Khăn gói đến Burma để sống những ngày “không hối tiếc”

Tôi đã từng ngồi ở nhà và nhìn đăm đăm vào những bức ảnh của Burma (tên cũ của Myanmar) và mơ đến một ngày được đặt chân đến vùng đất này, những địa danh như Yangon, Bagan, Mandalay, Inle… Rồi một ngày, tôi quyết định khăn gói đến Burma và bắt đầu hành trình lạc vào miền cổ tích.


Khăn gói đến du lịch Myanmar để sống những ngày “không hối tiếc”

Myanmar theo nghĩa tiếng Hán là một vùng đất ngoại thành xa xôi, nhưng thực ra tên Myanmar bắt nguồn từ tên địa phương là Myanmar Naingngandaw, được sử dụng vào đầu thế kỷ 12, gốc là từ Brahmadesh trong tiếng Phạn có nghĩa là “mảnh đất của Brahma” – vị thần Hindu của mọi sinh vật.

Người dân Myanmar sùng đạo Phật, đến du lịch Myanmar du khách có thể thấy những ngôi chùa và tu viện Phật giáo ở bất cứ đâu, con số lên đến hàng vạn đền, chùa, tháp, nằm rải rác trên khắp đất nước. Đạo Phật có ảnh hưởng rất lớn trong cuộc sống của người dân, mọi sinh hoạt đều gắn liền các nghi lễ Phật giáo. Vì vậy, cũng như Campuchia, Myanmar còn được gọi là đất nước chùa tháp.


Khăn gói đến Burma để sống những ngày “không hối tiếc”

Chùa tháp tập trung nhiều nhất ở thành phố cổ Bagan, gồm khoảng hơn 4.000 đền, chùa, tháp lớn nhỏ trên diện tích khoảng 40km2. Nhiều chùa, tháp được xây dựng từ đầu kỷ nguyên Bagan (thế kỷ XI).

Yangon – Thành phố không có tiếng còi xe

Giờ Việt Nam đã có đường bay thẳng đến Yangon – cố đô của Myanmar – thành phố bình yên với hàng nghìn con chim bồ câu đậu khắp nơi từ dây điện, trên các mái nhà, mái xe, cây cối, trên vỉa hè và cả lòng đường. Điều làm tôi ấn tượng và cảm tình nhất ngay khi đến sân bay Yangon, đó là biển thông báo bảo vệ động vật hoang dã, họ xin lỗi du khách về việc không thể tìm thấy bất cứ món gì liên quan đến động vật hoang dã ở tất cả các nhà hàng lớn hay nhỏ ở Myanmar. Thật tuyệt vời!

Yangon cấm xe máy nên chỉ có ô tô và tình trạng tắc đường ở đây thì khủng khiếp không khác gì Bangkok nhưng người dân rất hiền hòa, họ kiên nhẫn xếp hàng, không bấm còi inh ỏi, không cau có trừng mắt quát tháo nhau. Có lẽ khi có niềm tin vào những điều tốt đẹp của Phật dạy, con người sẽ hiền hòa và chân thiện hơn, như cách mỗi sáng họ nhẹ nhàng mang thức ăn ra cho bầy chim bồ câu trên phố.

Yangon mặc dù chỉ được coi là điểm trung chuyển cho du khách để tới Bago, Bagan, Manday hay Inle nhưng Yangon cũng có rất nhiều địa điểm đáng để tham quan, đầu tiên là chùa Shwedagon hay còn gọi là chùa Vàng – ngôi chùa lớn, đẹp và linh thiêng nhất Myanmar. Tại đây có lưu giữ 4 báu vật thiêng liêng đối với các tín đồ Phật giáo, đó là cây gậy của Phật Câu Lưu Tôn, cái lọc nước của Phật Câu Na Hàm, một mảnh áo của Phật Ca Diếp, và 8 sợi tóc của Phật Thích Ca.

Tháp (Stupa) dát toàn bộ bằng vàng thật của chùa cao tới 98m, trên đỉnh nạm 5.448 viên kim cương và 2.317 viên hồng ngọc, trên cùng là búp kim cương gắn một viên kim cương 76 carat. Chùa nằm trên đồi Singuttara, từ đây có thể quan sát được cả thành phố Yangon.

Du lịch Myanmar, du khách còn có thể tới thăm chùa Sule, còn gọi là một bảo tháp Miến Điện nằm giữa trung tâm thành phố Yangon; Bảo tàng quốc gia Myanmar, nơi chứa rất nhiều cổ vật từ thời tiền sử; hay nhà thờ hồi giáo lớn Musmeah Yeshua Synagogue và đặc biệt ghé thăm chợ đá quý Bogyoke lớn nhất Yangon để mua đồ lưu niệm.

“Ngôi nhà” của những vị thần

Chuyến xe buýt đêm rất hiện đại, thoải mái và tiện nghi sẽ đưa bạn từ Yangon đi Bagan trong vòng 10 giờ đồng hồ, nếu không có nhu cầu ăn giữa đêm bạn chỉ cần ngủ một giấc thật sâu, 5h sáng hôm sau là đã có mặt tại Bagan – kinh thành cổ của người Miến Điện xưa với hơn 2.000 ngôi đền chùa tháp lớn nhỏ.

Nếu bạn như tôi, là một người hoài cổ, bạn thực sự sẽ lạc lối ở nơi này – trong ngôi nhà của những vị thần, bởi trong làn bụi đỏ mịt mù sau những vó ngựa, những ngôi đền tháp cổ phủ một màu thời gian sẽ hiện lên như mơ như ảo, thoáng ma mị sau những con rối truyền thống treo khắp các nẻo đường và tưởng tượng mình đang ở giữa vương triều Bagan hùng mạnh thời xa xưa của nơi này.


Đặc sản của Bagan là những ngôi chùa và đừng bỏ qua việc ngắm bình mình và hoàng hôn trên tháp cổ. Trong khoảnh khắc nhìn mặt trời từ từ nhô lên rực rỡ trên những đỉnh tháp hay đắm mình dưới những tia sáng sắp tắt cuối ngày vàng sẫm, sánh như mật ong, tôi chắc rằng, bạn cũng như tôi, sẽ đứng lặng người, bởi bạn sẽ thấy mình thật may mắn được chứng kiến những kiệt tác của thiên nhiên ở nơi đất trời giao thoa, nơi con người và các vị thần gần nhau hơn bao giờ hết.

Nếu bạn không có nhiều thời gian ở đây, hãy bắt đầu bằng việc thuê một chiếc xe đạp điện, mở Google Map và nhớ đừng bỏ qua những điểm này: Đền Ananda là một trong những ngôi đền rộng lớn nhất, biểu thị trí tuệ vô thượng vô biên của Phật. Ngôi đền được làm bằng đá, có kiến trúc theo hình thập tự, ở trung tâm là khối lập phương và trên mỗi phía là tượng Phật đứng bằng vàng khối

Đền Thatbinnyu được xây dựng vào giữa thế kỷ XII là ngôi đền cao nhất ở Bagan và có thể được nhìn thấy tại mọi điểm ở vùng này. Chùa vàng Shwezigon – ngôi chùa cổ linh thiêng nhất Bagan với 30 tấn vàng được dát lên và hàng nghìn viên đá quý được gắn trên đỉnh chóp.

Bạn hãy đi xe dọc bờ sông Ayeyarwady để ngắm nhìn hàng trăm con thuyền màu xanh xinh đẹp đậu trên mặt nước hiền hòa đỏ nặng phù sa – dòng sông nuôi nấng thị trấn cổ Bagan, để thấy sự thanh bình, yên ả. Rồi hãy ghé vào một quán ăn của người địa phương, gọi một bát mỳ Shan, loại mỳ truyền thống của người Miến Điện, hay đặc biệt hơn là bún cá Moringa, hay đặc sắc hơn nữa là món sa lát trà xanh, đăng đắng, bùi bùi, ngòn ngọt, mằn mặn đặc biệt để rồi nhớ mãi.

Món ăn của người Myanmar mộc mạc, đơn giản và gần gụi nhưng đi xa là nhớ giống y như người dân nơi đây, chân chất, thật thà và chân thành, luôn lấy nụ cười để chào đón những người khách phương xa.

Sống chậm ở Inle

Hồ Inle là một hồ nước ngọt lớn thứ 2 ở bang Shan, Myanmar, nằm ở độ cao 800m trên mực nước biển, nơi đây nhiệt độ quanh năm mát mẻ và thi trấn nhỏ Inle bên bờ hồ là một nơi bạn nên đến để có những ngày sống chậm ở nơi đây, bỏ qua hết những bận rộn, hối hả của cuộc sống thành thị. Ở Inle thời gian trôi chậm và nhẹ lắm.


Hãy thuê một chiếc xe đạp và lòng vòng quanh thị trấn nhỏ xinh đẹp này, ngắm nhìn tu viện cổ Shwe Yaunghwe Kyaung và những ô cửa hình oval huyền thoại, nghe tiếng chuông leng keng và trò chuyện với những nhà sư bé nhỏ trong tấm áo cà sa màu đỏ sẫm chân trần qua lại trên sân, ghé thăm những ngôi làng gần đó rồi vòng qua khu chợ nhỏ họp vào buổi chiều, bạn sẽ thấy cuộc sống người dân ở Inle cứ trôi chầm chậm, nhẹ nhàng và bình yên.

Ngày hôm sau bạn hãy dậy sớm, đi ra bến và thuê một chiếc thuyền, cho một ngày lênh đênh trên hồ hứa hẹn rất nhiều điều hấp dẫn đang chờ phía trước. Hồ Inle nổi tiếng với những làng nổi trên mặt nước với rất nhiều nghề truyền thống thô sơ của người dân từ xa xưa truyền lại vẫn còn tiếp nối đến ngày nay: Làng dệt vải từ tơ của sen, làng quấn xì gà, làng chạm bạc, làng người cổ dài…

Và trên hồ có hai điều đặc biệt mà bất cứ du khách nào đến đây cũng muốn tân mắt chứng kiến. Thứ nhất là cách đánh cá độc nhất vô nhị của những ngư dân nơi đây – đánh cá bằng chân, những người đàn ông mặc longyi, một chân chèo thuyền, chân kia kẹp chặt cái lồng dài hình chóp, đứng chênh vênh trên mũi thuyền và bắt cá. Thứ hai là những “vườn” cà chua sai chĩu quả nổi trên mặt nước. Người nông dân trồng cà chua chỉ bằng những rong rêu vớt lên từ đáy hồ rồi cứ bồi đắp vào các gốc cà chua, họ dùng những cây sào dài cắm sâu xuống dưới bùn để giữ cho những mảnh “vườn” này không bị trôi đi xa.

Những ngày ở Burma trôi qua nhanh chóng, trên chuyến xe buýt đêm trở lại Yangon, lòng tôi bồi hồi một cảm xúc chưa xa đã nhớ. Với tôi, Burma sao thân thương và thân thuộc bởi cho dù ở Yangon, Bagan hay Inle, tôi đều có những quãng thời gian không thể nào tuyệt vời hơn thế!