Căng thẳng thương mại leo thang giữa Washington và Bắc Kinh phủ bóng lên đầu tư xuyên biên giới. Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đang giảm đáng kể số tiền đầu tư vào các công ty có trụ sở tại Mỹ.
Jack Ma, người sáng lập và chủ tịch điều hành của tập đoàn Alibaba, chia sẻ kinh nghiệm và tầm nhìn về tinh thần kinh doanh trong một cuộc nói chuyện tại Đại học Waseda ngày 25.04.2018 tại Tokyo (Nhật Bản) - Ảnh của Jun Sato/Getty Images
Theo Dealogic, tính từ đầu năm tới nay, các nhà đầu tư Trung Quốc chỉ cam kết đầu tư 3,1 tỉ đô la Mỹ vào các tài sản ở Mỹ, giảm hơn 60% so với tổng giá trị các thoả thuận được công bố nửa đầu năm 2017. Hãng dữ liệu Dealogic cho biết, các giao dịch liên quan đến công nghệ gặp nhiều khó khăn, giảm 72% xuống còn 344 triệu đô la Mỹ kể từ đầu năm đến nay.
Guo Wei, nhà sáng lập UpHonest Capital, một công ty đầu tư mạo hiểm xuyên biên giới có huy động vốn từ các nhà đầu tư Trung Quốc, nhận định: "Đầu tư từ Trung Quốc có ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp công nghệ cơ bản hoặc chuyên sâu tại Mỹ". Ông Guo cho biết, các nhà đầu tư Trung Quốc đang ngày càng lo ngại trước những bất ổn trong quy định, ví dụ như quy trình đánh giá kéo dài và thủ tục bổ sung. Những điều này làm phức tạp hóa các chiến lược đầu tư của họ, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt để có được thoả thuận đầu tư tại Silicon Valley.
Cải cách của Ủy ban đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS)
Chính quyền tổng thống Donald Trump đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc gây áp lực và đe dọa nhằm có được các bí mật công nghệ và thương mại của Mỹ. Hiện nay, các quan chức thương mại Mỹ đe dọa sẽ trả đũa bằng thuế trừng phạt lên các hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc, có trị giá hơn 34 tỉ đô la Mỹ kể từ ngày 06.07, đồng thời hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào ngành công nghệ cao của Mỹ. Trung Quốc đã cam kết sẽ đáp trả bằng các khoản thuế lên hàng hoá có giá trị tương đương xuất xứ từ Mỹ. Sau đó, ông Trump tiếp tục đe doạ tăng thuế lên số hàng hóa có tổng trị giá hơn 400 tỉ đô la Mỹ.
Đứng đầu danh sách những hạn chế có thể xảy đến với đầu tư Trung Quốc đến từ việc mở rộng thẩm quyền của CFIUS. Đây là một hội đồng liên ngành giám sát các khoản đầu tư nước ngoài để đảm bảo chúng không gây rủi ro cho an ninh quốc gia. Trong một dự luật gần đây được Quốc hội thông qua, các nhà lập pháp đã đề xuất mở rộng thẩm quyền của CFIUS, bao gồm việc giám sát các khoản đầu tư nhỏ vào “công nghệ trọng yếu” hoặc “cơ sở hạ tầng trọng yếu”. Trước đây còn từng có những lời kêu gọi áp dụng Đạo luật về quyền hạn kinh tế khẩn cấp quốc tế (IEEPA) năm 1977 để giao cho Tổng thống Mỹ quyền hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ. Thông tin về kế hoạch này đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường toàn cầu vào thời điểm đó, bởi các nhà đầu tư lo ngại điều này sẽ còn khiến cho mỗi quan hệ giữa chính quyền Washington và Bắc Kinh căng thẳng hơn nữa.
