Luật bán nhà đất và các câu hỏi thường gặp

Để tránh gặp phải những rắc rối không đáng có khi bán nhà thì việc hiểu rõ luật bán nhà đất cũng như các thủ tục, trách nhiệm cần thực hiện trong quá trình mua bán nhà đất là điều vô cùng quan trọng.
Luật bán nhà đất và các câu hỏi thường gặp
Luật bán nhà đất và các câu hỏi thường gặp


1.Thủ tục chuyển nhượng nhà đất gồm những gì?

Việc mua bán nhà, đất phải được lập thành hợp đồng có công chứng hoặc chứng thực của UBND. Sau khi lập xong hợp đồng mua bán nhà, hai bên phải làm thủ tục sang tên trước bạ.

Bộ hồ sơ chuyển quyền sở hữu nhà gắn liền với quyền sử dụng đất gồm:

Đơn đề nghị chuyển quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất;Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở;Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở;Hộ khẩu thường trú của người mua;Trích lục thửa đất;Hợp đồng chuyển quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất có công chứng hoặc chứng thực;

2. Các loại thuế cần nộp khi bán nhà đất là gì?

Khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, chủ sở hữu phải nộp các loại thuế và phí sau: Lệ phí trước bạ

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 45/2011/NĐ-CP về lệ phí trước bạ, nhà, đất là một trong các đối tượng chịu lệ phí trước bạ.

Lệ phí trước bạ = 0,5% x Giá tính lệ phí trước bạ (giá do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành).

Thuế thu nhập cá nhân

Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi, bổ sung năm 2012, thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cũng là một trong các loại thu nhập chịu thuế.

Có hai cách xác định thuế thu nhập cá nhân mà người chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải nộp như sau:

Cách 1: Thuế thu nhập cá nhân = 25% giá trị lợi nhuận (giá bán – giá mua)

Giá bán: Giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng

Giá mua: Giá mua được xác định căn cứ giá ghi trên hợp đồng mua bán. Đối với nhà ở không có nguồn gốc từ nhận chuyển nhượng, mua lại thì căn cứ hồ sơ thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước tại thời điểm được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng nhà ở

Cách 2: Áp dụng trong trường hợp không xác định được giá mua (là trường hợp không xác định được giá thực tế hoặc giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hợp giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng thì giá chuyển nhượng được xác định căn cứ Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.)

Thuế thu nhập cá nhân = 2% Giá chuyển nhượng

Ngoài ra, khi chuyển nhượng căn nhà, bạn còn có thể phải chịu các khoản khác như: phí công chứng hợp đồng mua bán, phí đo vẽ, lệ phí địa chính… Cần lưu ý, theo quy định Luật thuế thu nhập cá nhân, bên chuyển nhượng có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên khi ký hợp đồng chuyển nhượng, các bên có thể tự thỏa thuận để quyết định bên nào có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân cũng như các khoản như lệ phí khác theo quy định.


3.Việc đặt cọc và phạt khi vi phạm hợp đồng đặt cọc bán nhà đất cụ thể ra sao?

Đặt cọc mua nhà là quan hệ dân sự do các bên thoả thuận, do đó đầu tiên bạn phải căn cứ vào các thoả thuận trong hợp đồng đặt cọc. Nếu trong hợp đồng không có quy định thì sẽ áp dụng quy định trong Bộ Luật dân sự năm 2005 để giải quyết.

Khoản 1 Điều 302 Bộ luật Dân sự năm 2005: Bên có nghĩa vụ mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền. Trong trường hợp này bạn đã vi phạm thoả thuận giao kết hợp đồng hợp đồng dân sự, do đó phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ dân sự khi vi phạm.

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 358 cũng quy định, trong trường hợp hợp đồng dân sự không được giao kết, thực hiện thì tùy từng trường hợp cụ thể, tài sản đặt cọc được giải quyết như sau:

- Nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc;

- Nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

MuaBanNhaDat theo TBKD