Một công ty thương mại toàn cầu đã chuẩn bị như thế nào cho chiến tranh thương mại?

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang, Spencer Fung, CEO của Li & Fung, vẫn điềm tĩnh nói: "Những gì đang xảy ra chính là điều chúng tôi đã từng trải ít nhất 40 năm qua. Trung Quốc chỉ có thể gây chú ý với truyền thông Mỹ. Chúng tôi định hình chiến lược chung trên giả thiết tất cả các xáo trộn địa chính trị vẫn tiếp diễn."

Một công ty thương mại toàn cầu đã chuẩn bị như thế nào cho chiến tranh thương mại?

Spencer Fung, giám đốc điều hành của Li & Fung. (Ảnh: S3studio/Getty Images)

Tổng thống Donald Trump đã "khai hỏa" cho cuộc chiến thương mại và đánh thuế lên 34 tỉ đô la Mỹ hàng hóa Trung Quốc. Nhưng Spencer Fung, CEO tập đoàn kiêm giám đốc điều hành của Li & Fung, một trong những công ty thương mại lớn nhất thế giới với khoảng hai phần ba doanh thu đến từ nhiều quốc gia, lại bình tĩnh một cách bất thường.

Chuông điện thoại tại Li & Fung reo lên liên hồi. Các khách hàng liên tục gọi điện đến trong nhiều tháng qua. Doanh nghiệp logistics lâu đời của Hong Kong này được thành lập năm 1906 bởi ông cố của Spencer, Fung Pak-liu, sau đó được kế thừa bởi người cha Victor và người cậu William của ông.

Spencer Fung cho hay: “Những gì đang diễn ra chính là điều chúng tôi đã từng trải qua trong vòng ít nhất 40 năm qua.” Công ty gia đình này tạo dựng tên tuổi bằng cách kết nối các nhà bán lẻ phương Tây với các cơ sở sản xuất chi phí thấp ở châu Á. Danh sách dài các khách hàng toàn cầu của Li & Fung bao gồm “đại gia bán lẻ” Walmart, cửa hàng bách hóa Kohl's, và gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon.

Là thế hệ thứ tư trong gia tộc và CEO thứ 9 của công ty, Spencer không còn xa lạ gì với các xáo trộn địa chính trị. Tại thị trường kinh doanh của Li & Fung, bao gồm Trung Quốc, Đông Nam Á, Ấn Độ và châu Phi, các nhà cung cấp địa phương đã từng trải tất cả, từ chế độ độc tài, bất ổn trong bầu cử cho đến các cuộc tập trận quân sự. "Trung Quốc chỉ có thể gây chú ý với truyền thông Mỹ", ông Fung thẳng thắn. "Thực ra chúng tôi định hình chiến lược chung trên giả thiết tất cả các xáo trộn kể trên tiếp diễn".

Li & Fung tạo dựng tên tuổi bằng cách kết nối các nhà bán lẻ phương Tây với các cơ sở sản xuất chi phí thấp ở châu Á (Ảnh: Li & Fung)

Chiến lược của công ty, theo mô tả của ông Fung là "tìm vị trí tốt nhất để giảm thiểu ảnh hưởng của bất kỳ tranh chấp thương mại nào", được xây dựng dựa trên quy mô và phạm vi tiếp cận. Qua nhiều thập kỷ, công ty đã thiết lập quan hệ sản xuất tại 60 quốc gia khác nhau. Mô hình có thiết kế linh hoạt, cho phép quy trình sản xuất chuyển từ nhà máy này sang nhà máy khác. Điều này giúp hoạt động công ty không còn bị giới hạn bởi lãnh thổ địa lý. Tìm nguồn cung, tức đưa ra 4-5 nhà máy cho người mua chọn lựa, luôn là điểm sáng trong số các thông lệ tốt nhất của quản lý chuỗi cung ứng. Nhưng điều này chỉ vừa tỏa sáng những tháng gần đây, khi việc cung cấp được chính thức hóa và trở thành một lợi thế cạnh tranh.

Tuy chuỗi cung ứng chưa chịu ảnh hưởng của thuế mới ngay lập tức, các thương hiệu bán lẻ rất cần hoạt động thật nhanh nhẹn. Trước khi chiến tranh thương mại bùng nổ, việc gấp rút nhất là đáp ứng tính cấp bách của thời gian quay vòng nhanh và bắt kịp các đối thủ trên đường đua cạnh tranh gay gắt. Đây là điều mà Li & Fung đang cố gắng làm thông qua kế hoạch ba năm của công ty. Các quy định số hóa được hình thành từ lần tái cấu trúc năm 2015, nhằm đơn giản hóa và hợp lý hóa kinh doanh. Quá trình từ thiết kế đến lưu trữ mất trung bình khoảng 40 tuần. Cách tiếp cận thúc đẩy tốc độ như trên giúp tiết kiệm 20% thời gian. Tuy vậy, mục đích của công ty là rút ngắn thời gian hơn nữa bằng cách tập trung vào yếu tố tốn thời gian nhất trong thiết kế và phát triển, sử dụng diễn hoạ phối cảnh 3D (3D renderings) để tạo mẫu nhanh hơn.

Xây dựng chuỗi cung ứng tương lai (Ảnh: Li & Fung)

Sự cộng tác với Betabrand của San Francisco, một nền tảng bán lẻ huy động vốn cộng đồng, là minh chứng cho tốc độ nhanh chóng Fung & Li đang hướng tới. Betabrand cho ra mắt quần áo mới hàng tuần và cả quá trình, từ hợp tác thiết kế đến ra mắt sản phẩm hoàn chỉnh, mất chỉ năm ngày.

