Giám đốc điều hành ngân hàng số YOLO, được phát triển bởi ngân hàng Việt Nam thịnh vượng VPBank, ông Shameek Bhargava, đã có cuộc trò chuyện với Forbes Việt Nam về ngân hàng số và nền tảng số YOLO ra mắt gần đây, trong bối cảnh nhiều ngân hàng đang theo đuổi chiến lược số hóa và áp dụng công nghệ mới để phát triển ngân hàng.
VPBank và nhiều ngân hàng trong nước đang theo đuổi chiến lược số hóa để phát triển ngân hàng. Ảnh: Trường Bùi
Ông Shameek Bhargava, từng làm giám đốc điều hành của DBS, ngân hàng số đầu tiên ở Ấn Độ, tham gia vào đội ngũ của VPBank từ đầu năm 2017 với nhiệm vụ thiết lập và xây dựng YOLO trở thành ngân hàng số có core banking riêng. Ông có hơn 25 năm làm việc trong ngành ngân hàng và có kinh nghiệm trong các mảng ngân hàng số, thanh toán điện tử, thẻ tín dụng và ghi nợ, quản lý tài sản và rủi ro. Ông cũng từng giữ vị trí giám đốc điều hành ngân hàng Deutsche Bank tại thị trường châu Á.
Forbes Việt Nam: Nhiều ngân hàng ở Việt Nam đều đang tuyên bố phát triển ngân hàng số nhưng có ai trong số họ có hướng đi đúng đắn trong việc xây dựng ngân hàng số? Là người từng xây dựng thành công ngân hàng số DBS tại Ấn Độ, ông quan niệm thế nào là một ngân hàng số thực sự?
Ông Shameek Bhargava: Vài ngân hàng, không chỉ Việt Nam mà còn các thị trường khác tại châu Á, đang tập trung xây dựng ngân hàng số theo cách hiểu của riêng họ. Nhưng tôi cho rằng các ngân hàng này đều chưa phải là ngân hàng số đúng nghĩa, những dịch vụ cung cấp vẫn còn dựa trên nền tảng ngân hàng truyền thống và các thủ tục giấy tờ nhiều tầng lớp. Điều này không cho phép quá trình xử lý diễn ra linh hoạt và nhanh chóng nếu khách hàng muốn bổ sung hoặc chuyển đổi dịch vụ.
Trước khi làm việc cho VPBank, tôi từng là giám đốc của ngân hàng số DBS tại Ấn Độ. Lợi thế của DBS là thiết lập được một ngân hàng có quy trình hoạt động hoàn toàn không cần đến giấy tờ. Chúng tôi kết nối với UIDAI, trung tâm cơ sở dữ liệu quốc gia chứa thông tin sinh trắc học của hơn một tỉ công dân Ấn Độ, thu thập toàn bộ thông tin KYC (thông tin định danh khách hàng) chỉ dựa trên dấu vân tay của khách hàng và trở thành ngân hàng số đầu tiên làm được điều này.
Điều này chưa thể thực hiện được tại Việt Nam hiện tại. Theo tôi, để thúc đẩy một xã hội không tiền mặt, chúng ta phải cùng hợp tác xây dựng thông tin KYC trên nền tảng số. Điều này sẽ giúp rút ngắn quy trình đăng ký của khách hàng, đưa dịch vụ thanh toán trên nền tảng số cũng như ngân hàng thâm nhập sâu hơn vào xã hội.
Forbes Việt Nam: YOLO, theo ông, đã đạt tới chuẩn một ngân hàng số chưa?
Ông Shameek Bhargava: Dù quá trình định danh khách hàng hoàn toàn dựa trên nền tảng số chưa thể thực hiện được, chúng tôi đang nỗ lực tạo ra một quy trình đăng ký liền mạch nhất có thể. Quan trọng hơn, với YOLO, chúng tôi đã bắt đầu tạo ra một nền tảng giao dịch số, tích hợp nhiều dịch vụ, cả tài chính và phi tài chính. Có thể nói đó là một nền tảng sinh động gắn liền với một ngân hàng số.
Các khách hàng thông thường không thực hiện giao dịch ngân hàng mỗi ngày. Tương tác khách hàng không cao dẫn tới số lượng giao dịch các ngân hàng số thuần túy thực hiện bị hạn chế. YOLO được phát triển bởi VPBank, có cách giải quyết bài toán này. YOLO sẽ là một nền tảng động lực linh hoạt, luôn thêm thắt và điều chỉnh sản phẩm và dịch vụ dựa trên nhu cầu thực tế của khách hàng. Chúng tôi tạo ra các lớp công nghệ hoàn toàn độc lập, với một nền tảng ngân hàng lõi độc lập (core banking) riêng biệt, để hoạt động hiệu quả, nhanh chóng, tiết kiệm và phản ứng nhanh nhạy hơn với thị trường.
Forbes Việt Nam: Theo ông, điều gì quan trọng nhất khi chuyển đổi từ một ngân hàng truyền thống sang ngân hàng số?
Ông Shameek Bhargava: Bên cạnh sự tiện lợi ngân hàng số đem lại, toàn bộ trải nghiệm khách hàng phải được tạo ra và quản lý cẩn thận, mang đến cho khách hàng cảm giác đó là một nền tảng an toàn. Điều quan trọng nữa là tương tác với khách hàng phải “nhân cách hóa” (humanise) nhất có thể. Nếu một ngân hàng có thể số hóa hoàn toàn chứ không chỉ là một ứng dụng công nghệ trên bề mặt, chi phí hạ tầng (ví dụ như chi phí điện toán đám mây) và chi phí hoạt động sẽ giảm bớt. Cơ cấu chi phí trên thu nhập (CIR) của ngân hàng số có thể thấp hơn so với ngân hàng truyền thống, từ đó giảm bớt chi phí cho khách hàng. Đây vốn cũng là một yếu tố quan trọng khiến người dùng chuyển sang ngân hàng số. Trong mắt khách hàng, ngân hàng thường rất nhàm chán. Vì vậy, chúng ta phải khiến khái niệm ngân hàng trở nên vui tươi và gần gũi hơn bằng cách cung cấp các giao dịch ngoài ngành, chứ không đơn thuần chỉ là những sản phẩm ngân hàng. Đây là điều chúng tôi đã và đang thực hiện với YOLO.
