Khi thấy nhan sắc xuống cấp hãy bổ sung ngay vitamin cho cơ thể trước khi quá muộn

Vitamin được biết đến như một hợp chất hữu cơ có lợi cho cơ thể, cả bên trong lẫn bên ngoài. Cơ thể thiếu hụt vitamin sẽ biểu hiện rõ ràng nhất trên da, tóc và móng. Cụ thể:

Khi thiếu vitamin, da bạn sẽ trở nên sần sùi, kém sức sống, nhăn nheo đi kèm với tình trạng khô ráp, bong tróc, những vết thương nhỏ khó lành và thường xuyên có những vết bầm tím khó hiểu.

Bên cạnh đó, việc móng tay không hồng hào, dễ hiện những đốm trắng trên móng, móng dễ gãy… cũng là biểu hiện rất rõ ràng cho việc cơ thể bị thiếu vitamin.

Các cụ xưa có câu: “Cái răng cái tóc là góc con người”, do đó sẽ rất nguy hiểm nếu để thiếu hụt vitamin gây ảnh hưởng đến tóc. Những dấu hiệu của việc tóc bị thiếu vitamin là: Da đầu có gàu, dù có sử dụng các sản phẩm đặc trị cũng khó khắc phục, tóc gãy rụng nhiều và sợi tóc chuyển màu bạc. Nếu không chữa trị sớm, tóc sẽ mỏng dần và để lộ những mảng da đầu như hói.

Để khắc phục những tình trạng đã nêu ở trên, các bạn cần phải bổ sung cho cơ thể những loại vitamin bị thiếu hụt qua đường ăn uống hay viên uống thực phẩm chức năng.

Thông thường, việc bổ sung vitamin qua đường ăn uống thường không đáp ứng đủ lượng vitamin mà cơ thể cần, bởi vậy việc thiếu hụt vitamin xảy ra khá phổ biến. Do đó chúng ta cần hiểu rõ hơn về các loại vitamin để có thể kịp thời bổ sung khi cơ thể cần thiết thông qua các nguồn bên ngoài.

Vitamin A

Khi thấy nhan sắc xuống cấp hãy bổ sung ngay vitamin cho cơ thể trước khi quá muộn

Đã có nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới chứng minh rằng, vitamin A có tác dụng làm mờ những đốm nâu, trị mụn trứng cá, xóa nếp nhăn và trẻ hóa da an toàn. Khi đưa vitamin A vào cơ thể, nó sẽ bắt các tế bào da chuyển hóa nhanh hơn, mang lại một làn da tươi mới mà không gây kích ứng da.

Những dấu hiệu cho thấy cơ thể bị thiếu vitamin A là: môi khô, da dày hoặc có vảy, khô kết mạc và giác mạc,...

Vitamin A được tìm thấy ở hai dạng chính:

- Vitamin A hoạt tính (còn gọi là retinol): Có nhiều trong các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật và là một loại tiền vitamin A có thể được cơ thể sử dụng trực tiếp như: thịt, trứng, bơ, sữa ….

- Beta-carotene (carotenoids provitamin): Có nhiều trong thực vật và cần được chuyển đổi thành dạng Vitamin A hoạt tính (Retinol) thì cơ thể mới hấp thụ được như: rau, củ quả màu vàng, đỏ hoặc các loại rau màu canh đậm : cà rốt, rau ngót, rau dền, gấc …

Ngoài ra bạn cũng có thể bổ sung lượng thiếu hụt thông qua việc uống vitamin A qua dạng viên uống. Tuy nhiên bạn cũng nên lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc để tránh gặp phải các loại thuốc giả ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong một số trường hợp cần phải bổ sung loại vitamin này theo những dạng tổng hợp vì cơ thể khó hấp thu. Do đó, khi sử dụng cần phải tuân thủ đúng theo những chỉ dẫn của các bác sĩ.

Vitamin B

Vitamin B là một bổ sung tuyệt vời cho làn da bạn, đặc biệt rất thích hợp với làn da khô hoặc một làn da có nhiều đốm nâu. Bổ sung vitamin B vào thực đơn ăn uống hằng ngày của mình hay bằng sản phẩm chăm sóc da thì dưỡng chất trong chúng sẽ khiến bề mặt da trở nên láng mịn, mềm mại, hạn chế mụn trứng cá và làm sạch lỗ chân lông.

Khi thiếu vitamin B cơ thể bạn sẽ biểu tình qua những dấu hiệu như: cơ thể mệt mỏi, môi nứt nẻ, móng tay giòn, tóc dễ gãy...

Cơ thể người không thể dự trữ vitamin nhóm B (trừ B12) nên việc bổ sung hằng ngày là cần thiết. Hầu hết các loại Vitamin B đều có ở trong các thức ăn hàng ngày nên bạn có thể bổ sung bằng cách ăn uống những thực phẩm như: hạnh nhân và sữa hạnh nhân, quả óc chó, quả bơ, chuối, hạt điều, măng tây, bí ngô, rau dền, đậu phộng, đỗ xanh…

Tuy nhiên khi bạn có dấu hiệu ăn không ngon, cơ thể uể oải, thường xuyên mất ngủ, buồn nôn,  hay rụng tóc, phải thường xuyên hít khói thuốc thì có thể bổ sung thêm vitamin B dưới dạng viên nén dạng thực phẩm chức năng.