“Chuỗi cung ứng của tương lai”, theo như cách gọi của ông Fung, hướng tới mục tiêu cao cả chuyển 100 tỉ đô la Mỹ khối lượng hàng hóa từ kỹ thuật tương tự (analog) sang kỹ thuật số (digital). Chiến lược này đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có sự phản đối của các khách hàng lâu năm ưa thích đường lối truyền thống.

Bàn về lối tư duy của nhân viên nội bộ, ông Fung cho hay: "Chúng tôi nghĩ mình đã thay đổi cách thức tư duy của 22.000 người". Nhưng ông nhanh chóng nhận ra nhiệm vụ thích nghi với công nghệ đột phá quan trọng hơn nhiều. Nói về việc Li & Fung kiểm soát 5% thị phần may mặc toàn cầu trong quá trình phát triển, ông Fung chia sẻ: "Tôi không cố thay đổi cả thế giới, chỉ đang gắng thay đổi thế giới của chúng tôi.". Theo báo cáo thường niên mới nhất, hệ sinh thái công ty đạt được doanh thu bán lẻ 2 nghìn tỉ đô la Mỹ thông qua các khách hàng sử dụng dịch vụ mỗi năm.

Các nhà phân tích ngành cũng nhìn thấy những nhân tố vĩ mô hơn. Mariana Kou của tập đoàn tư vấn CLSA, người đứng đầu ngành giáo dục Trung Quốc và nghiên cứu tiêu dùng tại Hong Kong, cho biết công ty đang đi đúng hướng, nhưng cần xem xét rất nhiều biến số. "Công ty có mạng lưới nhà cung cấp toàn cầu rất rộng, nhưng cách thức xây dựng hợp đồng với nhà cung cấp là một câu hỏi", bà nhận định. " Các hãng và nhà bán lẻ có thể dịch chuyển bao nhiêu thuế sang người tiêu dùng. Nếu xảy ra, điều này sẽ ảnh hưởng đến lượng cầu như thế nào." Ngoài Trung Quốc, Li & Fung còn có các các quốc gia cung ứng hàng đầu gồm Việt Nam, Bangladesh, Ấn Độ và Indonesia. Những lựa chọn này góp phần làm phức tạp vấn đề và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch chuyển đổi.

Hình sản phẩm mẫu (Ảnh: Li & Fung)

Giám đốc điều hành Spencer Fung, người đã tham gia công việc kinh doanh gia đình dưới nhiều vai trò khác nhau trong 17 năm qua, nhận thấy quá trình số hoá vẫn còn trong giai đoạn trứng nước. Ngoài tốc độ, một trọng tâm khác là tận dụng dữ liệu lớn (big data). Với sự giúp đỡ của một nhóm nhỏ nhưng dày dặn kinh nghiệm tại Silicon Valley và Hồng Kông, công ty xây dựng một công cụ xác định xu hướng độc quyền quét các website khách hàng, mạng xã hội và các cổng thương mại điện tử, thu thập xu hướng hiện tại nhằm dự đoán xu hướng tương lai của giới thời trang. Thông tin chi tiết của thiết kế theo định hướng phân tích cũng giám sát các thay đổi giá cả và triển vọng cạnh tranh để giúp đưa ra quyết định dễ dàng hơn.

Dù đã chuẩn bị chu đáo để trung hòa cú sốc từ các tranh chấp thương mại, cũng như các doanh nghiệp khác, gã khổng lồ logistics lão luyện Li & Fung vẫn ưa thích sự chắc chắn hơn. "Chúng tôi chính thức ủng hộ WTO." Trên thực tế, người cha chủ tịch Victor Fung của ông đã và đang tích cực hoạt động cùng WTO và tham gia các đàm phán thương mại.

Trong khi đó, cổ phiếu Li & Fung vẫn đang chịu áp lực giao dịch ở mức thấp kỷ lục sau khi bị rơi ra khỏi danh sách chỉ số Hang Seng Index năm ngoái. Doanh thu và lợi nhuận suy giảm 3 năm. Từ năm 2014, ban lãnh đạo đã tách khỏi Global Brands Group Holding Limited bằng khoản thoái vốn 3,3 tỉ đô la Mỹ. Theo chân giao dịch này việc bán tháo nhánh phân phối trang thiết bị y tế ở châu Á và tình trạng chật vật trong lĩnh vực đồ nội thất, làm đẹp và áo len trong vài năm qua. Nhưng Credit Suisse vẫn duy trì đánh giá kém cho cổ phiếu bởi tâm lý nhà đầu tư bất ổn hơn trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang

Li & Fung

Trong khi nỗ lực thoát khỏi vai trò đại lý truyền thống để trở thành nhà cung cấp giải pháp, ban điều hành chia sẻ họ không trông đợi phục hồi ngắn hạn từng quý. Họ ưu tiên giữ chân các khách hàng lớn mới bằng các dịch vụ thiết kế 3D, và dự kiến sẽ tái cơ cấu ngành bán buôn trong nước và cung cấp giải pháp chuỗi cung ứng vào tháng 8 tới. Fung so sánh tình huống khó khăn của mình như một nghiên cứu tình huống tại đại học Havard về việc điều chỉnh của doanh nghiệp trước một bước ngoặt.

"Chúng tôi đang cố gắng thực hiện một điều khá thú vị, khó khăn và nó có thể thay đổi toàn bộ cuộc chơi", ông nói.