Thông cáo báo chí từ Viettel cho biết Mytel, liên doanh của tập đoàn tại Myanmar đã vượt mốc 1 triệu thuê bao sau 10 ngày khai trương tại quốc gia Đông Nam Á này.
Cùng với Lào và Campuchia, Myanmar là một trong ba thị trường thành công nhất của Viettel Global – doanh nghiệp triển khai đầu tư ra nước ngoài thuộc Viettel tính đến thời điểm này, ông Lê Đăng Dũng, phó chủ tịch hội đồng quản trị công ty nói với Forbes Việt Nam. Viettel Global kỳ vọng sau hai năm đến hai năm rưỡi công ty có thể thu lãi từ thị trường Myanmar, trong khi các thị trường khác thông thường phải chờ đến ba năm, ông Dũng từng chia sẻ trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông diễn ra gần đây.
Ông Nguyễn Thanh Nam, Tổng giám đốc Mytel cho biết trong thông cáo báo chí: “Mục tiêu của chúng tôi đặt ra cho năm 2018 là sẽ có 2-3 triệu khách hàng. Với tốc độ phát triển khách hàng như hiện tại thì con số trên là hoàn toàn nằm trong khả năng của Mytel. Thị trường viễn thông Myanmar có tiềm năng lớn, đặc biệt là nhu cầu về Internet di động băng rộng đang tăng rất nhanh nên cơ hội cho các hãng viễn thông nói chung và Viettel nói riêng là rất lớn”.
Tại Myanmar, Mytel là mạng di động thứ tư. Ba mạng khác là MPT của Nhà nước Myanmar với 42% thị phần, Teleenor (Nauy) chiếm 35% thị phần và Ooredoo (Qatar) với 23% thị phần.
Nói về lợi thế cạnh tranh của Mytel tại thị trường Myanmar, nơi độ phủ sim điện thoại đã lên tới 90%, ông Dũng nhận định ngắn gọn “mình đi sau thì phải làm tốt hơn thôi”. Những người mua sim Mytel tại Myanmar trong 10 ngày qua hầu hết đều đã sử dụng sim của các hãng khác trước đó, ông Dũng bổ sung.
Kênh bán hàng di động của Mytel có mặt ở khắp mọi nơi (Ảnh: Viettel Global)
Thông tin từ Viettel Global cho biết hiện Mytel đang chiếm 50% cơ sở hạ tầng cáp quang tại Myanmar. Ba mạng viễn thông trước đó chủ yếu dùng hệ thống truyền dẫn viba, với ưu điểm là không tốn quá nhiều chi phí cố định. Tuy nhiên, theo một chuyên gia về viễn thông, hệ thống truyền dẫn viba không có nhiều lợi thế trong việc truyền tải dữ liệu. Trong khi đó, tương lai của mạng viễn thông, theo ông Dũng, là dữ liệu chứ không phải cước cuộc gọi. Viettel hay Viettel Global đều đang hướng đến tăng tỷ trọng doanh thu từ dữ liệu 3G, 4G, sắp tới là 5G, thay vì cước cuộc gọi như trước đây.
Mytel là liên doanh giữa Viettel Global và hai đối tác địa phương là High Public Company và Myanmar National Telecom Holding Public, trong đó Viettel Global nắm 49% cổ phần. Tổng vốn đầu tư dự án này, theo công ty, là 1,5 tỉ đô la Mỹ, chiếm 66% vốn đăng ký đầu tư của Việt Nam vào Myanmar. Cũng với dự án này, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 7 từ vị trí số 10 trước kia trong số 49 quốc gia đầu tư vào Myanmar.
Myanmar được đánh giá là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong tất cả các thị trường nước ngoài của Viettel, đạt 7%. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, Myanmar có thể tăng quy mô nền kinh tế lên gấp bốn lần, đạt 200 tỉ đô la Mỹ vào năm 2030.
Tại cuộc họp đại hội cổ đông diễn ra tuần trước, đại diện Viettel Global nhiều lần khẳng định khu vực Đông Nam Á nói chung, Myanmar nói riêng sẽ là thị trường tiềm năng của công ty trong thời gian tới.