Thông tin này được một đại diện tại Bệnh viện (BV) Trưng Vương (TP.HCM) cho biết trong ngày 20/9.
Theo đó chiều 18/9, một cô gái tên T.P.T.L (20 tuổi, ngụ Bình Dương) vào BV cầu cứu khi da từ đầu mũi đến mắt nổi những mảng đỏ và có dấu hiệu hoại tử. Mắt trái bệnh nhân không còn nhìn thấy.
Theo lời kể của bệnh nhân, trước đó nữ sinh viên xem trên mạng và phát hiện một spa hoạt động tại Q.3 (TP.HCM) quảng cáo chuyên tiêm chất làm đầy (filler) nâng mũi với giá vô cùng hấp dẫn.
Nữ sinh L.
Đến cơ sở thẩm mỹ này cùng bạn, L. được nhân viên tư vấn tiêm filler chỉ 600 ngàn đồng thì sống mũi sẽ cao vút và cam kết mọi thứ an toàn.
Tuy nhiên ngay khi tiêm xong, mắt trái của L. đau nhức dữ dội và mờ dần, đồng thời vùng da từ đầu mũi đến mắt có dấu hiệu biến dạng.
Mắt trái bệnh nhân đối diện nguy cơ mù lòa.
35 phút sau khi tiêm, bệnh nhân được nhân viên của cơ sở thẩm mỹ này đưa đến cấp cứu tại BV Trưng Vương trong tình trạng một bên mắt không thấy gì. Ngoài ra, người bạn đi cùng L. vùng mũi có dấu hiệu thiếu máu.
Một BS cho biết, qua thăm khám xác định bệnh nhân L. bị tắc động mạch võng mạc trung tâm. Hai ngày qua, ekip điều trị đã tiêm thuốc giải ở vùng mắt và mũi, tiêm kháng sinh, giảm đau cho bệnh nhân, tuy nhiên tình hình chưa cải thiện.
“Dự kiến bệnh nhân sẽ được theo dõi từ một đến vài tuần, tùy theo việc đáp ứng điều trị và vạt da ở mũi của bệnh nhân có hoại tử hay không. Còn mắt không thể trở về thị lực như bình thường, thậm chí có nguy cơ mù” – BS cho biết.
Cảnh tiêm filler nâng mũi tại một cơ sở thẩm mỹ tư nhân.
Qua truy xuất nhãn mác vỏ hộp filler bệnh nhân được tiêm, các BS xác định sản phẩm xuất xứ ở Hàn Quốc nhưng không được dán tem hợp lệ và không có tiếng Việt.
Trước đó vào tháng 7/2018, chị N.T.C.D. (30 tuổi, ngụ quận 2, TP.HCM) vì muốn nâng sống mũi cao lên đã đến một cơ sở làm đẹp trên địa bàn quận 4, TP.HCM để đặt vấn đề. Tại đây, nhân viên thẩm mỹ tiêm filler (loại hyaluronic acid) cho người phụ nữ.
Chị D. lãnh hậu quả sau khi tiêm filler tại cơ sở không có giấy phép hành nghề.
Tuy nhiên chỉ ít phút sau khi tiêm, mi mắt trái chị sụp xuống, da vùng mũi và trán thâm đen và ngày càng lan rộng. Mắt trái nạn nhân dần yếu và mờ hẳn sau khi về nhà.
Nạn nhân sau đó đi thăm khám tại hai BV khác nhưng tình trạng ngày một nặng hơn. Sau cùng, chị quyết định đến BV Trưng Vương cầu cứu.
Bệnh nhân được xử trí theo phác đồ điều trị tắc mạch do biến chứng bơm chất làm đầy và theo dõi sát diễn biến tại khoa Cấp cứu. Tuy nhiên, qua 3 ngày điều trị tích cực nhưng bệnh nhân đáp ứng rất kém, mắt trái mù lòa vĩnh viễn.
Mắt trái bệnh nhân mù vĩnh viễn.
“Chất làm đầy được sử dụng trong dịch vụ thẩm mỹ ngày càng nhiều và nhanh chóng chiếm ưu thế so với các phương pháp làm đẹp khác nhờ một số đặc tính vượt trội: Chủ động trên vùng cần thẩm mỹ, kỹ thuật khá đơn giản, nhanh chóng, ít đau, hiệu quả tức thì và kéo dài, đặc biệt người cần làm đẹp không phải trải qua phẫu thuật.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, chất làm đầy cũng chứa đựng nhiều nguy cơ, rủi ro, tai biến và để lại nhiều hậu quả nặng nề về thẩm mỹ trên khuôn mặt, tổn thương tàn phế vĩnh viễn một số chức năng cơ thể và có thể gây tử vong nếu như người thực hiện không tuân thủ nguyên tắc chuyên môn hoặc chưa qua đào tạo kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành” – Một BS chuyên khoa Mắt cảnh báo.