Chính phủ khuyến khích tái cơ cấu ngân hàng bằng M&A

Chính phủ khuyến khích sáp nhập các ngân hàng nhỏ, cổ phần hóa và thoái vốn ngân hàng thương mại nhà nước, và cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào tiến trình tái cơ cấu ngân hàng yếu kém.

Chính phủ khuyến khích tái cơ cấu ngân hàng bằng M&A

Nhiều nhà đầu tư, tổ chức tài chính trong và ngoài nước đang quan tâm tới tiến trình tái cơ cấu ngân hàng của Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết trong bài phát biểu tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2018 hôm 8.8. Ảnh: Diễn đàn M&A Việt Nam

Chính phủ đang tập trung đẩy mạnh xử lý, tái cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết tại Diễn đàn M&A Việt Nam năm 2018 diễn ra chiều ngày 8.8.

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tổ chức tín dụng là hai trong năm trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam. Chính phủ đã ban hành danh mục các doanh nghiệp Nhà nước phải thoái vốn, cổ phần hoá từ nay tới năm 2020 và tập trung xử lý các ngân hàng yếu kém.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam là Agribank có lộ trình IPO vào năm 2019, trong khi Nhà nước có chủ trương bán bớt vốn tại BIDV và Vietcombank cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước thông qua phát hành.

"Hiện chúng tôi đã có những thương thảo với các ngân hàng và đối tác quan tâm đến thương vụ này", ông Huệ nói trong bài phát biểu tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2018.

Chính phủ cũng sẽ bán và chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém đã mua lại hay các tổ chức tín dụng đang trong kiểm soát đặc biệt, tái cơ cấu một số ngân hàng yếu kém trong diện kiểm soát đặc biệt.

Sắp tới Chính phủ sẽ hạn chế việc cấp phép cho ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, nhưng cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mua và sở hữu ngân hàng yếu kém trong diện tái cơ cấu thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài.

Với các ngân hàng thương mại cổ phần, Chính phủ khuyến khích mua bán sáp nhập (M&A) các ngân hàng nhỏ vào các ngân hàng lớn.

Hai văn kiện quan trọng được thông qua trong năm ngoái là nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu và luật sửa đổi bổ sung về tín dụng, là nền tảng pháp lý quan trọng cho tái cơ cấu ngân hàng và trong việc thực hiện các thương vụ M&A.

Hệ thống ngân hàng vẫn còn yếu về cấu trúc của Việt Nam đang gây áp lực lên mức độ tín nhiệm quốc gia, tín dụng tăng trưởng nhanh có thể là rủi ro cho việc ổn định tài chính trong trung hạn, theo nhận xét của hãng xếp hạng quốc tế Fitch trong thông báo đưa ra hổi tháng 5.2018.

Việt Nam hiện đang đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa và bán vốn Nhà nước, không chỉ trong lĩnh vực ngân hàng. Lần đầu tiên Chính phủ công bố công khai danh mục doanh nghiệp phải thoái vốn lần đầu và danh mục doanh nghiệp thoái bớt vốn nhà nước cho đến năm 2020 trong hai văn bản công bố giữa năm 2017.

Dự kiến đến năm 2020, có 127 doanh nghiệp nhà nước phải tiến hành cổ phần hóa với tỉ lệ nắm giữ của Nhà nước lớn nhất là 65%.

So với các đợt cổ phần hóa trước đây, số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa lần đầu tuy ít nhưng số vốn cổ phần hóa thì nhiều, ông Vương Đình Huệ cho biết. Nhiều doanh nghiệp sẽ tiến hành cổ phần hóa là các danh nghiệp lớn như Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam, VNPT, Vinaphone, Mobifone, các tổng công ty phát điện Genco 1, 2, 3.

Hồi đầu năm nay, nhiều thương vụ cổ phần hóa đã tiến hành thành công. Đợt IPO của công ty lọc hóa dầu Bình Sơn, PV Oil, PV Power thu về hàng ngàn tỉ đồng mỗi thương vụ. Sau IPO, các doanh nghiệp này đang đàm phán tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược.

Có 398 doanh nghiệp phải tiến hành thoái vốn Nhà nước cho đến năm 2020. Năm 2017-2018 là giai đoạn tập trung nhiều thương vụ thoái vốn nhất, lần lượt là 135 và 181 thương vụ.

Riêng trong năm 2017, số vốn Nhà nước bán từ các doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa cao gấp 6,4 lần so với năm 2016. Trong giai đoạn 2016-2017, tổng vốn thu được từ cổ phần hóa và bán vốn nhà nước nộp vào ngân sách nhà nước khoảng 200.000 tỉ đồng, gấp 2,5 lần so với tổng số tiền thu được trong giai đoạn 2011-2015.

Các thương vụ M&A tại thị trường Việt Nam trong năm 2017 đạt giá trị kỷ lục 10,2 tỉ đô la Mỹ. Trong sáu tháng đầu năm nay, giá trị M&A đạt 3,55 tỉ đô la Mỹ, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái.