Gỗ Trường Thành chưa hết khó khăn

Chưa khắc phục hết những hậu quả trong quá khứ, trong quý II.2018, Gỗ Trường Thành dự phòng 370 tỉ đồng cho các khoản thu khó đòi và lỗ 565 tỉ đồng sau thuế.

Gỗ Trường Thành chưa hết khó khăn

Nhà máy Gỗ Trường Thành tại tỉnh Bình Dương (Ảnh: Minh Thư)

Với kết quả này, nếu không có đột biến về lợi nhuận, công ty khó có khả năng hoàn tất kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông thường niên đề ra.

Tính đến cuối quý II.2018, Gỗ Trường Thành có khoản phải thu 733 tỉ đồng từ các khách hàng, giảm 60 tỉ đồng so với đầu năm. Đây là các khoản phải thu lâu năm của công ty. Một phần trong số đó đã được đảm bảo bằng hơn 40 triệu cổ phiếu TTF của Gỗ Trường Thành mà nhóm khách hàng này nắm giữ, theo báo cáo tài chính năm 2017 của công ty.

Tuy nhiên, sau hơn nửa năm, giá trị tài sản đảm bảo này đã sụt giảm do mức giá trên thị trường của cổ phiếu TTF liên tục lao dốc. Từ mức 290 tỉ đồng cuối năm 2017, đến hiện tại số lượng cổ phiếu nói trên chỉ có giá trị chưa đến 130 tỉ đồng.

Nguyên nhân Gỗ Trường Thành trích lập dự phòng 370 tỉ đồng cho các đối tác nói trên, theo lãnh đạo công ty, là do quá trình làm việc giữa Gỗ Trường Thành với kiểm toán báo cáo tài chính, và đi đến thống nhất sẽ dự phòng theo đúng thời hạn thanh toán bị trễ.

Nguyên nhân thua lỗ của Gỗ Trường Thành không chỉ đến từ việc trích lập dự phòng làm tăng đột ngột chi phí quản lý của công ty, mà còn do doanh thu sụt giảm.

Trong quý II.2018, doanh thu bán hàng của công ty đạt 124 tỉ đồng, chưa bằng một nửa con số 300 tỉ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả mà lãnh đạo Gỗ Trường Thành đã lường trước và công bố tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên: phụ thuộc vào khách hàng lớn Vingroup.

Các dự án của Vingroup chỉ cần chậm tiến độ hoặc thay đổi kế hoạch, tình hình sản xuất kinh doanh của Gỗ Trường Thành sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 80% doanh thu năm 2017 của công ty đến từ Vingroup.

Năng lực sản xuất của Gỗ Trường Thành, tuy đã có nhiều cải thiện so với trước, nhưng chưa thể giúp công ty đi vào quỹ đạo phát triển mạnh mẽ và ổn định. Hiện Gỗ Trường Thành vẫn còn hàng trăm mét khối gỗ đang được niêm phong tại sân của nhà máy, ảnh hưởng đáng kể đến kế hoạch giải phóng mặt bằng, mở rộng nhà xưởng của công ty. Các khối gỗ này đã được thế chấp cho các ngân hàng, và được các ngân hàng thuê bảo vệ đến canh giữ. Phải thanh toán các khoản vay, Gỗ Trường Thành mới có thể giải chấp, bán đấu giá gỗ hoặc đưa vào sản xuất.

Một trong rất nhiều khối gỗ đã được thế chấp tại Ngân hàng Đông Á cho các khoản vay cách đây hơn ba năm (Ảnh: Minh Thư)

Việc thanh lý khối lượng lớn hàng tồn kho không sử dụng đến hoặc không đạt yêu cầu có thể khiến Gỗ Trường Thành tiếp tục thua lỗ. Nhưng đó là cách tốt nhất để công ty thu tiền về, và giải phóng mặt bằng.

Phải mở rộng sản xuất và tăng hiệu suất lao động, công ty mới có thể đa dạng hoá khách hàng, giảm rủi ro phụ thuộc vào khách hàng lớn. Đa dạng hoá khách hàng là hướng đi của Gỗ Trường Thành mà ông Mai Hữu Tín, tổng giám đốc công ty từng chia sẻ với cổ đông hồi cuối tháng Tư vừa qua.

Công ty đang mở rộng khu nhà kho phía sâu bên trong nhà máy, đồng thời mua sắm thêm các thiết bị máy móc, hoàn thiện dần quy trình sản xuất. Công ty có khoảng 1.300 lao động trực tiếp, trong đó quá nửa làm ở nhà máy, còn lại làm tại các công trình của khách hàng, chịu trách nhiệm lắp đặt. “Tình trạng nợ lương đã chấm dứt hoàn toàn,” đại diện công ty chia sẻ với Forbes Việt Nam về giai đoạn khó khăn nhất đã qua của công ty. Công suất đang được thực hiện tối đa tại các nhà máy hiện tại, nơi các máy móc và công nhân hoạt động không ngừng. “Chúng tôi không định thuê thêm công nhân, mà chỉ mở rộng nhà xưởng, hiện đại hoá máy móc để nâng cao năng suất lao động,” ông Nguyễn Trọng Hiếu, phó tổng giám đốc công ty cho biết.