Vitamin C


Một loại vitamin không thể thiếu cho làn da bạn chính là vitamin C, bởi nó có khả năng ngăn ngừa, trị tàn nhang, làm chậm quá trình lão hóa thậm chí đảo ngược các dấu hiệu lão hóa da.

Những dấu hiệu thiếu vitamin C là: Chảy máu cam, chảy máu chân răng, sưng nướu, tóc khô dễ gãy rụng, da khô và nhiều nếp nhăn,...

Vitamin C được tìm thấy nhiều trong trái cây họ cam quýt, dây tây, đu đủ, ổi, ớt chuông vàng, cải xoăn, dứa, kiwi, xoài, súp lơ… Ngoài chế độ dinh dưỡng hằng ngày, vitamin C còn được bổ sung thông qua các sản phẩm chức năng. Tuy nhiên khi sử dụng cần hết sức lưu ý những điều sau:

- Sử dụng đúng liều lượng, không uống quá nhiều để hạn chế nguy cơ bị sỏi thận

- Nên tuân thủ tư vấn và các chỉ dẫn của bác sĩ

- Người bị tăng huyết áp không nên uống vitamin C dạng sủi vì trong sản phẩm này có chứa Natri Clorid sẽ khiến huyết áp tăng vọt.

- Người đang bị sỏi tiết niệu hoặc có tiền sử mắc bệnh sỏi tiết niệu cũng không nên dùng hoặc cần tham khảo ý kiến bác sĩ nếu muốn sử dụng

- Nên uống vitamin C vào buổi sáng, sau ăn để cơ thể hấp thụ tối đa dưỡng chất, đồng thời không làm ảnh hưởng đến giấc ngủ cũng như dạ dày

- Nên uống nhiều nước trong thời gian uống vitamin C

- Vitamin C sẽ đạt hiệu quả tốt hơn khi được sử dụng kết hợp với vitamin E.

- Hạn chế ăn gan lợn khi uống vitamin C

Vitamin E

Vitamin E có khả năng cung cấp độ ẩm tự nhiên rất tốt cho làn da khô giúp da thêm mềm mại và mịn màng. Ngoài ra, nó còn có tác dụng trung hòa các gốc tự do giúp bảo vệ da trước những ảnh hưởng của tia cực tím có trong ánh nắng mặt trời.

Nhu cầu vitamin E của người lớn vào khoảng 15 mg mỗi ngày. Nếu bạn ăn uống bình thường với chế độ ăn có dầu thực vật, các loại rau xanh, việc đảm bảo đủ nhu cầu vitamin E là không mấy khó khăn. Tuy nhiên, muốn hấp thu được vitamin E thì chế độ ăn phải có đủ dầu mỡ.

Việc dùng vitamin E bổ sung chỉ nên áp dụng với những người da khô, chế độ ăn nghèo vitamin E, phụ nữ sau tuổi 30. Những người bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh gan, suy thận, ung thư, dị ứng, viêm mãn tính và bệnh tự miễn...  cần bổ sung vitamin E hàng ngày, nhưng mỗi ngày cũng không quá 400 UI (đơn vị quốc tế), mà cũng chỉ nên dùng cách nhật 1 - 2 tháng, nghỉ 1 thời gian mới lại dùng tiếp.

Vitamin K

Vitamin K có khả năng phục hồi làm căng nếp nhăn, giảm quầng thâm ngay dưới mắt trả lại cho bạn gương mặt tươi trẻ và rạng rỡ hơn.

Các triệu chứng thiếu vitamin K có thể bao gồm như: nhanh lão hóa, dễ bầm tím, xuất huyết đường tiêu hóa, chảy máu mũi, ra máu nặng trong chu kỳ kinh nguyệt, có máu trong nước tiểu…

Bạn có thể bổ sung vitamin K cho cơ thể bằng việc sử dụng viên uống vitamin K hoặc thực phẩm chứa nhiều vitamin K như: rau xanh, các loại củ, các loại rau cải…

Tuy nhiên, nếu bạn đã từng bị đột quỵ, suy tim hoặc dễ bị đông máu, thì bạn không nên uống bổ sung vitamin K mà không hỏi ý kiến bác sĩ. Nếu bạn đang sử dụng kháng sinh trên 10 ngày, bạn cần phải tăng hàm lượng vitamin K nạp vào qua chế độ ăn vì kháng sinh có thể gây ảnh hưởng đến khả năng hấp thu vitamin K của cơ thể.

Ngoài ra, nếu đang sử dụng các loại thuốc làm giảm lượng chất béo hoặc cholesterol trong cơ thể thì cũng có thể sẽ làm giảm hàm lượng các vitamin tan trong dầu mà cơ thể hấp thu, trong đó có vitamin K. Nếu đang sử dụng các loại thực phẩm bổ sung có chứa vitamin E, cũng nên thận trọng bởi vitamin E có thể gây cản trở đến hiệu quả của vitamin K trong cơ thể.