Thu hút mọi nguồn lực phát triển Thủ đô

Nhờ nỗ lực thực hiện các giải pháp thiết lập môi trường đầu tư minh bạch, an toàn và thân thiện, hai năm trở lại đây, TP Hà Nội đón nhận làn sóng đầu tư mới, tạo nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Không chỉ thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực kinh tế, các tổ chức, doanh nghiệp còn đóng góp, hỗ trợ thành phố từng bước khắc phục những vấn đề hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn.

Với định hướng trở thành một đô thị hiện đại, từ nay đến năm 2020, TP Hà Nội cần nguồn vốn đầu tư rất lớn để xây dựng và phát triển, khoảng 2,5 triệu đến 2,6 triệu tỷ đồng. Nhu cầu về vốn lớn như vậy, trong khi ngân sách có hạn, thành phố nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm thiết lập môi trường đầu tư minh bạch, an toàn và thân thiện, để thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Trong số các giải pháp thu hút đầu tư, việc tổ chức hai hội nghị hợp tác đầu tư và phát triển vào năm 2016 và năm 2017 của TP Hà Nội đã mang lại những kết quả đáng mừng.

Tại các hội nghị, thành phố đã chủ động giới thiệu danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, các hạng mục ưu tiên cùng các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi cho nhà đầu tư, tạo làn sóng đầu tư mới. Tại hội nghị hợp tác đầu tư và phát triển năm 2016, thành phố có 23 dự án đăng ký với tổng số vốn 36.900 tỷ đồng. Tại hội nghị năm 2017, Hà Nội đã trao Quyết định, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 48 dự án với tổng vốn đầu tư 74.369 tỷ đồng, gấp hơn hai lần so với năm trước. Cho đến thời điểm này, 41 dự án đã thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng, một số dự án đã khởi công và xây dựng, hoặc đưa vào hoạt động. Bảy dự án còn lại đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Nhiều dự án lớn như: Trung tâm thương mại AeonMall Hà Ðông trị giá 192,5 triệu USD; Nhà máy Hanwha Aero Engines Việt Nam trị giá 200 triệu USD; dự án đầu tư phát triển xây dựng mạng lưới phân phối nước sạch trị giá 327 triệu USD… đã được cấp phép, đang trong quá trình triển khai, khi hoàn thành sẽ tạo thêm việc làm cho người lao động, cung ứng các dịch vụ cho người dân Thủ đô, đóng góp đáng kể cho ngân sách. Ngoài ra, thành phố còn ký nhiều Biên bản ghi nhớ với các nhà đầu tư, cho phép nghiên cứu để triển khai nhiều dự án quan trọng như dự án mạng cấp nước cho hai địa bàn Phú Xuyên, Thường Tín; dự án phát triển hạ tầng nước sạch thành phố; dự án thiết bị đường phố, hệ thống chiếu sáng đô thị tiết kiệm điện năng thông minh; dự án hợp tác đào tạo nguồn nhân lực vận hành đường sắt đô thị; dự án hạ ngầm hệ thống đường dây viễn thông; dự án Trường đại học Quản trị châu Âu...

Bên cạnh đó, thành phố cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm, hỗ trợ các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn. Tại Hội nghị năm 2016 đã có 16 nội dung thuộc chín chương trình an sinh xã hội được các nhà đầu tư cam kết hỗ trợ. Trong đó, nhiều chương trình đã được triển khai như hỗ trợ trang bị xe thu gom rác đạt tiêu chuẩn quốc tế, xe kiểm tra an toàn thực phẩm, cải tạo khu vệ sinh tại một số trường học trên địa bàn… Tại Hội nghị năm 2017 có 24 nội dung thuộc các chương trình an sinh xã hội tiếp tục được doanh nghiệp, các nhà đầu tư cam kết hỗ trợ. Trong đó, Công ty TNHH Hwata Vina cùng chín đơn vị tài trợ đã sản xuất và bàn giao 100 nghìn ghế i-nốc cho các nhà văn hóa của các huyện, xã thuộc mười tỉnh miền núi khó khăn. Tập đoàn Giáo dục Kinderworld phối hợp Tổ chức phẫu thuật nụ cười đã thực hiện hỗ trợ chi phí phẫu thuật dị tật hàm ếch cho trẻ em, riêng năm 2017 đã hỗ trợ 383 ca phẫu thuật. Công ty TNHH Cô-ca Cô-la hỗ trợ lắp đặt thiết bị uống nước sạch tại vòi cho sáu trường học ở huyện Thường Tín và huyện Phú Xuyên.

Từ thành công của hội nghị hợp tác đầu tư phát triển hai năm qua, ngày 17-6 tới đây, TP Hà Nội tiếp tục tổ chức Hội nghị hợp tác đầu tư và phát triển năm 2018 với quy mô rộng hơn, dự kiến tiếp tục thu hút được nguồn lực đầu tư lớn. Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, thành phố xác định nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước góp phần quyết định sự thành công đối với các mục tiêu, định hướng phát triển của thành phố. Vì vậy, thời gian tới, thành phố cam kết tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính, đổi mới tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực thi hành pháp luật… để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai các dự án. Tiếp tục ưu tiên và kêu gọi đầu tư qua hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài, hợp tác công - tư, xã hội hóa,… cho các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, năng lượng sạch, dịch vụ đạt chuẩn quốc tế trong các lĩnh vực: xây dựng và phát triển các khu đô thị vệ tinh; hệ thống đường giao thông, cầu qua sông; cải tạo, xây dựng các khu chung cư cũ; công viên, khu vui chơi thể dục thể thao; hạ tầng khu công nghiệp, trung tâm logistics; trung tâm thương mại, chợ đầu mối; các dự án y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc tế; các dự án kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường; khách sạn, cơ sở lưu trú phục vụ du lịch; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Thành phố mong muốn cộng đồng doanh nghiệp cùng đồng hành, hỗ trợ trong công cuộc xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố "Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", đô thị phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế; môi trường sống, làm việc tốt cho người dân và doanh nghiệp.

Nguyễn Trang/Nhandan