Ngày 6.8.2018, tờ The Wall Street Journal (WSJ) của Mỹ đưa tin, Facebook muốn hợp tác với các ngân hàng lớn của Mỹ để có được thông tin tài chính của khách hàng. Trong một email trả lời Forbes Việt Nam, Facebook phủ nhận thông tin trên của WSJ.
Bài báo của WSJ có tiêu đề: “Facebook to Banks: Give Us Your Data, We’ll Give You Our Users” (Facebook nói với các ngân hàng: hãy cho chúng tôi dữ liệu, chúng tôi sẽ chia sẻ người dùng).
JPMorgan Chase, Wells Fargo, CitiGroup và U.S. Bancorp là các ngân hàng lớn mà Facebook muốn hợp tác để trao đổi dữ liệu, WSJ viết dựa trên các nguồn tin riêng. Tờ báo này cho rằng, Facebook đã nói chuyện với các ngân hàng này về một khả năng có thể giúp người dùng của họ kiểm tra số dư tài khoản và cảnh báo gian lận.
Trong email trả lời Forbes Việt Nam, đại diện Facebook cho biết, thông tin WSJ cho rằng Facebook đã yêu cầu hợp tác với các tổ chức tài chính để trao đổi dữ liệu là không đúng.
“Giống với rất nhiều công ty trực tuyến khác có kinh doanh thương mại, chúng tôi là đối tác của các ngân hàng và các tổ chức cung cấp thẻ tín dụng để cung cấp các dịch vụ như quản lý tài khoản hoặc trò chuyện khách hàng. Ý tưởng về việc làm việc với ngân hàng cần có thời gian thêm và đó hoàn toàn chỉ là một lựa chọn. Chúng tôi không sử dụng thông tin vượt ngoài khả năng cho phép hay sử dụng để làm quảng cáo hoặc bất kì vấn đề nào khác,” người phát ngôn của Facebook đưa ra giải thích.
Thông tin mà WSJ đăng tải nối tiếp bê bối về dữ liệu mà Facebook vướng phải gần đây, đăc biệt về việc trang mạng xã hội này đã thu thập thông tin và công khai dữ liệu cho các tổ chức chính trị như Cambridge Analytica khi chưa được sự đồng ý của người dùng.
WSJ là một trong những trang tờ báo có lượng truy cập hàng đầu tại Mỹ, theo xếp hạng của tổ chức Alliance for Audited Media. Tờ báo này cho biết, không chỉ Facebook mà cả Aphabet, công ty mẹ của Google và trang thương mại điện tử Amazon.com cũng từng muốn hợp tác với các ngân hàng để trao đổi dữ liệu khách hàng.
Vấn đề về bảo mật hàng tỉ dữ liệu người dùng mà các công ty nền tảng công nghệ sở hữu như Facebook đang là đề tài thu hút sự chú ý toàn cầu sau những bê bối về thông tin dữ liệu khách hàng được tự ý thỏa thuận và trao đổi giữa các tổ chức lớn trên thế giới nhằm vào những mục đích khác nhau.
Trước lo ngại về vấn đề về bảo vệ dữ liệu người dung, gần đây, Liên minh châu Âu đã ban hành Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR), thiết lập các quy tắc bảo vệ dữ liệu thống nhất cho toàn châu Âu, nhằm tăng cường bảo mật và lưu giữ thông tin cá nhân. Luật mới của EU đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 25.05 vừa qua.