VPBank công bố chiến lược ngân hàng số

Ngày 14.9.2018, VPBank công bố chiến lược xây dựng ngân hàng số với công nghệ core banking riêng.

Ở giai đoạn đầu, ngân hàng số Yolo của VPBank sẽ hoạt động tương đối giống với hình thức ví điện tử. Đối tượng mà Yolo hướng tới là khách hàng trẻ tuổi. Để thanh toán và thực hiện các giao dịch, khách hàng nạp tiền từ tài khoản ngân hàng cá nhân với giới hạn ở mức năm triệu đồng và không nhất thiết phải là của VPBank. VPBank hợp tác với các nhà cung cấp như VNPT, Foodizzi để tích hợp các tiện ích nghe nhạc, xem video, đọc sách, gọi taxi, đặt thức ăn vào ứng dụng Yolo.

“Hoạt động ngân hàng truyền thống gây nên sự nhàm chán và người dùng vẫn chưa có khái niệm tương tác với ngân hàng mỗi ngày. Do đó, Yolo xây dựng để lấp đi khoảng cách giữa ngân hàng và khách hàng, làm cho khách hàng có độ tương tác với ngân hàng nhiều hơn”, ông Shameek Bhargava, CEO của Yolo chia sẻ với Forbes Việt Nam.

Với chức năng ngân hàng, trên ứng dụng Yolo có thẻ ảo Yolo MasterCard và gửi tiền tiết kiệm. Để thực hiện được các hoạt động này, giao dịch viên sẽ đến điểm hẹn mà khách hàng đăng kí trong ứng dụng để hoàn tất các thông tin.

Ông Shameek Bhargava, cựu giám đốc ngân hàng số DBS Ấn Độ đảm nhiệm vị trí CEO của Yolo. Theo ông Shameek, khái niệm ngân hàng số là mọi hoạt động được thực hiện trên nền tảng số trực tuyến, không cần đến giấy tờ và mọi quá trình đều được xử lý tự động hóa. Ngân hàng số không giấy tờ vẫn chưa thể thực hiện tại Việt Nam, ông Shameek Bhargava nói. Để hướng đến nền kinh tế không tiền mặt, các hoạt động định danh khách hàng cần được thực hiện trên nền tảng số hóa.

Cùng là lĩnh vực fintech nhưng ngân hàng số khác ví điện tử và internetbanking ở chỗ, ngân hàng số không chỉ cho phép khách hàng kiểm tra số dư, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn mà khách hàng còn có thể mở tài khoản thẻ thanh toán nội địa và quốc tế, nội địa, thực hiện các hoạt động gửi tiền tiết kiệm, vay tiền, chuyển tiền liên ngân hàng với mức độ tự động hóa cao.

Khác với internet banking là hoạt động được các ngân hàng truyền thống thêm vào như một tiện ích gia tăng cho khách hàng, ngân hàng số có thể triển khai các công việc của một ngân hàng truyền thống như cho vay tín dụng và cả các sản phẩm tài chính khác với sự đồng bộ cao và tạo ra nhiều trải nghiệm đồng nhất đa kênh cho khách hàng.

Ví điện tử là tập hợp tài khoản của nhiều tài khoản ngân hàng trên một ứng dụng điện thoại, dùng để thanh toán thay vì sử dụng tiền mặt. Ví điện tử không có khả năng chuyển tiền liên ngân hàng. Hoạt động kinh doanh dịch vụ ví điện tử ngày càng trở nên cạnh tranh tại Việt Nam. Tính đến tháng 3.2018, Ngân hàng nhà nước đã cấp giấy phép hoạt động cho 27 tổ chức không phải là ngân hàng kinh doanh dịch vụ trung gian thanh toán ví điện tử. Mới đây, Grab chọn rót vốn vào ví điện tử Moca để mở rộng hoạt động thanh toán tại Việt Nam.

Năm 2016, VPBank cũng chính là đơn vị bảo trợ cho startup ứng dụng ngân hàng số Timo trên điện thoại thông minh. Hồi đầu năm 2017, TPBank cũng cho ra mắt quầy giao dịch tự động LiveBank, ngân hàng đầu tiên có giấy phép hoạt động giao dịch định danh bằng cuộc gọi video với giao dịch viên. Đầu năm 2018, OCB cũng đưa ra ngân hàng hợp kênh OMNI để đồng bộ tất cả các kênh giao dịch thành một.

Ngân hàng điện tử là xu hướng tất yếu, ông Nguyễn Hưng, giám đốc phụ trách mảng ngân hàng số LiveBank của TPBank nói với Forbes Việt Nam. Để có lợi thế cạnh tranh, giảm chi phí, tăng hiệu quả thì chắc chắn phải tính đến ngân hàng số, ông Hưng chia sẻ.