Trung Quốc có thể đáp trả Mỹ bằng chiến tranh tiền tệ

Chấm dứt xu hướng tăng giá kéo dài một năm qua, nhân dân tệ quay đầu giảm giá mạnh so với đồng bạc xanh của Mỹ giữa lúc căng thẳng thương mại giữa hai nước leo thang.

Tuy nhiên, Trung Quốc khó có thể sử dụng biện pháp hạ giá tiền tệ như một vũ khí thực sự để chống lại Mỹ trong "cuộc chiến thương mại", bởi lo ngại về hiện tượng rút vốn ồ ạt như hàng trăm tỉ đô la Mỹ "tháo chạy" khỏi thị trường Trung Quốc hồi cuối năm 2015.

Trung Quốc có thể đáp trả Mỹ bằng chiến tranh tiền tệ

Trung Quốc khó có thể nhanh chóng hạ giá đồng nhân dân tệ để đối phó với Mỹ trong cuộc chiến tranh thương mại - Ảnh: Shutterstock

Ngay sau nửa đêm ngày 05.07 theo giờ Washington, 34 tỉ đô la Mỹ hàng hoá từ Trung Quốc chính thức bị Mỹ áp mức thuế 25%. Chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không còn là nguy cơ, mà đã trở thành hiện thực.

Dường như Trung Quốc đã đi trước Mỹ một bước trong cuộc chiến thương mại, nhờ liên tục hạ giá đồng nhân tệ thời gian qua, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nước leo thang.

Tuần trước, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) tuyên bố bơm 100 tỉ nhân dân tệ (tương đương 15,5 tỉ đô la Mỹ) vào hệ thống tài chính nước này. Trước đó, Trung Quốc đã hai lần cắt giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng chỉ trong vòng gần ba tháng gần đây (giữa tháng 4 và cuối tháng 6).

Mỹ đã châm ngòi cho cuộc chiến về thương mại và thuế khoá, song Trung Quốc khó có thể đáp trả bằng một cuộc chiến tranh tiền tệ.

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã bắt đầu giảm giá trong thời gian gần đây, khi căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang. Tuy nhiên, nhiều khả năng Trung Quốc không thể tiếp tục sử dụng công cụ tiền tệ như một vũ khí để gây áp lực lên đối trọng Mỹ, bởi lo sợ về làn sóng rút vốn ồ ạt (capital outflows) như từng xảy ra cuối năm 2015, có thể sẽ lặp lại.

"Đồng nhân dân tệ đã giảm giá trong khi căng thẳng thương mại gia tăng. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, một cuộc đua giảm giá đồng nhân dân tệ là kịch bản khó diễn ra, bởi việc hạ giá mạnh đồng nhân tệ có thể một lần nữa làm bùng phát trở lại làn sóng đầu cơ rút vốn ồ ạt," Viện tài chính quốc tế (IIF) nhận định trong báo cáo phát hành ngày 05.07.

Ngay sau khi hạ giá nhân dân tệ vào tháng 8.2015, Trung Quốc đã phải đối mặt với sự rút vốn ồ ạt. Gần 200 tỉ đô la Mỹ "tháo chạy" khỏi thị trường Trung Quốc vào tháng 12.2015.

PBOC đã phải can thiệp để ổn định thị trường tiền tệ. Nhân dân tệ bước vào giai đoạn tăng giá trở lại bắt đầu từ giữa năm 2017, trước khi giảm giá trong thời gian gần đây trong khi các đối thoại qua lại về chính sách thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ diễn ra.

Hạ giá đồng nhân dận tệ có thể dẫn đến cú sốc về lượng vốn rút khỏi thị trường Trung Quốc như năm 2015 - Nguồn: IIF

Thị trường châu Á cũng từng chứng kiến khủng hoảng tài chính diễn ra vào năm 1997 do làn sóng đầu cơ rút vốn. Khủng hoảng trầm trọng do tổng dự trữ ngoại hối (FX reserves) quá mỏng để có thể bù đắp lại lượng vốn khổng lồ bị rút ra khỏi thị trường. Khi dòng tiền rời khỏi thị trường, ngân hàng trung ương buộc phải bán ra các tài sản ngoại hối (ngoại tệ, trái phiếu kho bạc nước ngoài) để giữ cho đồng nội tệ ổn định.

Nếu hiện tượng dòng vốn ồ ạt tháo chạy khỏi Trung Quốc, PBOC sẽ phải sử dụng đến nguồn dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, theo số liệu gần nhất hồi tháng 4 được Trading Economics tổng hợp, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đang ở mức 3,1 nghìn tỉ đô la Mỹ, trong khi đó lượng cung tiền M2 (tức tổng lượng tiền có khả năng bị rút khỏi thị trường) lên tới 174,3 nghìn tỉ nhân dân tệ, tương đương 26,2 nghìn tỉ đô la Mỹ. Như vậy, tỉ lệ dự trữ ngoại hối/M2 của Trung Quốc hiện chỉ đạt xấp xỉ 12%. Trong khi đó, tỉ lệ này của các nền kinh tế châu Á khi cuộc khủng hoảng 1997 diễn ra là 25-30%.

Tuy nhiên, xu hướng giảm giá tương đối giữa nhân dân tệ và đô la Mỹ khó có thể đảo ngược bởi sự chia rẽ trong chính sách tiền tệ của hai nước. Mỹ đã bước vào thời kỳ thắt chặt tiền tệ sau nhiều năm thực hiện nới lỏng tiền tệ quy mô lớn với các gói nới lỏng định lượng (QE) được thực hiện từ sau khủng hoảng. Ngược lại, Trung Quốc có xu hướng nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ cho sự sụt giảm của các số liệu kinh tế vĩ mô.

Morgan Stanley dự báo đồng nội tệ của Trung Quốc sẽ giảm thêm 3% nữa so với đồng bạc xanh vào cuối năm nay. Tuy nhiên, công cụ tiền tệ khó có thể trở thành công cụ sắc bén của Trung Quốc trong chiến tranh thương mại với Mỹ, bởi đánh đổi về sự ổn định tài chính là tương đối rõ ràng.

"Một cuộc đua giảm giá nhân dân tệ có thể dẫn đến sự sụt giảm năng suất của Trung Quốc bởi những điều kiện tài chính buộc phải thắt chặt lại để đối phó với hiện tượng tháo chạy của dòng vốn, dự trữ ngoại hối sụt giảm và kéo theo sự giảm giá tiền tệ của nhiều quốc gia khác trong khu vực," IIF đưa ra cảnh báo.