nay... để đánh thức cảm xúc tự hào “non sông gấm vóc”, chắc hẳn mọi người sẽ thấy tự lòng mình dâng lên “bản hùng ca trách nhiệm” với biển đảo thân yêu cuối trời Nam Tổ quốc!
LỤC TÙNG/Laodong