Hiến kế cho du lịch đường thủy

Những năm gần đây, TP Hồ Chí Minh phát triển các hình thức du lịch trên sông Sài Gòn như nhà hàng nổi về đêm, du thuyền, ca nô... nhưng việc đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng. Vì vậy, để phát triển du lịch đường thủy, ngành Du lịch thành phố đã tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, đề xuất nhiều giải pháp nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch này.

Nhờ có mật độ sông ngòi, kênh rạch dày đặc nên du lịch đường thủy đã được đầu tư phát triển tại TP Hồ Chí Minh nhiều năm qua. Khu vực nội đô có các tuyến trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Bến Nghé - Tàu Hủ cùng các tuyến dài hơn như đến các khu di tích, địa điểm du lịch sinh thái nhà vườn dọc sông Sài Gòn. Ngoài ra, thành phố còn phát triển các tuyến đến các tỉnh miền Tây như Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang. Mặc dù có nhiều điều kiện tốt để phát triển du lịch đường thủy nhưng nguồn thu, lượng khách sử dụng loại hình này vẫn hạn chế.

Theo Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh, vận tải hành khách qua các cảng bến thủy nội địa năm 2017 chỉ đạt 295.000 lượt với 16 tuyến. Từ ngày 10-2-2018, TP Hồ Chí Minh bắt đầu khai thác tuyến từ bến Bạch Đằng đi bến Tắc Suất (huyện Cần Giờ) và bến du lịch Hồ Mây (TP Vũng Tàu). Ông Tô Tấn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn cho biết, nếu khai thác du lịch đường sông đúng và đủ, hằng năm sẽ có doanh thu hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên, loại hình du lịch này còn nhiều khó khăn trong phát triển cơ sở hạ tầng, ý tưởng cho các tuyến điểm tham quan, vui chơi giải trí đường sông - đường bộ còn nghèo nàn, tình trạng ô nhiễm môi trường chưa được khắc phục.Trong kế hoạch phát triển đường thủy giai đoạn 2017-2020 của Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, đến năm 2020 phải có ít nhất 7 chương trình du lịch đường thủy được khai thác trên sông Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu và kênh rạch nội đô. Mục tiêu đặt ra là số lượng khách đường thủy trong giai đoạn 2017-2018 đạt 450.000 lượt khách và tăng khoảng 15% trong những năm tiếp theo.Trước kia, tuyến đường thủy từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh Nam Bộ vốn chỉ sử dụng để vận tải hàng hóa. Ngày nay, khi thành phố đã đầu tư hệ thống buýt sông hiện đại thì việc vận chuyển khách từ TP Hồ Chí Minh đến Cần Thơ hoàn toàn thuận lợi. Nhiều chuyên gia cũng nhất trí với đề xuất của thành phố là tăng cường phát triển du lịch đường thủy từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh Nam Bộ, đặc biệt là tuyến TP Hồ Chí Minh đi TP Cần Thơ - trung tâm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.Ông Tô Tấn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn cho hay, thành phố nên phát triển, đa dạng hóa các loại hình du lịch đường thủy; có thể khuyến khích các doanh nghiệp du lịch đường thủy kèm dịch vụ ăn uống, giải trí về đêm, ca nô du ngoạn có lưu trú, dịch vụ cho khách thuê thuyền nhỏ có kèm hướng dẫn tham quan nội đô.Theo PGS.TS Phạm Thanh Tâm - giảng viên Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh: “Để phát triển du lịch đường thủy, thành phố cần có những chính sách đầu tư ban đầu, chính sách khuyến khích thông qua ưu đãi thuế trong thời gian nhất định giúp doanh nghiệp nghiên cứu, khai thác và xây dựng sản phẩm du lịch đường thủy đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đối với doanh nghiệp du lịch cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, ban, ngành để làm phong phú các dịch vụ bến đỗ như: Đồ lưu niệm, ẩm thực, các sản phẩm văn hóa...”.Tiến sĩ Trần Văn Thận - Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố cần có chính sách cụ thể thu hút tàu du lịch nước ngoài đến khai thác tiềm năng du lịch đường thủy như: “Cho phép tàu mở khu trò chơi, cửa hàng miễn thuế để thu hút khách. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa để thu hút các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cá nhân đầu tư vào loại hình du lịch đường thủy. Đây là một giải pháp tốt vì nguồn vốn của thành phố còn hạn chế”.

Tuệ Diễm/HNM