Ông Shameek Bhargava tham gia vào đội ngũ xây dựng YOLO trở thành ngân hàng số core banking riêng của VPBank. Ảnh: YOLO cung cấp
Forbes Việt Nam: Nếu nói ngân hàng số là phải số hóa hoàn toàn, vậy yếu tố "nhân cách hóa" mà ông vừa đề cập ở đây là gì?
Ông Shameek Bhargava: “Nhân cách hóa” ở đây nghĩa là, để xây dựng thành công một nền tảng ngân hàng số, chúng ta cần phải tạo ra một nền tảng thân thiện hơn và tùy biến hơn, cá nhân hóa và liên kết chặt chẽ với khách hàng. Thời đại giao tiếp và tương tác một chiều với khách hàng đã qua đi. Hãy nhìn vào những gì Facebook, Youtube đang làm ngày nay. Họ đều thúc đẩy những nội dung cá nhân hóa tới người dùng. Điều đó khiến bạn cảm thấy thoải mái hơn và xem họ như một người bạn, một phần quan trọng của cuộc sống. Ngân hàng số, với sự hỗ trợ của công nghệ, có thể phát triển theo hướng này. YOLO, bằng cách thu thập dữ liệu để hiểu người dùng hơn, chúng tôi sẽ cung cấp nhiều trải nghiệm giá trị tới người dùng như thẻ ghi nợ (debit) ảo, thanh toán thông minh, tiết kiệm tiền một cách tối ưu dựa trên thói quen tiêu dùng của khách hàng…
Forbes Việt Nam: Trải nghiệm khách hàng là một trong những mục đích quan trọng nhất trong hoạt động số hóa ngân hàng. YOLO làm gì để gia tăng trải nghiệm khách hàng?
Ông Shameek Bhargava: Để tăng trải nghiệm khách hàng, cần phải có thêm nhiều dịch vụ bên cạnh các sản phẩm ngân hàng, giao diện liền mạch, luôn cải tiến các dịch vụ dựa trên nhu cầu khách hàng và làm cho dịch vụ ngân hàng trở nên thú vị hơn. Với YOLO, bạn có thể sử dụng các dịch vụ ngân hàng như tiết kiệm tiền, cũng có thể mua bảo hiểm hay xem video, nghe nhạc, đọc sách, gọi taxi hay đặt pizza, và thậm chí bình chọn cho thí sinh yêu thích tại The Voice Kids Việt Nam.
Forbes Việt Nam: Cho đến nay, VPBank đã đầu tư bao nhiêu về vốn, nhân lực, hạ tầng cho ngân hàng số?
Ông Shameek Bhargava: Tôi sẽ không tiết lộ con số cụ thể nhưng chúng tôi đang xây dựng một hệ thống nhanh chóng, tinh giản với chi phí công nghệ phần lớn tùy chỉnh theo quy mô đạt được trong vài tháng tới.
Forbes Việt Nam: Đội ngũ số hóa của YOLO sẽ được tuyển chọn như thế nào? Ngân hàng có sự hỗ trợ hay hợp tác nào với các tổ chức khác không?
Ông Shameek Bhargava: Đây là một điều rất quan trọng. Có rất ít nhân viên ngân hàng trong đội ngũ phát triển YOLO. Tôi cùng với một vài nhân sự có kinh nghiệm về ngân hàng. Công việc của chúng tôi phần lớn là đảm bảo việc luôn luôn duy trì các tiêu chuẩn bảo mật, quản trị, tuân thủ quy định về ngân hàng. Các nhân viên còn lại là những người xây dựng sản phẩm, giao diện người dùng, trải nghiệm người dùng. Nhìn vào đội ngũ trong văn phòng YOLO có thể thấy họ từng làm cho các công ty thương mại điện tử, công ty hàng tiêu dùng nhanh… Chúng tôi giống một đội fintech trẻ và đa dạng, nhưng sở hữu giấy phép ngân hàng.
Forbes Việt Nam: Theo ông, ngân hàng số có giúp dịch vụ ngân hàng phát triển mạnh mẽ hơn tại khu vực ngoài thành thị, vốn là nơi ngân hàng chưa phổ biến và người dân phần lớn khó tiếp cận với các dịch vụ tài chính?
Ông Shameek Bhargava: Chúng ta đang sống trong thời đại kỹ thuật số và Việt Nam chắc chắn là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất về lĩnh vực này. Gần như mạng 3G đều phủ sóng khắp đất nước và hơn 40% dân số sử dụng điện thoại thông minh, nên không chỉ thành thị mà người dân ở khu vực nông thôn và ngoại ô thành phố đều sẽ là đối tượng khách hàng của bất kỳ ngân hàng nào. Mục đích của ngân hàng số là giúp nhiều người tiếp cận dịch vụ ngân hàng dễ dàng và nhanh chóng hơn. Với sự phát triển nhanh chóng của ví điện tử và ngân hàng số như YOLO, Timo, ViettelPay…, tôi tin là ngành ngân hàng có thể tiếp cận được nhiều khách hàng hơn nữa.
Forbes Việt Nam: Xin cảm ơn ông.