Tổ chức xếp hạng quốc tế Moody's nâng xếp hạng của 14 ngân hàng Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam cũng được tổ chức này đánh giá có triển vọng ổn định.
Trong thông báo phát hành hôm 14.8, Moody's nâng xếp hạng về tiền gửi và phát hành trong nước và ngoại tệ dài hạn của ba ngân hàng thương mại nhà nước là Vietcombank, BIDV và VietinBank.
Riêng VietinBank và BIDV, tổ chức này nâng xếp hạng rủi ro đối tác (CRR) và đánh giá rủi ro đối tác (CRA) về dài hạn.
Phía các ngân hàng thương mại cổ phần, ba ngân hàng ACB, MBBank và Techcombank được Moody's nâng xếp hạng tiền gửi ngoại tệ dài hạn, đồng thời giữ nguyên các chỉ số xếp hạng khác.
Hãng xếp hạng này cũng nâng mức độ tín nhiệm tiền gửi và phát hành trong nước và ngoại tệ dài hạn của năm ngân hàng ABBank, LienVietPostBank, TPBank, VIB, VPBank và nâng CRR và CRA về dài hạn của SHB, HDBank, OCB.
Moody's cũng thay đổi mức triển vọng xếp hạng tiền gửi nội tệ và phát hành ngoại tệ từ tích cực thành ổn định đối với tám ngân hàng, bao gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, ABBank, LienVietPostBank, TPBank, VIB và VPBank.
Moody's nâng xếp hạng các ngân hàng trong bối cảnh tổ chức này nâng xếp hạng Việt Nam từ B1 lên Ba3 và đánh giá nền kinh tế trong nước có triển vọng ổn định.
Việc nâng hạng dựa trên tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi khả năng sử dụng lao động và vốn ngày càng hiệu quả trong nền kinh tế Việt Nam. Điều này cũng cho thấy sức khỏe ngành ngân hàng của Việt Nam đã có sự cải thiện, dù vẫn còn yếu, Moody's nhận định trong thông báo hôm 10.8.
Các tổ chức xếp hạng như Moody's hay Fitch coi sức khỏe hệ thống ngân hàng là nguồn rủi ro chính của nền kinh tế và tác động lên độ tín nhiệm quốc gia.
Chính phủ đang nỗ lực tiến hành tái cơ cấu ngành ngân hàng - một trong năm trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế, bằng cách cổ phần hóa hoặc thoái vốn các ngân hàng thương mại nhà nước và khuyến khích sáp nhập ngân hàng, cho phép nước ngoài tham gia mua lại ngân hàng yếu kém trong diện tái cơ cấu.
Đầu tháng 8.2018, Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng bằng việc tập trung xử lý nợ xấu và giảm số lượng tổ chức tín dụng yếu kém trong giai đoạn 2018-2020.
Chính phủ đặt mục tiêu đến cuối năm 2020 sẽ có ít nhất 12-15 ngân hàng thương mại áp dụng thành công chuẩn mực Basel II, đồng thời đưa cổ phiếu của tất cả các ngân hàng thương mại cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tăng trưởng tín dụng nhanh chóng trong một hệ thống ngân hàng yếu ớt trong quá khứ đã dẫn đến mất ổn định tài chính vĩ mô. Hệ thống ngân hàng cải thiện được thể hiện trong việc nâng đánh giá tín dụng cơ bản trung bình của các ngân hàng Việt Nam, phản ánh những cải thiện về chất lượng tài sản, ổn định vốn hóa và lợi nhuận của nhiều ngân hàng, Moody's cho biết.
Tăng trưởng tín dụng của cả nước trong nửa đầu năm 2018 chậm hơn so với cùng kỳ, đạt khoảng 6,5% so với 8,7% cùng kỳ năm ngoái, theo Ủy ban giám sát tài chính quốc gia.
Các khoản nợ xấu đã giảm còn chiếm 5,9% tổng dư nợ vào cuối năm 2017 đối với các ngân hàng được Moody's xếp hạng, từ mức 7,3% một năm trước.