Tìm cớ đến Phục Hòa


Tìm cớ đến Phục Hòa

Tháng 5, lúa ở Phục Hòa trổ bông, qua tháng 6 là cả thung lũng ngả mầu vàng của lúa chín. Tháng 7, những ruộng ngô nếp hai bên đường cũng cho thu hoạch, cuối năm lại đến những mẻ đường phên làm từ mật mía ngọt lịm... Cứ nhẩn nha tính lịch như vậy, tháng nào cũng có lý do để lên với Phục Hòa.

Bản Buống (xã Triệu Ẩu) là điểm dừng chân đầu tiên khi tới Phục Hòa, một trong những huyện nằm trong vùng lõi của Công viên địa chất Non nước Cao Bằng vừa được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) công nhận. Giữa những dãy núi đá vôi trùng điệp, từ hai con sông Bắc Vọng và Vị Vọng từ thượng nguồn đổ về là những guồng nước đêm ngày không ngơi nghỉ. Dễ nhất là tìm tới thác Thoong Kheo quanh năm tung bọt trắng xóa rồi hòa mình vào dòng sông trong xanh. Nhưng đẹp nhất là thác Thoong Khao ở xóm Phia Chiếu. Nằm trong vùng thung lũng sâu với hai bên là rừng nguyên sinh, thác Thoong Khao có hơn 40 bậc, trong đó một thác chính cao tầm 8 m, một thác khoảng 2 m. Những người dân địa phương hay đi rừng cho biết, nếu vào sâu sẽ bắt gặp hang động có nhiều thạch nhũ, mô đá kiến tạo thành nhiều hình thù đẹp mắt.

Băng qua những thung lũng đang mùa lúa, đường tới bản Guồng chỉ thấy mầu xanh của cây lá, vàng của lúa tràn hai bên. Người trong bản là người Tày, Nùng, Mông vẫn giữ nét văn hóa truyền thống bao đời của cha ông, từ nhà sàn vách gỗ, nhuộm vải chàm may trang phục, đến ngày lễ hội thì cất lời hát then. Đi sâu vào trong bản, suối Giuồng là nơi hạ nhiệt lý tưởng mùa hè. Trong khi khách lang thang lội suối, ngắm bản thì gia chủ lại tất bật với bếp nước củi lửa nấu ăn. Những món ăn đặc trưng như bánh dày, bánh gio, bánh gai, bánh chưng, xôi cẩm, lợn quay móc mật, cá nướng ăn kèm gỏi... thường làm vào những ngày lễ, Tết giờ đã được làm hằng ngày để bà con mời du khách.

Ở Phục Hòa, mật mía, đường phên là đặc sản. Chiều về, trong lúc đợi nắng hè dịu bớt, mọi người lại quây quần cùng nhau nặn sủi dìn, món ăn gần giống bánh trôi tàu với nhiều sắc xanh đỏ tím vàng của gấc, nghệ, gạo cẩm, lá dứa… Hương vị của gạo nếp nương làm bánh, cùng với nước đường nấu bằng mật mía hòa hợp thành vị ngọt lành, béo bùi thơm ngon khiến khách phương xa cứ nhớ mãi.

Thảo Trang/Nhandan