Viettel Global giải quyết xong rắc rối pháp lý tại Tanzania

Viettel Global đã giải quyết xong rắc rối khi ông Lê Văn Đại, giám đốc Halotel - doanh nghiệp thuộc Viettel Global đã được thả tự do và trở về công ty sau phiên toà xét xử vụ án nghi là gian lận cước quốc tế tại Tanzania.

Phiên toà diễn ra ngày 20.6.2018 vừa qua tại thành phố Dar es Salaam, Tanzania, sau hai tuần ông Đại bị tạm giữ.

Trước đó, Viettel đã xác nhận thông tin ông Lê Văn Đại đã bị toà án nước này triệu tập và lưu giữ cùng với giám đốc công ty viễn thông Zantel cũng hoạt động tại quốc gia này vào ngày 6.6.2018.

Toà án cũng kết luận quy trình quản lý sim thẻ của Halotel và Zantel có một số diểm chưa chặt chẽ để đối tượng xấu lợi dụng. Vì vậy hai nhà mạng này sẽ bị xử phạt hành chính.

Phía Viettel cho biết trong thông cáo báo chí, việc triệu tập này là do chính phủ Tanzania vừa bắt một nhóm người nước ngoài tàng trữ số lượng lớn sim card và simbox (số lượng 300.000 SIM) trong đó có SIM của Halotel và Zantel và bị tình nghi là gian lận cước quốc tế. Cảnh sát nước này đã ngay lập tức tạm giữ giám đốc của hai nhà mạng Halotel và Zantel.

Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, ông Lê Đăng Dũng, phó chủ tịch hội đồng quản trị Viettel Global cho biết số lượng sim card của Halotel đến thời điểm ông Lê Văn Đại bị tạm giữ vẫn chưa được kích hoạt.

Đại diện Viettel Global bổ sung, tại Tanzania, các nhà mạng đều phân phối SIM qua đại lý và hướng dẫn yêu cầu đại lý kích hoạt SIM theo quy định của pháp luật. Số lượng SIM nói trên vì vậy không được mua trực tiếp từ Halotel và những hành vi gian lận của nhóm người nước ngoài nói trên nhằm qua mặt chính quyền Tanzania hoàn toàn không liên quan đến Halotel. Đồng thời Halotel có đầy đủ các chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Lê Văn Đại và thương hiệu Halotel trước các cáo buộc của tòa án.

Ông Dũng cho rằng luật pháp ở Tanzania còn cần tiếp tục hoàn thiện. Khi bắt được đối tượng tình nghi sử dụng sim của hai nhà mạng Halotel và Zantel, ngay lập tức họ bắt và tạm giữ hai giám đốc của hai nhà mạng này mà không cần chứng cứ cụ thể. Ông Dũng cũng nhắc lại rủi ro về mặt pháp lý khi kinh doanh tại Tanzania trong vụ việc cách đây 14 năm. Vào năm 2004, một con tàu của Việt Nam đã bị bắt giữ tại Tanzania do một doanh nghiệp Tanzania khởi kiện lên toà án kinh tế nước này. Lý do cách đó năm năm (1999), doanh nghiệp Tanzania này bị thiệt hại trong một tranh chấp với một doanh nghiệp khác ở Việt Nam. Họ cho rằng tàu Cần Giờ (tàu bị tạm giữ) thuộc chính phủ Việt Nam do vậy chính phủ Việt Nam phải đền bù thiệt hại cho họ. Việc tạm giữ kéo dài tới gần 500 ngày.

Tanzania là một trong 10 thị trường quốc tế mà Viettel đầu tư. Viettel Global chịu trách nhiệm cho việc đầu tư ra nước ngoài của tập đoàn, trở thành một trong những doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài lớn nhất Việt Nam.

Trong thời gian tới, Viettel Global chủ trương ưu tiên đầu tư vào các quốc gia châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á với quy mô dân số tương đương Việt Nam, do mức tăng trưởng tốt và sự tương đồng văn hoá nhất định, ông Dũng cho biết tại đại hội đồng cổ đông thường niên.

Báo cáo tài chính năm 2017 của Viettel Global cho biết tính đến cuối năm 2017 công ty đã góp vốn 21,6 triệu đô la Mỹ và cho vay 148 triệu đô la Mỹ tại Tanzania.