8 dự án giao thông Hà Nội tạo lực đẩy cho bất động sản

Những dự án giao thông Hà Nội với kinh phí đầu tư lên đến hàng tỉ đô la Mỹ, đã và đang tạo lực đẩy cho thị trường bất động sản.
8 dự án giao thông Hà Nội tạo lực đẩy cho bất động sản
8 dự án giao thông Hà Nội tạo lực đẩy cho bất động sản


Dự án giao thông Hà Nội tạo lực đẩy cho thị trường bất động sản

Theo kế hoạch phát triển giao thông, hạ tầng đô thị Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng 51 công trình trọng điểm với tổng kinh phí hơn 12 tỉ USD, dự kiến hoàn thành trước năm 2021. Trong số đó, nhiều dự án giao thông Hà Nội đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, khiến cho bất động sản quanh khu vực có hạ tầng mới không ngừng tăng giá.

Giám đốc của một công ty nghiên cứu thị trường cho biết, quy luật dễ nhận thấy là khu vực nào có hạ tầng mới thì sẽ ít nhiều có thay đổi. Bởi ngay từ khi có thông tin quy hoạch, giá bất động sản nơi có dự án giao thông Hà Nội đi qua đều rục rịch tăng giá.

Dưới đây là những dự án giao thông Hà Nội đang nhận được nhiều sự quan tâm từ giới đầu tư bất động sản:


Dự án đại lộ Thăng Long hay đường cao tốc Láng – Hòa Lạc là tuyến cao tốc nối khu trung tâm Hà Nội với quốc lộ 21A cũ, dự án giao thông Hà Nội này là điểm đầu của đường Hồ Chí Minh, nằm gọn trong địa giới thành phố Hà Nội. Tuyến đường này có chiều dài 30km, chiều rộng trung bình 140m, bao gồm 2 dải đường cao tốc, mỗi dải 3 làn xe, 2 dải đường đô thị, mỗi dải 2 làn xe, với tổng mức đầu tư 7.500 tỉ đồng. Toàn tuyến có 2 đường hầm, 13 cầu vượt ngang đường.


Được mệnh danh là tuyến đường cao tốc đô thị dài và hiện đại nhất Việt Nam, đại lộ Thăng Long có vai trò quan trọng trong việc kết nối và mở rộng vùng kinh tế của thủ đô, được coi là dự án dẫn đường cho sự phát triển của các dự án bất động sản phía Tây Hà Nội.


Dự án Metro Cát Linh – Hà Đông có tổng chiều dài hơn 13km, với 12 ga. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 868 triệu USD, trong đó vốn vay Trung Quốc khoảng 669 triệu USD, vốn đối ứng của Việt Nam khoảng 198 triệu USD. Dự án có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn có 4 toa, với sức chữa mỗi đoàn tàu khoảng 900 người (tương đương sức chứa 12 xe buýt lớn). Ngày 9-8 vừa qua, tàu Cát Linh – Hà Đông đã chạy thử toàn tuyến.


Theo nhận định của giới chuyên gia, thời điểm dự án này bắt đầu đưa vào triển khai, bất động sản gần đó có dấu hiệu tăng giá.


Một dự án giao thông Hà Nội khác cũng đang xây dựng là tuyến Metro Nhổn – ga Hà Nội. Dự án được khởi công từ tháng 9-2010. Sau hai lần thay đổi, đến nay tổng mức đầu tư đã lên tới 36.000 tỉ đồng.


Là một trong những dự án hạ tầng trọng điểm của Hà Nội, dự án này cùng với quốc lộ 32 sẽ là trục đô thị sầm uất với nhiều dự án bất động sản.


Dự án đường Vành đai 3 nối cầu Thanh Trì đến cầu Thăng Long có tổng chiều dài 65km, đi qua các quận, huyện Đông Anh, Thanh Trì, Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam – Bắc Từ Liêm. Với mức đầu tư hàng chục nghìn tỉ đồng, đây là dự án hạ tầng có vai trò kết nối, đánh thức hoạt động kinh doanh bất động sản tại nhiều khu vực trên địa bàn thành phố Hà Nội.


Đường Lê Văn Lương kéo dài (đường Tố Hữu) có độ dài khoảng 7 km vắt qua 3 quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm và Hà Đông. Sự hình thành trục đường này là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản khu vực phía Tây Hà Nội nói chung, dọc trục đường này nói riêng.


Tính đến thời điểm đầu năm 2017, dọc trục đường Lê Văn Lương có 30 tòa chung cư và 25 dự án đang triển khai (trung bình mỗi dự án có từ 2-3 tòa).


Cầu Vĩnh Tuy bắc qua sông Hồng, phía đầu cầu bên trung tâm Hà Nội nằm ở địa phận phường Vĩnh Tuy, TP Hà Nội, nối quận Hai Bà Trưng và quận Long Biên.


Với tổng chiều dài gần 5 km, phần cầu qua sông dài 3.690m, dự án là bộ mặt mới của hạ tầng khu Nam Hà Nội…


Một trong những điểm sáng của thị trường bất động sản Hà Nội không thể không nhắc đến là trục đường Nhật Tân – Nội Bài mà điểm nhấn là cầu Nhật Tân, đại lộ Võ Nguyên Giáp, đường Võ Chí Công.


Cầu Nhật Tân nằm trong tổng số 7 cây cầu bắc qua sông Hồng, nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh (Hà Nội) có tổng mức đầu tư hơn 13.600 tỉ đồng, gồm vốn vay từ cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản – JICA và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự án giao thông Hà Nội này được khởi công xây dựng năm 2009 và chính thức thông xe năm 2015.


Cùng với cầu Nhật Tân, đường nối từ sân bay quốc tế Nội Bài đến cầu Nhật Tân và kết nối với trung tâm thủ đô Hà Nội mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành một trong số ít công trình giao thông độc đáo của Hà Nội, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự phát triển bất động sản phía Bắc thủ đô.

MuaBanNhaDat theo TBKD