Tỉ lệ sở hữu của Viettel tại Viettel Global sẽ tăng từ mức 98,68% hiện tại lên trên 99%.
Kế hoạch phát hành thêm 800 triệu cổ phiếu cho công ty mẹ Viettel đã được đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 của Viettel Global thông qua ngày 15.06.2018 với tỉ lệ đồng ý trên 94%. Giá phát hành bằng mệnh giá, 10.000 đồng/cổ phiếu, tương đương số tiền thu về đạt 8.000 tỉ đồng.
Đại hội cổ đông thường niên của Viettel Global ngày 15.06.2018 - Ảnh: Minh Thư
Viettel Global là doanh nghiệp phụ trách mảng đầu tư ra nước ngoài của Viettel, quản lý và vận hành kinh doanh viễn thông tại 10 thị trường nước ngoài của Viettel, là một trong những doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài mạnh mẽ nhất. Ngoại trừ Peru là quốc gia bị loại ra khỏi báo cáo tài chính của Viettel Global, chín thị trường của công ty có quy mô dân số 210 triệu người, với 41 triệu thuê bao tính đến thời điểm hiện tại, theo ông Lê Đăng Dũng, phó chủ tịch hội đồng quản trị Viettel Global.
Theo tính toán của Viettel Global, tổng mức vốn đầu tư của công ty ở vào khoảng 3,78 tỉ đô la Mỹ, trong đó phải tự thu xếp hơn 3 tỉ đô la Mỹ.
Các quốc gia mà Viettel Global đầu tư hầu hết có cơ sở hạ tầng viễn thông chưa phát triển. Công ty gần như phải xây dựng lại từ đầu để phát triển một mạng lưới viễn thông hoàn toàn mới.
Đầu tháng 6 vừa qua, sau một năm có giấy phép, cuộc gọi đầu tiên của mạng di dộng Mytel do Viettel Global phát triển đã được thực hiện tại Myanmar, một quốc gia ngay cả nguồn điện cũng vô cùng hạn chế tại các vùng sâu vùng xa. Ông Dũng chia sẻ, trong một năm chuẩn bị cho cuộc gọi đầu tiên đó, công ty đã kịp xây dựng 7.000 trạm thu phát sóng và hơn 30.000 km đường cáp quang. Để có thành quả này, hồi năm 2015, Viettel Global đã đánh thắng hai đối thủ lớn khác là Vodafone (Anh) và China Mobile (Trung Quốc) để dành quyền tiếp cận quốc gia Đông Nam Á này.
Myanmar là một trong những thị trường được Viettel Global kỳ vọng nhất hiện nay, dự kiến sẽ có lãi sau 2 – 2,5 năm, trong khi “một thị trường thông thường sau ba năm mới có lãi” – ông Dũng cho biết.
Châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á đang là thị trường mục tiêu của Viettel Global vì mức phát triển khá và ổn định hơn so với châu Phi, cùng với những nét tương đồng về mặt văn hoá.
Sau khi đối chiếu các tỷ lệ tài chính so với các công ty viễn thông đa quốc gia, Viettel Global đưa ra số vốn chủ sở hữu tối thiểu công ty cần có là 1,8 tỉ đô la Mỹ, tương đương 40.560 tỉ đồng. Đây là cơ sở tính toán để công ty đưa ra kế hoạch phát hành thêm 800 triệu cổ phiếu nhằm thu về 8.000 tỉ đồng trong năm 2018.
Tỉ lệ sở hữu cô đặc của Viettel Global trước và sau kế hoạch phát hành thêm khiến người ta nghĩ đến một doanh nghiệp nhà nước đặc thù hơn là một công ty đại chúng cởi mở.
Tuy nhiên, theo kế hoạch, tháng 7 tới đây, Viettel Global sẽ chính thức đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Kế hoạch này đã bị trì hoãn một năm trước. Đại diện Viettel Global khẳng định, việc đăng ký giao dịch có thể chậm nửa tháng đến một tháng, nhưng “chắc chắn trong năm nay”.
Mặc dù không bị hạn chế về tỉ lệ sở hữu nước ngoài, trong quá trình tìm kiếm cổ đông chiến lược, không có tổ chức nước ngoài nào tìm đến với Viettel Global, ông Dũng cho biết. Một số quỹ đầu tư cũng đã tiếp xúc với Viettel Global nhưng với tầm nhìn dài hạn và tận dụng những lợi thế của Viettel, công ty quyết định sẽ phát hành thêm cổ phiếu cho chính công ty mẹ. Phát hành riêng lẻ là lựa chọn duy nhất của Viettel Global, vì công ty vẫn còn lỗ luỹ kế hơn 3.400 tỉ đồng, không thể phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu.
Viettel dự kiến sẽ hỗ trợ công ty con đến năm 2022 và sẽ bắt đầu thoái vốn khi mọi việc vận hành ổn định.
Kế hoạch đăng ký giao dịch của Viettel Global vẫn chưa có những con số chi tiết về mức giá và ngày đăng ký giao dịch. Kế toán của Viettel Global cho biết công ty vẫn đang thảo luận với các bên tư vấn để đưa ra mức giá khách quan và có lợi nhất cho cổ đông của Viettel Global, trong đó có Viettel.
Peru là thị trường đầu tiên của Viettel tại Nam Phi, bắt đầu hoạt động từ giữa tháng 10.2014. Do một số điều kiện, khi đó Viettel Global không đáp ứng được, chính phủ Peru yêu cầu Viettel là pháp nhân đứng ra đầu tư vào nước này thay cho công ty con. Ông Dũng cho biết, sau năm năm (2019), Viettel có quyền chuyển khoản đầu tư đó về hẳn cho Viettel Global, đồng nghĩa với việc doanh thu và lợi nhuận cùng các tài sản sẽ được hạch toán đầy đủ trong báo cáo và định giá của Viettel Global. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng này là chưa chắc chắn vì còn phải tiến hành các thủ tục.
Peru là thị trường hoạt động tốt nhất của Viettel, năm vừa rồi đạt mức tăng trường 37%, đại diện Viettel cho biết. Nếu tính cả thị trường Peru, hoạt động đầu tư nước ngoài của Viettel tăng trưởng doanh thu 38% với lợi nhuận là 655 tỷ đồng (28,48 triệu USD), phó chủ tịch hội đồng quản trị Viettel Global nói với Forbes Việt Nam.