Không có cảnh băng tuyết bao phủ và lạnh giá, Huyền Trang đã khám phá ra vẻ đẹp khác của Siberia khi mùa hè đến.
Mùa hè không tuyết của cô gái Hà Nội ở SiberiaHuyền Trang, làm việc và sinh sống tại Hà Nội, vừa có chuyến thăm Siberia hồi giữa tháng 5. Trước khi lên đường, Trang ấn tượng đây là một trong những vùng đất khắc nghiệt nhất thế giới, băng tuyết và giá lạnh bao phủ quanh năm. Cô cũng từng được nghe những câu truyện lịch sử bi tráng về mảnh đất này. Nhưng khi đến đây, cô gái lại bị hút hồn bởi cảnh quan, văn hóa, tập quán của những người bản địa.
Theo quan sát của Trang, người dân ở đây luôn mặc những bộ quần áo dày cộp, sặc sỡ làm từ nhiều chất liệu vải, da và các đồ trang sức tinh xảo. “Họ rất cởi mở, lạc quan và có sức chịu đựng cao để thích nghi với cuộc sống khắc nghiệt, thường xuyên thay đổi tại vùng đất này”, cô kể.
Huyền Trang có cơ hội ghé thăm hồ Baikal, hồ nước ngọt lâu đời nhất và sâu nhất thế giới. Nơi đây còn có 4 con sông dài nhất thế giới và hệ thống đầm lầy lớn nhất Bắc bán cầu.
“Câu truyện về hồ Baikal, về rừng Taiga cứ miên man theo con thuyền rẽ nước đưa chúng tôi đi tham quan”, Trang kể. Hai bên rừng cây rậm rạp, những vách núi đá sừng sững, mặt nước mênh mang xanh thẫm khiến cô có cảm giác như đang trong những câu truyện cổ tích Bắc Âu.
Sau khi chơi ở hồ Baikal, Huyền Trang còn ghé thăm Bảo tàng Kiến trúc bằng gỗ và Dân tộc học Taltsy. Bảo tàng này được thành lập vào năm 1966, mở cửa đón khách vào tháng 7/1980 và từ đó trở thành điểm dừng chân nổi tiếng trên đường đến hồ Baikal. Taltsy được đánh giá là một bảo tàng ngoài trời độc đáo, cho phép du khách đi bộ quanh 40 di tích kiến trúc lịch sử và hơn 8.000 triển lãm khác, nơi mà bạn có thể tìm hiểu cuộc sống của người Seberia qua nhiều thế kỷ.
Người dân ở đây chủ yếu là người Nga và người gốc Xlavơ, phần lớn sống ở phía nam, dọc theo tuyến đường sắt xuyên Siberia. Một số tộc người có nguồn gốc Mông Cổ đã sống ở đây từ rất lâu, các dân tộc thiểu số khác còn có Ket, Evenk, Chukchi , Koryak và Yukaghir… Ngày nay, Siberia vẫn còn tồn tại một số tộc người có dân số vài chục đến vài trăm người, quây quần thành nhóm nhỏ trong rừng, thảo nguyên, sâu phía trong núi hoặc ở các đảo. Nhiều tộc người sắp có nguy cơ tuyệt chủng như: Evenki, Tofalar, Nanai, Ulchi, Dolgan, Udege, Tazy, Uilta, Sakha…
Đến thăm bảo tàng ngoài trời Listvyanka, Trang biết thêm những câu chuyện hay về xứ sở mà cô tưởng như chỉ có một màu trắng xóa của tuyết và băng giá. Siberia khắc nghiệt trước đây là một vùng đất rộng lớn, trù phú, xanh tươi, trước khi có vụ va chạm thiên thạch với trái đất khiến loài khủng long tuyệt chủng và biến đổi khí hậu, thổ nhưỡng, địa lý toàn thế giới. Những người đầu tiên sống ở Siberia có từ 45.000 năm TCN, trong suốt thời kỳ đồ đá, đồ đồng, các tộc người sinh sống ở đây khá đông đảo và để lại rất nhiều di tích. Các hiện vật khảo cổ quý giá cho đến ngày nay vẫn được lưu trữ, nghiên cứu tại các bảo tàng trên toàn thế giới chứ không chỉ ở riêng Siberia.
Siberia rộng tới 13,1 triệu km2, chiếm 77% diện tích Nga và lớn xấp xỉ bằng Canada – quốc gia lớn thứ hai trên thế giới. Vùng đất này trải dài qua rất nhiều vùng địa lý khác nhau, từ phía đông dãy núi Ural đến Thái Bình Dương; phía bắc là Bắc Băng Dương xuống phía nam là các ngọn đồi miền bắc Kazakhstan và có biên giới với Mông Cổ và Trung Quốc. Đây cũng là nơi có mật độ dân số thấp gần như nhất thế giới với trung bình 3 người mỗi km vuông.
Theo Ảnh: Huyền Trang/Vnexpress