Nhà báo tài chính Charles Wallace gọi đây là đòn tấn công tổng lực của tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Chính quyền tổng thống Donald Trump sẽ áp thuế lên 200 tỉ đô la Mỹ hàng hóa Trung Quốc. Thuế suất ban đầu sẽ là 10% và tăng lên 25% vào đầu năm sau để các công ty Mỹ có thời gian điều chỉnh hoạt động xuất nhập khẩu. Trong thông báo từ Nhà Trắng, ông Trump giải thích: "Trung Quốc đang tham gia vào nhiều chính sách và thông lệ không công bằng liên quan đến công nghệ và sở hữu trí tuệ của Mỹ, chẳng hạn như ép buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc. Những thông lệ này rõ ràng đang đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định và thịnh vượng lâu dài của nền kinh tế Mỹ."
Ông Trump còn cảnh báo nếu Trung Quốc trả đũa bằng cách gây khó khăn cho bất kỳ ngành công nghiệp nào của Mỹ, ông sẽ xúc tiến giai đoạn ba của chiến tranh thương mại, áp đặt mức thuế bổ sung lên 267 tỉ đô la Mỹ hàng hóa Trung Quốc. Trước đây, Mỹ đã áp thuế lên 50 tỉ đô la Mỹ hàng hóa Trung Quốc, Trung Quốc cũng đã đáp trả bằng mức thuế nhập khẩu tương tự.
Tổng thống Donald Trump phát biểu trong một cuộc họp tại phòng Bầu dục, Nhà Trắng ngày 28.08.2018.
Cuộc chiến thương mại trên diện rộng hầu hết mọi người đều lo sợ giờ đây đã trở thành hiện thực. Chỉ số S&P 500 giảm 16,18 điểm, tương đương 0,6%, sau khi tổng thống Trump tuyên bố ông dự kiến sẽ hành động sau khi thị trường đóng cửa.
Trung Quốc trả đũa
Trung Quốc đã xuất khẩu 522,9 tỉ đô la Mỹ hàng hóa và dịch vụ sang Mỹ trong năm 2017 và nhập khẩu 187,5 tỉ đô la Mỹ. Mức chênh lệch khiến việc trả đũa thuế quan của quốc gia này trở thành điều bất khả thi. Tuy vậy quốc gia này đã và đang bàn luận biện pháp nhằm tăng rào cản cho hàng hóa từ Mỹ, chẳng hạn như tăng cường giám sát hải quan và thanh tra nhằm làm chậm giao dịch hàng hóa. Trong một diễn đàn tại Bắc Kinh ngày 16.09.2018, cựu bộ trưởng bộ Tài chính Lou Jiwei từng đề cập tới các phương pháp khác, bao gồm hạn chế xuất khẩu hàng hóa, nguyên liệu thô và các bộ phận thiết yếu đối với các công ty sản xuất Mỹ.
Tuy nhiên, một khi chính phủ Trung Quốc đưa ra quyết định giảm nhập khẩu từ Mỹ, nền kinh tế sẽ phải hứng chịu những ảnh hưởng không nhỏ. Một minh chứng là trong năm nay, Bắc Kinh đã hạn chế nhập khẩu đậu tương từ Mỹ, khiến lượng nông sản nhập khẩu suy giảm.
Một vũ khí khác trong tầm tay Trung Quốc là đồng nhân dân tệ, loại tiền tệ được kiểm soát trực tiếp bởi Ngân hàng trung ương Trung Quốc và không chính thức giao dịch ngoài nước. Đồng nhân dân tệ đã giảm 6% kể từ khi tranh chấp thương mại diễn ra, bù đắp được phần nào ảnh hưởng từ mức thuế 10% của chính quyền Trump.
Tờ Global Times, cơ quan ngôn luận trực thuộc đảng Cộng sản Trung Quốc, nhận định: "Việc Mỹ cố gắng khiến căng thẳng leo thang nhằm thu lợi trên bàn đàm phán không còn là điều mới mẻ. Chúng tôi mong đợi những đòn đánh trả "đẹp mắt" hơn và sẽ khiến Mỹ phải gánh chịu nhiều đau đớn hơn."
Để ngỏ khả năng đàm phán
Trong một tweet vào ngày 17.08.2018, tổng thống Donald Trump viết: “Thuế quan đã đưa Mỹ chiếm ưu thế lớn trong đàm phán, với hàng tỉ đô la cùng việc làm, đang đến với đất nước chúng ta. Chi phí gia tăng tính đến thời điểm hiện tại gần như không đáng kể. Nếu các quốc gia không trao đổi thương mại một cách công bằng với chúng ta, họ sẽ phải chịu thuế.”
Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow, cựu bình luận viên của CNBC, cho biết chính quyền vẫn đang cởi mở với khả năng tiếp tục đàm phán với Bắc Kinh. Ông cho hay: "Chúng tôi sẵn sàng ngồi vào bàn trao đổi với Trung Quốc bất cứ khi nào họ sẵn sàng thực hiện các đàm phán nghiêm túc và trọng yếu, hướng tới thương mại tự do để giảm các rào cản thuế quan và phi thuế quan, nhằm mở rộng thị trường, cho phép chúng tôi, nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới, xuất khẩu ngày càng nhiều hàng hóa và dịch vụ sang Trung Quốc."