Go-Jek dự kiến rót 150 triệu đô la Mỹ vào Việt Nam

Theo nguồn tin của Forbes Việt Nam, hãng gọi xe trực tuyến đến từ Indonesia, Go-Jek dự kiến rót 150 triệu đô la Mỹ vào Go-Việt để phát triển thị trường Việt Nam, một phần trong kế hoạch chi 500 triệu đô Go-Jek để mở rộng hoạt động tại các quốc gia Đông Nam Á.
Go-Jek dự kiến rót 150 triệu đô la Mỹ vào Việt Nam

Hoạt động tại thị trường Việt Nam chưa đầy hai tháng nhưng Go-Việt đã chi rất mạnh tay cho các hoạt động khuyến mãi. Ảnh: Dâng Phạm

Việt Nam dự kiến là quốc gia được rót vốn nhiều nhất trong kế hoạch dùng 500 triệu đô la Mỹ để mở rộng hoạt động sang các thị trường các quốc gia Đông Nam Á của Go-Jek.

Trả lời báo chí trong buổi họp báo ra mắt tại Hà Nội hôm 12.9, ông Nguyễn Vũ Đức, đồng sáng lập, kiêm Tổng giám đốc Go-Việt cho biết: “Việt Nam đang là thị trường đầu tiên và duy nhất mà Go-Jek triển khai. 150 triệu đô la Mỹ là con số tương đối.” Đại diện hai bên vẫn chưa tiết lộ tỉ lệ sở hữu của Go-Jek tại Go-Việt.

Từ nay đến cuối năm 2018, Go-Việt dự kiến sẽ triển khai thêm các dịch vụ tại Việt Nam gồm gọi xe bốn bánh (Go-Car), giao thức ăn (Go-Food), và ví điện tử (Go-Pay). Tại quê nhà Indonesia, Go-Jek hiện có 17 dịch vụ liên quan đến các lĩnh vực như gọi xe, giao hàng, tài chính công nghệ, mua nhu yếu phẩm.

Riêng việc xây dựng ví điện tử tại Việt Nam mất rất nhiều thời gian và các thủ tục khắt khe, theo chia sẻ của các chuyên gia. Trong khi đối thủ của Go-Việt tại Việt Nam là Grab chọn phương án hợp tác chiến lược với startup Moca để phát triển dịch vụ ví điện tử tại Việt Nam thì Go-Việt cho biết vẫn đang tính toán phương án thực hiện dịch vụ ví điện tử.

Công ty vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và dự kiến sẽ cho ra mắt các dịch vụ mới trong năm 2018, đại diện Go-Việt cho hay. Ông Đức cũng tuyên bố Go-Việt chiếm 35% thị phần gọi xe trực tuyến tại thị trường Việt Nam. Trong định hướng lâu dài Go-Việt sẽ chuyển đổi để đồng nhất với Go-Jek của khu vực Đông Nam Á.

Ứng dụng gọi xe Go-Việt bắt đầu hoạt động tại TP.HCM vào tháng 8.2018. Ngay khi hoạt động tại Việt Nam, Go-Việt tung ra các chiến dịch khuyến mãi để thu hút khách hàng và tài xế. Các chương trình khuyến mãi 5.000 đồng, 8.000 đồng cho khách hàng tại TP.HCM của Go-Việt cũng đã khiến cho đối thủ chính là Grab đứng ngồi không yên và phải đưa ra những chương trình giảm giá sâu. Có thời điểm, mức giá GrabBike xuống còn 3.000 đồng cho 5km đầu tiên, có thể xem là đợt giảm giá mạnh nhất của Grab kể từ khi Uber rút khỏi Đông Nam Á. Sau hơn một tháng thử nghiệm, Go-Việt mở rộng ra thị trường Hà Nội và đưa ra khuyến mãi 1.000 đồng cho 6km đầu. Hiện ứng dụng Go-Việt đạt 1,5 triệu lượt tải về và cộng tác với 25 nghìn tài xế.

Quy mô thị trường dịch vụ gọi xe trực tuyến tại khu vực Đông Nam Á (Nguồn: Google và Temasek - Đơn vị: tỉ đô la Mỹ)

Năm 2017, thị trường gọi xe khu vực Đông Nam Á có quy mô 5,1 tỉ đô la Mỹ và sẽ tăng lên thành 20,1 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025, theo một báo cáo của Google và Temasek.

Go-Jek ra mắt ứng dụng gọi xe trực tuyến tại Indonesia từ năm 2015. Sau vòng gọi vốn thành công số tiền 1,5 tỉ đô la Mỹ từ các nhà đầu tư như Google, JD, Tencent, Temasek, Go-Jek thông báo sẽ rót 1/3 trong tổng số tiền trên để mở rộng sang các quốc gia gồm Việt Nam, Thái Lan, Philipines và Singapore. Truyền thông thế giới những ngày gần đây cũng đưa tin Go-Jek đang chuẩn bị cho đợt gọi vốn tiếp theo với quy mô lên tới hai tỉ đô la Mỹ.