Một nhà đầu tư theo dõi bảng điện tử tại phòng giao dịch chứng khoán ngày 2.7.2018 tại Hàng Châu. Thị trường chứng khoán Trung Quốc là thị trường rơi vào xu thế giảm điểm bởi các nhà đầu tư lo ngại về căng thẳng thương mại và nền kinh tế đang khựng lại - Ảnh: VCG
Nhà đầu tư rút vốn
Vào tháng 01.2018, Ant Financial, công ty phụ trách lĩnh vực thanh toán trực tuyến của Alibaba, đã phải từ bỏ khoản đầu tư trị giá 1,2 tỉ đô la Mỹ để mua lại công ty chuyển tiền Moneygram, sau khi không được sự chấp thuận của CFIUS. Ủy ban này tỏ ra lo ngại về sự an toàn dữ liệu của công dân Mỹ mà Moneygram nắm giữ. Đây là một bước lùi đáng tiếc cho người sáng lập Alibaba, Jack Ma. Vị tỉ phú này vừa gặp gỡ tổng thống Trump một năm trước đó và hứa sẽ tạo ra một triệu việc làm tại Mỹ trong vòng năm năm tới. Công ty có trụ sở tại Hàng Châu tuyên bố chỉ thực hiện ba khoản đầu tư trong lĩnh vực công nghệ tại Mỹ hồi năm ngoái. Đây là mức thấp nhất trong vòng năm năm qua của công ty, theo CB Insights.
Jack Ma (phải), người sáng lập kiêm chủ tịch tập đoàn Alibaba cùng Tổng thống Donald Trump (trái) trước giới truyền thông sau cuộc họp tại Trump Tower ngày 09.01.2017 - Ảnh: Timothy A. Clary /AFP/ Getty Images
Các khoản đầu tư gần đây của Tencent, công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc, cũng rơi vào chiều hướng tương tự. Gã khổng lồ công nghệ có trụ sở tại Thâm Quyến công bố từ đầu năm tới nay, họ chỉ có ba khoản đầu tư vào các công ty công nghệ mới của Mỹ, với tổng giá trị 105 triệu đô la Mỹ, theo Dealogic. Gần đây, công ty này đã tham gia vào đợt huy động vốn trị giá 15 triệu đô la Mỹ của công ty công nghệ sinh học Mỹ XtalPi. Đây là một con số rất khiêm tốn so với 1,8 tỉ đô la Mỹ mà họ đã từng chi cho 5% cổ phần của doanh nghiệp sản xuất xe ô tô điện Tesla, hoặc 2 tỉ đô la Mỹ để có được 12% cổ phần của Snapchat vào năm 2017.
"Những khoản đầu tư vào các công ty tốt có thể trở thành điều lưu tâm. Chính phủ thường ngay lập tức xem xét các thoả thuận kiểu này, thay vì các khoản đầu tư vào một công ty mới thành lập cung cấp các công nghệ thú vị," Paul Triolo, đến từ tập đoàn Eurasia có trụ sở tại New York, cho biết.
Tập đoàn Alibaba từ chối bình luận về việc này. Tencent cũng nhiều lần không phản hồi trước các yêu cầu bình luận từ giới truyền thông.
Cơ hội mới
Triolo nói thêm: "Tình hình đầu tư có vẻ sẽ không được cải thiện trong tương lai gần. Mối quan hệ Trung-Mỹ đang trong giai đoạn khá xấu và có thể sẽ không có cơ hội đàm phán cho đến năm 2019 hoặc sau các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ."
Tuy vậy, không phải tất cả giao dịch đều bị chặn. Vào tháng 6, CFIUS đã cho phép tập đoàn China Oceanwide được mua công ty bảo hiểm Genworth Financial với trị giá 2,7 tỉ đô la Mỹ. Genworth cho biết để được bật đèn xanh, họ tuyên bố sẽ dùng nền tảng của bên thứ ba, là một công ty đặt trụ sở tại Mỹ, để quản lý dữ liệu của các chủ hợp đồng bảo hiểm người Mỹ.
Ông Guo đến từ UpHonest Capital cũng cho rằng, vẫn còn cơ hội cho các nhà đầu tư liên quan đến Trung Quốc. Ông cho biết, tác động đến các thương vụ đầu tư vào công ty startup Mỹ liên quan đến lĩnh vực tiêu dùng vẫn chưa quá lớn. Trong số đó, thực ra có nhiều công ty đang tìm kiếm nhà đầu tư Trung Quốc để gia nhập vào thị trường của quốc gia đông dân nhất thế giới này.
Ông nói thêm: "Chưa có tác động lớn đến các khoản đầu tư giai đoạn đầu (early stage) của các nhà đầu tư thiên thần và các khoản đầu tư series A. Các nhà đầu tư Trung Quốc vẫn đang tìm kiếm cơ hội ở Silicon Valley."